Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng nghề hủ tiếu vào vụ

11:01, 08/01/2016

Nghề làm sợi hủ tiếu ở KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) nổi tiếng ở khu vực phía Nam từ nhiều năm nay. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nghề truyền được truyền qua 2-3 thế hệ và tay nghề của những người thợ ngày càng nâng lên và chất lượng sợi hủ tiếu càng ít nơi sánh kịp.

Nghề làm sợi hủ tiếu ở KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) nổi tiếng ở khu vực phía Nam từ nhiều năm nay. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nghề truyền được truyền qua 2-3 thế hệ và tay nghề của những người thợ ngày càng nâng lên và chất lượng sợi hủ tiếu càng ít nơi sánh kịp.

Theo ông Trần Đại, Phó trưởng KP.2, phường Hố Nai, trong khu phố có đến hơn 30 hộ làm hủ tiếu sợi cung cấp cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phía Nam.

* Nổi tiếng trong vùng

Thời gian gần đây, không khí làm hàng tết ở đây nhộn nhịp hẳn lên. Mặt trời vừa ló dạng thì trên nhiều sân đã xếp đầy các kệ phơi bánh, phơi sợi hủ tiếu. Sợi hủ tiếu mới ra lò đều tăm tắp, sắp ngay ngắn thành từng vạt để khi vừa khô có thể cuộn lại thành từng bó khá đẹp mắt.

Bà Nguyễn Thị Bình, KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) kiểm tra lại sợi hủ tiếu trước khi giao cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Bình, KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) kiểm tra lại sợi hủ tiếu trước khi giao cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, KP.2, phường Hố Nai, kể: “Tôi làm sợi hủ tiếu đã hơn 30 năm. Nghề này khá vất vả, khoảng 3 giờ sáng đã phải thức dậy tráng bánh để khi trời vừa sáng có bánh đem phơi. Đến trưa bánh vừa khô đem vào nhúng nước, quét dầu ăn ủ 2 giờ liền để bánh mềm lại mới bắt đầu thái sợi. Sợi hủ tiếu thái xong phải đem phơi nắng thêm một lần nữa, đến khi khô giòn đem vào cột lại thành bó”. Sợi hủ tiếu của vùng Hố Nai nổi tiếng ngon và được thương lái nhiều tỉnh, thành về đặt hàng có lẽ do được làm công phu từ khâu chọn gạo đến khâu xay bột, hòa bột và tráng bánh. Sợi hủ tiếu vùng Hố Nai khi ăn có độ mềm, dai vừa phải, thơm mùi gạo và không có vị chua. Chính vì vậy, các tiệm hủ tiếu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh thường đặt mua nguyên liệu tại các cơ sở ở Hố Nai.

“Nghề làm sợi hủ tiếu do cha mẹ truyền lại cho tôi gần 40 năm. Muốn làm nghề này phải thức khuya, dậy sớm và phải luôn tay. Cả 3 chị em tôi cùng làm nhưng mỗi ngày chỉ được 70kg, trừ mọi chi phí, tiền công cũng đủ sinh sống”. Khoảng 4-5 năm lại đây, nhiều hộ làm sợi hủ tiếu bắt đầu đưa máy móc vào giảm bớt công lao động ở công đoạn xay bột và thái bánh. Nhưng 80% các công đoạn vẫn làm thủ công và có lẽ do các công đoạn chính vẫn làm thủ công là một trong những bí quyết để sợi hủ tiếu Hố Nai ngon hơn hẳn nhiều vùng khác. Hiện nay, trên thị trường có bán máy sấy bánh làm vừa nhanh và gọn. Nhưng theo lời những người thợ lâu năm, họ vẫn chọn cách phơi truyền thống là vì sợi hủ tiếu phải chịu đủ một sương hai nắng mới ngon.

* Nhộn nhịp vào vụ

Trung bình mỗi tháng, các cơ sở làm sợi hủ tiếu ở Hố Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 100 tấn hàng. Sợi hủ tiếu Hố Nai làm đến đâu bán hết đến, vào dịp cuối năm nhiều hộ phải từ chối bớt đơn đặt hàng vì không làm kịp. Cứ cách Tết Nguyên đán khoảng 1,5 tháng là các cơ sở làm hủ tiếu sợi phải tăng tốc, nâng công suất lên gấp 1,5 lần ngày thường. Đây cũng là dịp sợi hủ tiếu bán chạy nhất trong năm và thời tiết ít mưa, khá thuận lợi cho việc phơi bánh.

Ông Ngô Văn Tập, chủ cơ sở làm sợi hủ tiếu KP.2, phường Hố Nai cho hay: “Bình thường vợ chồng tôi chỉ làm khoảng 40kg/ngày, nhưng gần tết phải tăng lên 60kg/ngày mà vẫn không đủ cung ứng cho mối. Dù đơn hàng nhiều không đáp ứng kịp, song tôi vẫn làm chỉn chu tất cả các công đoạn để bánh luôn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, có những mối mua bánh gắn bó với cơ sở của tôi hơn 30 năm”.

Theo Chủ tịch UBND phường Hố Nai Trần Đình Luật, nghề làm sợi hủ tiếu có tại Hố Nai từ những thập niên 1950 do những người Bắc ở Hải Dương di cư vào Nam đã mang theo nghề truyền thống của quê hương.

Những người làm sợi hủ tiếu phần lớn tuổi đã cao, xấp xỉ hoặc trên 50 tuổi. Lao động trẻ rất ít người theo nghề này vì cực khổ mà thu nhập chỉ bằng gần một nửa so với làm công nhân. Do đó, những người còn làm đều là những người yêu nghề, không nỡ dứt nghề truyền thống mà ông bà, cha mẹ đã truyền lại cho.

 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều