Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều mặt hàng "leo thang" cùng giá USD

08:07, 30/07/2018

Gần đây, từ nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất đến hàng tiêu dùng nhập khẩu hiện tại phần lớn đều đã tăng giá từ 2-10%. Nguyên nhân là do tỷ giá USD thời gian qua liên tục leo thang so với dịp đầu năm 2018,...

Gần đây, từ nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất đến hàng tiêu dùng nhập khẩu hiện tại phần lớn đều đã tăng giá từ 2-10%. Nguyên nhân là do tỷ giá USD thời gian qua liên tục leo thang, so với dịp đầu năm 2018, hiện tỷ giá USD/VND đã tăng từ 700-800 đồng/USD và có thể còn tiếp tục tăng.

Sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa). Vì nguyên liệu nhập khẩu 90% và làm hàng tiêu thụ trong nước công ty gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa). Vì nguyên liệu nhập khẩu 90% và làm hàng tiêu thụ trong nước công ty gặp nhiều khó khăn.

Lo lắng nhất là những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên phụ liệu về để sản xuất thành sản phẩm sau đó bán trên thị trường nội địa. Tiếp đến là những DN chuyên nhập khẩu sản phẩm về để tiêu thụ trong nước. Theo các DN nhập khẩu, nếu tỷ giá USD còn tăng thì hàng nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục lên giá.

* Nguyên liệu đầu vào tăng cao

Ngày 28-7, giá USD các ngân hàng trên địa bàn tỉnh bán ra dao động ở mức 23.255 đến 23.260 đồng/USD và tiếp tục tăng so với ngày trước đó từ 15-50 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá USD đã lên ngưỡng 23.300- 23.350 đồng/USD.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, lượng dự trữ USD của Việt Nam đang lớn nhất từ trước đến nay nên sẽ khó xảy ra trường hợp thiếu USD. Tỷ giá tăng vẫn trong biên độ cho phép vì Ngân hàng Nhà nước ngày 27-7 công bố tỷ giá trung tâm 22.649 đồng/USD, tỷ giá tham khảo 22.700 đồng/USD. Với biên độ cho phép +/-3%, các ngân hàng có thể áp dụng tỷ giá 23.328 đồng/USD.

Theo tính toán sơ bộ của các DN, sự biến động của USD đã khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên thêm 5-10%. Đây là điều khó khăn lớn với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng chốt giá từ trước. Bởi nếu khách hàng không đồng ý điều chỉnh giá tăng thì DN cầm chắc giảm lợi nhuận thậm chí thua lỗ.

Bà Phạm Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vina Đại Việt (TP.Biên Hòa) nói: “Ảnh hưởng của việc tỷ giá USD tăng nên các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đều tăng từ 5-40%. Cụ thể, bắp tăng trên 5%, bã đậu nành tăng trên 40%. Vì thế, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi buộc phải tăng giá cám để bù lại”. Thực tế, giá USD ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bao bì Ngọc Thiên Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty phải nhập khá nhiều nguyên liệu về để làm các loại bao bì cung cấp cho thị trường nội địa. Giá USD tăng cao khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên, công ty buộc phải tăng giá sản phẩm bán ra, lượng hàng tiêu thụ cũng bị chậm lại”.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết: “90% nguyên liệu sản xuất chăn, drap, gối nệm của công ty nhập từ Hàn Quốc nên giá USD tăng khiến giá thành bị đẩy lên cao. Nhưng để giữ chân khách hàng, công ty đành phải tạm thời chấp nhận không có lời để giữ nguyên giá sản phẩm. Nhưng khả năng cũng chỉ đến tháng 10-2018, chúng tôi phải tăng giá thêm 10% mới đảm bảo sản xuất”.

Không chỉ các DN nhập khẩu hàng hóa trực tiếp về sản xuất bị ảnh hưởng mà các DN mua nguyên phụ liệu lại từ các DN khác cũng chịu chung cảnh giá tăng vì sản phẩm đầu vào dùng cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ cũng phải nhập khẩu.

* Hàng tiêu dùng tăng giá

Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng thì các sản phẩm nhập khẩu như: bánh kẹo, sữa, hóa mỹ phẩm, điện máy, quần áo, giày dép, trái cây... đều đã tăng giá từ 2-10%.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co.op Biên Hòa cho hay: “Những mặt hàng nhập khẩu như bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, trái cây nhập khẩu tại siêu thị đều phải điều chỉnh tăng giá do biến động của tỷ giá”. Theo nhận định của các chuyên gia thì giá hàng hóa trong thời gian tới có thể đồng loạt tăng. Các mặt hàng điện máy hiện 80-90% là nhập khẩu nên giá “nhảy” theo giá USD.

Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho hay, mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu trực tiếp đã điều chỉnh tăng từ 2-5%. Còn những mặt hàng khác đang trong thời điểm khuyến mãi nên siêu thị đang kiềm giá chưa tăng.

Vấn đề các DN lo lắng nhất hiện nay là trong thời gian tới giá USD vẫn biến động theo chiều hướng đi lên sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng phải chịu cảnh giá cả leo thang. Tuy giá USD tăng cao nhưng nguồn cung khá dồi dào. “Lượng USD dự trữ để bán ra cho khách hàng rất nhiều không lo thiếu. Tuy nhiên, tỷ giá biến động liên tục nên trong thời điểm này khách nên vay Việt Nam đồng sẽ có lợi hơn”- bà Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Đồng Nai nói.

Tìm hiểu tại các ngân hàng khác trên địa bàn thì nguồn cung USD vẫn sẵn sàng. Ngoài thị trường giá USD mua vào, bán ra cao hơn 50-100 đồng/USD so với giá niêm yết của các ngân hàng và lượng USD cũng tương đối dồi dào.

Hương Giang

Tin xem nhiều