Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tốt thế mạnh của đôi bên để phát triển

08:10, 20/10/2018

Chiều 19-10, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra hội nghị tổng kết 10 năm chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2007-2017...

Chiều 19-10, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra hội nghị tổng kết 10 năm chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2007-2017 và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 địa phương giai đoạn 2018-2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (ngồi bên phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (ngồi bên phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và Đồng Nai: Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Phú Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng  Đoàn Văn Việt, các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp của 2 tỉnh. 

* Đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng tại Lâm Đồng

Các nhà phân phối của Đồng Nai đã đưa khá nhiều sản phẩm của Lâm Đồng vào các siêu thị, cửa hàng phân phối, bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, khu chế xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại TP.Biên Hòa như: Trường An Food, Cửa hàng Tiến Tuấn, Công ty thực phẩm Rạng Đông…Ngoài ra, sản phẩm Lâm Đồng cũng được đưa vào các bếp ăn tập thể như: bếp ăn Công ty Pousung với 20 ngàn suất/ngày, bếp ăn công nghiệp Thiên Hà với 70 ngàn suất/ngày.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 17 dự án của các nhà đầu tư Đồng Nai với tổng vốn đăng ký hơn 1.890 tỷ đồng và 4 triệu USD. Trong đó có 7 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với số vốn thực hiện khoảng 434 tỷ đồng, 4 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Đặc biệt, lĩnh vực được xem là có sức hút vốn đầu tư là du lịch - dịch vụ. Lĩnh vực này có 4 dự án hiện đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.100 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 635 hécta, chủ yếu đầu tư các khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Tiếp đến là lĩnh vực nông - lâm nghiệp với 6 dự án. Trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư tập trung vào trồng rừng cao su, trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, chăn nuôi là thế mạnh của Đồng Nai và đã được các doanh nghiệp phát triển ở Lâm Đồng khá tốt. Cụ thể, đã có 7 doanh nghiệp chăn nuôi của Đồng Nai hợp tác với người dân phát triển trang trại chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên với tổng quy mô 50 ngàn con heo thịt và 12.400 con heo nái.

“Ngoài việc tổ chức sản xuất kinh doanh, các đơn vị này đã có đóng góp lớn cho việc phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh thông qua cung cấp con giống chất lượng cao và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân trong vùng”  - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên nhận xét.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh trao đổi một số vấn đề trong công tác phối hợp bên lề hội nghị
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh trao đổi một số vấn đề trong công tác phối hợp bên lề hội nghị

Với lĩnh vực công nghiệp, đã có 4 dự án tổng vốn đầu tư gần 380 tỷ đồng, trong đó 3 dự án thuộc lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp chế tạo, chế biến đã đi vào hoạt động, riêng dự án thủy điện cũng đang được triển khai xây dựng. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng lĩnh vực chế biến đặc biệt quan trọng đang được tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện tốt để thu hút đầu tư nhằm gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh.

* Hiệu quả ở nhiều lĩnh vực

2 địa phương thống nhất tiếp tục triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2018-2020 và những năm tiếp theo, đặc biệt là tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm cụ thể: phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xúc tiến thương mại và đầu tư; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, vùng; phát triển nhân lực, bao gồm đào tạo và sử dụng lao động; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đánh giá về công tác phối hợp giữa 2 địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, trong thời gian qua, sự phối hợp không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, nhiều lĩnh vực khác cũng đã được 2 tỉnh thực hiện khá tốt.

Đơn cử như trong các lĩnh vực GD-ĐT, từ năm 2007 đến nay, 2 tỉnh tập trung vào công tác đào tạo nghề cho lao động, chủ yếu tại 2 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng do Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán phối hợp với Phòng Lao động - thương binh và xã hội các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên thực hiện cho lao động nông thôn.

Hay trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, cơ quan chức năng giữa 2 địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp tại các khu vực giáp ranh giữa Lâm Đồng và Đồng Nai trong công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản.

Đặc biệt năm 2017, 2 tỉnh đã xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến hoạt động của 15 mỏ khai thác cát khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (tỉnh Đồng Nai có 2 mỏ; tỉnh Lâm Đồng có 13 mỏ). Qua đó, chấn chỉnh tình trạng khai thác cát chưa đúng quy định, xử lý triệt để các phản ảnh bức xúc của người dân trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ phát biểu tại hội nghị

Ngoài ra, việc trao đổi thông tin, công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự được thực hiện nhanh chóng, đạt hiệu quả hơn; kịp thời phát hiện, phối hợp ngăn chặn, truy bắt nhiều đối tượng gây án bỏ trốn, đối tượng truy nã; hỗ trợ tích cực trong công tác điều tra, khám phá án; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ một cách đồng bộ, chặt chẽ đảm bảo an ninh trật tự, nhất là các địa bàn giáp ranh giữa 2 địa phương.

* Hỗ trợ kêu gọi đầu tư

Theo đánh giá của lãnh đạo 2 tỉnh, hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của 2 địa phương.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực khai thác các tour, tuyến, điểm du lịch còn yếu; hợp tác trong đào tạo nghề và sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, hay phát triển vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư của doanh nghiệp chưa được như mong muốn của 2 tỉnh.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn nữa. Các ngành cụ thể hóa từng vấn đề để hợp tác được hiệu quả. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, bằng kinh nghiệm của mình, Đồng Nai sẽ hỗ trợ Lâm Đồng kêu gọi đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cũng lưu ý 3 tổng công ty lớn của tỉnh là Dofico, Sonadezi và Tín Nghĩa nghiên cứu các dự án đầu tư vào Lâm Đồng và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh lên đây đầu tư. 

“Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng để kêu gọi nhà đầu tư. Việc này Đồng Nai đã thực hiện rất quyết liệt trong những năm qua” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nói.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải thực sự làm tốt việc cải cách thủ tục hành chính để mời gọi được nhà đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cũng đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2018-2020 số doanh nghiệp và dự án của Đồng Nai đầu tư vào Lâm Đồng phải bằng và vượt so với dự án đầu tư trước. Đây là việc mà cả 2 tỉnh sẽ phải nỗ lực nhiều trong những năm tới.

Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho biết, từ khi đi vào hoạt động, sản lượng rau và các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng đã được cung cấp cho Đồng Nai với sản lượng lớn, đa dạng và phong phú hơn về chủng loại. Lượng hàng hóa từ Lâm Đồng vào chợ từ 35-50 tấn/ngày. Hiện có 20 tiểu thương từ Lâm Đồng đến kinh doanh tại chợ đầu mối.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều