Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ cà phê "đắng"

10:11, 21/11/2018

Vài năm gần đây, diện tích cà phê của Đồng Nai giảm mạnh vì lợi nhuận thấp. Vụ thu hoạch năm nay, cà phê rớt giá chỉ còn 34-35 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với vụ năm ngoái khiến nông dân trồng cà phê hầu như trắng tay, thậm chí thua lỗ nặng.

Vài năm gần đây, diện tích cà phê của Đồng Nai giảm mạnh vì lợi nhuận thấp. Vụ thu hoạch năm nay, cà phê rớt giá chỉ còn 34-35 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với vụ năm ngoái khiến nông dân trồng cà phê hầu như trắng tay, thậm chí thua lỗ nặng.

Ông Sỳ Nịp Hùng, nông dân tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) đang chặt bỏ diện tích cà phê còn lại ngay trong mùa thu hoạch.
Ông Sỳ Nịp Hùng, nông dân tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) đang chặt bỏ diện tích cà phê còn lại ngay trong mùa thu hoạch.

Nhiều nông dân vừa thu hoạch cà phê vừa tiếp tục chặt bỏ cây trồng đang ngày càng kém hiệu quả. Giống cây chủ lực này đang mất dần vị trí dù Việt Nam vẫn đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu cà phê.

* Chặt bỏ cà phê vì giá thấp

Thời điểm này, cà phê đang rộ mùa thu hoạch. Nhiều vườn cà phê chín đỏ cành nhưng chưa có người hái. Nông dân không mặn mà thu hoạch cà phê vì hiện giá mặt hàng này đang giảm sâu, nhiều nhà vườn thu không đủ bù chi.

Theo số liệu từ  Cục Thống kê Đồng Nai, đầu năm 2018 toàn tỉnh còn trên 15 ngàn hécta cà phê, giảm khoảng 2 ngàn hécta so với cuối năm 2017. Diện tích cà phê đang tiếp tục giảm mạnh khi nông dân nhiều địa phương đang tiếp tục chặt bỏ cây trồng này.

Vườn cà phê của gia đình ông Sỳ Nịp Hùng, nông dân tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) càng tan hoang vì thu hoạch đến đâu, ông chặt bỏ cà phê đến đó. Ông Hùng xót xa: “Vụ năm ngoái, cà phê bán được giá cao hơn nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể. Năm nay rớt giá, tiền bán cà phê không đủ trang trải chi phí phân, thuốc và công lao động. Càng để lâu càng lỗ vốn nên vụ này tôi quyết định chặt bỏ hết diện tích cà phê còn lại”. Gia đình ông Hùng có gần 2 hécta đất xưa nay chỉ chuyên canh cây cà phê. 5 năm trước, ông tỉa bớt cà phê để xen canh cây tiêu và vụ này quyết định chặt bỏ hết những cây còn lại vì không có thu nhập.

Không chỉ những vườn cà phê già cỗi, kém năng suất mà nhiều nông dân trồng cà phê giỏi cũng đang tính chuyện chuyển đổi cây trồng. Ông Nguyễn Mạnh Huy, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Nhờ phương pháp ghép cải tạo, tôi đã tăng năng suất vườn cà phê lên gấp đôi so với giống cũ. Năm nay, vườn tôi trúng mùa nhưng thu vẫn không đủ bù chi vì giá thấp. Dù có gần 30 năm gắn bó với cây cà phê nhưng nếu thị trường vẫn tiếp tục bấp bênh như hiện nay, tôi cũng sẽ tính đến việc chuyển sang trồng cây khác”.

Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom nhận xét: “Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích rất lớn. Trong đó, nhiều xã chuyên canh cây cà phê như: Sông Trầu, Sông Thao, Bàu Hàm... Nhưng hiện các địa phương trên đều giảm từ 70-90% trên tổng diện tích cà phê. Nguyên nhân vì thu nhập từ vườn cà phê thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác”.

* Khó giữ cánh đồng lớn

Cà phê là một trong những cây trồng thuộc tốp đầu được chọn triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Nai. Ngay từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng cánh đồng lớn cà phê 4C tại 3 huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc với tổng diện tích trên 600 hécta do Tổng công ty Tín Nghĩa thực hiện với mục đích tạo ra những vùng chuyên canh cà phê với sản lượng hàng hóa lớn, đạt chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Sau nhiều năm thực hiện, nông dân tham gia cánh đồng lớn đã được hưởng một số chính sách ưu đãi, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm..., nnưng nông dân vẫn không mặn mà gắn bó. Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết: “Hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn cà phê 4C tại địa phương đang xin rút khỏi dự án. Nguyên nhân diện tích trồng cà phê còn ít, nông dân lại không mặn mà với cây trồng này vì lợi nhuận thấp. Cà phê sạch chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái với giá hàng thường vì giá doanh nghiệp bao tiêu không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung mà tiêu chuẩn thu mua lại khắt khe hơn”.

Ngay cả đơn vị thực hiện khá hiệu quả mô hình cánh đồng lớn cây cà phê cũng không tránh khỏi lo ngại trong mục tiêu giữ diện tích vùng chuyên canh. Ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Từ khi triển khai dự án cánh đồng lớn cà phê 4C đến nay, chúng tôi vẫn giữ được hơn 260 hécta diện tích cà phê. Nhiều nông dân đã có nhận thức tốt hơn ý nghĩa của việc liên kết sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có doanh nghiệp bao tiêu. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn đang tính chuyện chuyển sang cây trồng khác vì dù trúng mùa, trúng giá, cả năm trời 1 hécta cà phê cũng chỉ đạt lợi nhuận vài chục triệu đồng” - ông Hiệp nói.

Bình Nguyên 

Tin xem nhiều