Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp giảm tỷ lệ chôn lấp rác: Gia hạn đến bao giờ?

03:12, 03/12/2018

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm là đến khi nào mới có thể giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 15%? Và, liệu tỉnh có nên gia hạn cho chủ đầu tư hết lần này đến lượt khác?

UBND tỉnh đã 3 lần gia hạn cho các chủ đầu tư dự án xử lý rác về giảm tỷ lệ chôn lấp rác. Lần gia hạn gần nhất đặt ra hạn chót là cuối năm 2016 phải đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt về dưới 15%, song không thực hiện được nên tỉnh phải điều chỉnh lại là đến cuối năm 2018 mới giảm tỷ lệ chôn lấp dưới 50%.

Khu xử lý rác Bàu Cạn (huyện Long Thành) vẫn chôn lấp 100%. Ảnh: Hương Giang
Khu xử lý rác Bàu Cạn (huyện Long Thành) vẫn chôn lấp 100%. Ảnh: Hương Giang

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm là đến khi nào mới có thể giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 15%? Và liệu tỉnh có nên gia hạn cho chủ đầu tư hết lần này đến lượt khác?

* Chỉ 2/7 khu xử lý đúng lộ trình

Sau nhiều năm thực hiện các dự án xử lý rác thì đến nay chỉ mới có 2/7 khu đảm bảo theo đúng lộ trình là chôn lấp rác sinh hoạt với tỷ lệ dưới 15%. Những khu xử lý (KXL) rác sinh hoạt khác vẫn lừng khừng, chậm triển khai dự án nên rác sinh hoạt vẫn đang phải chôn lấp với số lượng lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Quá trình chôn lấp rác phát sinh mùi hôi thối khá nặng khiến người dân sống gần những khu vực trên bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng sống. Hiện có 2 KXL rác sinh hoạt đang được coi là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường khiến người dân lên tiếng nhiều nhất là Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ngoài ô nhiễm mùi hôi từ các KXL rác, người dân còn bức xúc vì quá trình vận chuyển khiến nước rỉ rác rơi vãi dọc đường gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến người đi đường, sống gần đường.

Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) vẫn chôn lấp 100%.
Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) vẫn chôn lấp 100%.

Ông Nguyễn Văn Chiến, ấp 4, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) búc xúc: “Mỗi ngày có rất nhiều xe chở rác vào KXL, có những xe nước mà rỉ rác chảy dọc đường rất hôi thối, cả vùng đầy ruồi muỗi, có những bữa cơm bưng ra người dân không nuốt nổi vì chưa kịp ăn ruồi đã bâu kín”.

Khảo sát thực tế dọc tuyến đường từ gần ngã ba Trị An vào KXL Vĩnh Tân, chúng tôi bắt gặp khá nhiều xe chở rác có nước rỉ rác chảy suốt đoạn đường dài gần 8km, mùi hôi nồng nặc. ở những đoạn đường xấu, nước rỉ rác trào ra nhiều, văng cả vào người đi đường.

Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Một số trang trại chăn nuôi khép kín có yêu cầu cao về vệ sinh của người dân trong huyện đóng ở gần KXL rác Vĩnh Tân đã buộc phải đóng cửa vì ô nhiễm. Lần nào tiếp xúc cử tri ở khu vực này người dân cũng kêu ca về bãi rác”.

Ở “điểm nóng” Bàu Cạn, người dân cũng vô cùng bức xúc vì tình trạng ô nhiễm do bãi rác Bàu Cạn gây nên. Ông Lê Văn Tuấn, ấp 6, xã Bàu Cạn chia sẻ: “Khi chủ dự án về đây đầu tư đã hứa sẽ lắp đặt công nghệ xử lý rác của châu Âu, không phát tán mùi hôi và tỷ lệ chôn lấp rất ít. Nhưng sau 4 năm, họ vẫn chỉ chôn lấp và mùi rác thì lúc nào cũng nồng nặc. Người dân ở đây mong tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết và không thể để rác đưa về đều chôn lấp gây ô nhiễm cho đất, nước ngầm”.

Từ 2-3 năm trở lại đây, lo ngại nước ngầm ô nhiễm, người dân ở các ấp gần khu xử lý rác đành bỏ tiền mua từng lít nước sạch về sử dụng. Bà Ngô Thị Xuân Mai, ấp Suối Cả, xã Bàu Cạn bày tỏ: “Từ khi có KXL rác ở đây, chúng tôi chẳng được gì ngoài ô nhiễm nên sức khỏe giảm sút rõ rệt. Khổ nhất là người già và trẻ nhỏ phải chịu mùi rác hôi thối suốt nên rất hay bị bệnh đường hô hấp. Tôi và bà con ở đây nhiều lần kiến nghị tỉnh, Trung ương buộc chủ đầu tư thực hiện ngay nhà máy xử lý, nếu không đủ năng lực thì mời gọi doanh nghiệp khác đủ thực lực đầu tư”.

* Vì sao nhiều doanh nghiệp chây ì?

Mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hơn 1.400 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác được thu gom vận chuyển về các KXL theo quy hoạch nhưng khoảng hơn 900 tấn/ngày vẫn phải chôn lấp. Thậm chí, 2 khu xử lý rác sinh hoạt lớn nhất tỉnh, cũng là 2 “điểm nóng” ô nhiễm rác hiện nay, là Vĩnh Tân và Bàu Cạn vẫn chôn lấp 100%.

Biểu đồ thể hiện sự phân bố của các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tính đến cuối năm 2018.
Thông tin: Hương Giang, đồ họa: Hải Quân

Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là: có phải các doanh nghiệp được cấp phép dự án xử lý rác đang cố tình kéo dài, chây ì các cam kết về xử lý rác? Thực tế, thời gian qua, chi phí chôn lấp rác vẫn đang được chi trả mức tiền công bằng hoặc gần bằng so với những nhà máy đang xử lý rác sinh hoạt thành phân bón.

Sở dĩ các chủ đầu tư còn chần chừ chưa đầu tư hoàn thiện các nhà máy xử lý rác là vì UBND tỉnh chi trả tiền xử lý rác sinh hoạt thành phân bón hoặc đốt cũng xấp xỉ bằng rác đưa về đem chôn lấp, khoảng 420-490 ngàn đồng/tấn (số liệu trong năm 2016 và đầu năm 2017). Trong khi thực tế xử lý rác bằng cách đốt hoặc làm phân bón sẽ tốn kém hơn so với chôn lấp.

Năm 2018, theo yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã rà soát lại và điều chỉnh giá xử lý rác sinh hoạt xuống còn 370-380 ngàn đồng/tấn. Dự kiến thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu việc xử lý rác sinh hoạt, đơn vị nào bỏ thầu thấp sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, nếu vẫn tính giá xử lý rác thành phân bón tương đương giá chôn lấp thì sẽ khó khuyến khích các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cập nhật công nghệ xử lý rác hiện đại hơn.

Chỉ có 2 doanh nghiệp chấp hành đúng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 KXL chất thải có tỷ lệ chôn lấp đạt dưới 15% là Quang Trung và Túc Trưng (huyện Định Quán). Trong đó, khu Túc Trưng tiếp nhận 90 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, xử lý thành phân bón, đốt nên lượng rác trơ còn lại phải chôn lấp chỉ dưới 10%.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc - chủ đầu tư KXL rác Túc Trưng cho biết: “Công ty đầu tư dây chuyền có thể xử lý gần 400 tấn rác/ngày, nhưng lượng rác công ty nhận được để xử lý còn ít. Dây chuyền để xử lý rác sinh hoạt của công ty có xuất xứ tại Việt Nam và vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng”. Công ty này đang xử lý rác thành phân bón và đốt với giá 370-380 ngàn đồng/tấn.

KXL rác ở xã Quang Trung có chủ đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi. Công nghệ xử lý rác của công ty nhập khẩu từ châu Âu, sau khi làm phân bón, đốt tỷ lệ chôn lấp 14%. “Công ty mới đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Quang Trung với công suất khoảng 800 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nhà máy chỉ tiếp nhận xử lý 480 tấn rác sinh hoạt/ngày cho các huyện Thống Nhất, Tân Phú, TX.Long Khánh và một phần rác của TP.Biên Hòa” - ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi cho hay.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều