Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ Công ty Thuận Phong bị nghi làm giả phân bón: Cần sớm có câu trả lời

02:12, 13/12/2018

Vụ Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong có sản xuất phân bón giả đến mức phải khởi tố hình sự hay không thêm một lần làm nóng nghị trường Quốc hội trong buổi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6,...

Vụ việc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) có sản xuất phân bón giả đến mức phải khởi tố hình sự hay không thêm một lần làm nóng nghị trường Quốc hội trong buổi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào ngày 31-10-2018.

Thực tế, vụ việc này đã được chất vấn xuyên qua 2 nhiệm kỳ, song cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng cho dư luận rằng Thuận Phong có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Diễn biến vụ Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong. (Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: Hải Quân
Diễn biến vụ Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong. (Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: Hải Quân

Trong khi đó, thiệt hại của doanh nghiệp sau gần 4 năm xảy ra vụ việc (tính từ mốc ngày 24-4-2015 khi Văn phòng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) quốc gia phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh kiểm tra xưởng sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong vì nghi làm giả phân bón) đã lên đến hàng chục tỷ đồng, với số phận của gần vài trăm con người gắn liền với đó.

* Chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự?

Vào tháng 3-2016, tại một cuộc họp của Bộ công an, sau khi nghe báo cáo từ các cơ quan tố tụng của tỉnh và các bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương kết luận: Những hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Trên cơ sở kết luận này, ngày 15-4-2016, Đại tá Lê Văn Hùng, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.

Từ kết quả điều tra nhiều phía, kết quả phân tích các mẫu phân bón, cơ quan chức năng của Đồng Nai khẳng định Công ty Thuận Phong có một số mẫu phân bón kém chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa… song không đủ cơ sở để khởi tố hình sự nên đã tiến hành xử phạt hành chính.

Một số cơ quan chức năng trung ương cho rằng vụ việc này đến mức phải truy tố hình sự, nhưng phía cơ quan điều tra Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm không truy tố hình sự vì không đủ chứng cứ.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, Thanh tra Sở Nông nghiệp - phát  triển nông thôn, sau khi lấy các mẫu phân bón đi phân tích đều thống nhất quan điểm xử phạt hành chính.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, Phó trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: “Kết quả phân tích các mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong cho thấy có nhiều mẫu có hàm lượng vượt so với công bố của công ty và một số mẫu thấp hơn so với công bố nhưng chỉ ở ngưỡng kém chất lượng. Vì thế tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau đó vụ việc có những diễn biến phức tạp nên đã chuyển hồ sơ qua Công an tỉnh để điều tra làm rõ”.

Được biết, Công ty Thuận Phong nhập khẩu chính ngạch phân bón từ  Hoa Kỳ về sang chiết, đóng gói và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và đã được sự ủy quyền, cho phép của đối tác Hoa Kỳ. Kết quả phân tích tại 3 trung tâm thì 29 mẫu của 25 sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất trong nước có 12 mẫu đảm bảo chất lượng, 17 mẫu không đảm bảo chất lượng.

Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhận định: “Trên cơ sở phân tích các mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong, thanh tra sở đã nhiều lần có văn bản khẳng định công ty này có một số mẫu phân bón sản xuất kém chất lượng, chứ không phải phân bón giả nên chỉ đề nghị xử phạt hành chính”.

* Dùng dằng kết luận cuối cùng

Chịu trách nhiệm điều tra làm rõ chính trong vụ việc này là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) Công an Đồng Nai. Thực tế, cơ quan này đã vào cuộc điều tra xác minh 2 lần (lần 1 từ năm 2015-2016; lần 2 là năm 2017 đến nay) để làm rõ những thông tin liên quan.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cán bộ điều tra đã đến các tỉnh: Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai làm việc, ghi nhận ý kiến của các hộ dân đã mua và sử dụng phân bón của Công ty Thuận Phong để xác định có hay không thiệt hại sau khi sử dụng phân bón của công ty này. Qua xác minh, 27 hộ dân ở các địa phương trên cho biết họ không có bất kỳ thiệt hại gì sau khi sử dụng các loại phân bón của công ty này.

Theo đó, Công ty Thuận Phong nhập khẩu phân bón từ Công ty Bio Huma Netics (Hoa Kỳ) và cơ quan điều tra đã lấy mẫu 7 loại phân bón nghi là hàng giả để giám định. Kết quả điều tra xác minh và trên kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn về chất lượng đã có căn cứ xác định các tiêu chí công bố của Công ty Thuận Phong đều đạt và vượt.

Theo cơ quan điều tra, việc ông Khiếu Mạnh Tường chỉ đạo công nhân của mình sang chiết, đóng chai và dán nhãn hiệu, ghi thông tin “Made in USA” trên sản phẩm là đúng bản chất hàng hóa. Bởi lẽ 7 loại phân bón dạng nước do Công ty Thuận Phong sang chiết và phân phối được sản xuất tại Công ty Bio Huma Netics (Hoa Kỳ).

Riêng về nhãn mác hàng hóa, kết quả điều tra cơ quan công an cũng xác định Công ty Thuận Phong có ký hợp đồng với Công ty Bio Huma Netics để nhập khẩu phân bón hữu cơ sinh học và được ủy quyền sang chiết, đóng chai loại 1 lít và 5 lít, được gắn nhãn nơi đóng gói và độc quyền phân phối sản phẩm. Tuy nhiên tem, nhãn phụ không ghi sản phẩm được đóng gói tại Công ty Thuận Phong, đây là hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Về hoạt động sản xuất, Công ty Thuận Phong có ký hợp đồng với đơn vị Kho K888 làm nơi lập nhà xưởng. Riêng hoạt động sang, chiết và đóng chai các loại phân bón hữu cơ và nhập khẩu thì hiện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chưa có văn bản quy định thủ tục xin phép.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, một cán bộ điều tra thuộc PC03 Công an tỉnh cho biết: “Sau hơn 3 năm điều tra, vụ việc đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa có căn cứ để xử lý hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với Công ty Thuận Phong”.

Sau thời gian bị dừng hoạt động, hệ thống nhà xưởng Công ty Thuận Phong xuống cấp trầm trọng.(Ảnh chụp tại thời điểm tháng 6-2016).
Sau thời gian bị dừng hoạt động, hệ thống nhà xưởng Công ty Thuận Phong xuống cấp trầm trọng. (Ảnh chụp tại thời điểm tháng 6-2016).

Qua điều tra, PC03 xác định hành vi của ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả với 7 loại phân bón dạng nước được nhập khẩu từ Công ty Bio Huma Netics (Hoa Kỳ). Nhưng qua xác minh, Công ty Thuận Phong có vi phạm hành chính với lỗi không công bố hợp quy sản phẩm phân bón Zap theo quy định. Vi phạm này đã được UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 16-5-2016.

Với những kết quả điều tra nói trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định vi phạm của Công ty Thuận Phong chỉ là vi phạm hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý hình sự về tội kinh doanh trái phép, sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, buôn lậu và mua bán hàng cấm.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vụ việc được đưa lên diễn đàn Quốc hội để thảo luận, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tố tụng của tỉnh và trung ương tiếp tục xác minh một số nội dung trong vụ việc này.

Liên quan đến vụ việc này, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết đã yêu cầu các cơ quan liên quan và các bộ, ngành xác minh một số nội dung để làm rõ, có hay không dấu hiệu tội phạm. Nhưng đến nay các cơ quan tố tụng của tỉnh vẫn chưa nhận được kết luận từ một số bộ, ngành liên quan như: Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương.

“Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc xác định một vụ việc có dấu hiệu tội phạm có được khởi tố, điều tra hay không phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định đối với các vụ việc bắt buộc phải được trưng cầu giám định tư pháp, trong đó có việc giám định tư pháp đối với những trường hợp hàng giả, tiền giả, thuốc chữa bệnh giả... Phải xác định được đó là thật hay giả mới đủ yếu tố xử lý về hình sự, để các cơ quan tố tụng định tội và luận hình. Do đó, ý kiến cho rằng vụ việc ở Thuận Phong đã đủ yếu tố xác định, tôi nghĩ là chưa xác đáng”.

(Ý kiến Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tại phiên chất vấn ngày 31-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV).

Hương Giang - Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều