Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa dễ 'xanh hóa' sản xuất, tiêu dùng

03:12, 10/12/2019

Do phải đối mặt với nhiều rào cản như: thói quen người tiêu dùng, chi phí đắt đỏ, thiếu chính sách hỗ trợ…, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường vẫn chưa được phổ biến rộng rãi...

Những năm gần đây, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Người tiêu dùng chọn mua rau được gói bằng lá chuối tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Người tiêu dùng chọn mua rau được gói bằng lá chuối tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

[links()]Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều rào cản như: thói quen người tiêu dùng, chi phí đắt đỏ, thiếu chính sách hỗ trợ… khiến cho xu hướng này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi như mong muốn của Chính phủ.

* Xuất hiện nhiều sản phẩm “xanh”

Cuối năm 2018, Cơ sở Tre Việt Bắc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa (cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre) quyết định chuyển hướng sản xuất từ sản phẩm ống sáo sang làm ống hút từ tre.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tại Việt Nam ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là: nắp - chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi, ống hút...

Theo anh Nguyễn Quốc Thành, chủ Cơ sở Tre Việt Bắc, “động lực” khiến anh chuyển hướng sản xuất chính là xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở trong nước. “Hiện nay, xu hướng sử dụng ống hút từ tre thay cho ống hút nhựa ngày càng tăng, nhu cầu thị trường vì vậy cũng ngày càng lớn. Chính vì vậy, tôi quyết định chuyển sang làm ống hút tre” - anh Nguyễn Quốc Thành chia sẻ.

Sau gần 1 năm chuyển hướng sản xuất, đến nay, mỗi tháng Cơ sở Tre Việt Bắc đã cung ứng cho thị trường khoảng 6 triệu ống hút tre. Trong số này, khoảng 70% lượng sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường như: Canada, Thái Lan…

Trong khi đó, với mục tiêu không phát tán chất thải ra môi trường, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã sử dụng chất thải từ sản xuất cà phê để cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch không nung với công suất khoảng 1,8 triệu viên/năm và hỗ trợ cho các công trình xây dựng công cộng như: trường học, bồn nước… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã áp dụng việc sử dụng nhiên liệu sinh khối (bã cà phê, viên nén mùn cưa) làm nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch để vận hành hệ thống lò hơi của nhà máy sản xuất.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh cho rằng, nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng ngày càng cao. Điều này đã trở thành động lực để nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới. “Đây là xu hướng thiết yếu mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hướng tới trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt” - ông Vũ Đình Trung đánh giá.

* “Nhen nhóm” trào lưu tiêu dùng xanh

Đầu tháng 7 vừa qua, hệ thống quán cà phê, trà Đông Dương và cà phê Tự Do trên đường Phan Trung, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa đã bắt đầu thay thế các sản phẩm đồ nhựa sử dụng một lần như ly, tay xách ny-lông và ống hút nhựa bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường để phục vụ khách hàng.

Bà Cao Thị Hương Trang, chủ 2 quán trà, cà phê Đông Dương và Tự Do cho hay, để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần sang các sản phẩm thân thiện với môi trường được sản xuất từ tre, gạo, chi phí đầu vào tăng hơn so với sử dụng các sản phẩm nhựa. Để giảm gánh nặng chi phí, khi sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa, khách hàng sẽ phải trả thêm 1 ngàn đồng/sản phẩm. “Tăng thêm giá thì ít khách hàng lựa chọn hơn, tuy nhiên cũng có khá nhiều khách hàng, nhất là khách hàng trẻ chấp nhận bỏ thêm tiền để sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” - bà Cao Thị Hương Trang chia sẻ.

Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại, khép kín tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Hải Quân
Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại, khép kín tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Hải Quân

Trước đó, từ đầu tháng 4-2019, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã sử dụng lá chuối để gói nông sản thay cho túi ny-lông.

Theo đại diện Co.opmart Biên Hòa, việc sử dụng lá chuối thay cho túi ny-lông, đơn vị phải sử dụng thêm nhân công cho các khâu tìm mua lá, phân loại, sơ chế… Do đó, so sánh với việc sử dụng túi ny-lông, giá các sản phẩm sẽ tăng lên, mặc dù vậy siêu thị này vẫn giữ nguyên giá bán với mục đích kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp nói không với túi ny-lông để chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld (trụ sở tại huyện Thống Nhất) chuyên cung cấp các sản phẩm nấm mèo đóng gói cho hay, để bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cũng đã chuyển dần từ việc sử dụng túi ny-lông sang sử dụng túi giấy để đóng gói sản phẩm.

* Không dễ nhân rộng

Dù xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên trên thực tế, việc phổ biến rộng các mô hình này là không dễ dàng. Thậm chí, nhiều cơ sở, sau khi sử dụng các sản phẩm xanh nhưng lại đón nhận sự thờ ơ của khách hàng đã buộc phải từ bỏ hướng đi này.

Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ marketing của Co.opmart Biên Hòa cho hay, sau thời gian đầu nhận được sự hưởng ứng khá tích cực của người tiêu dùng thì hiện nay, việc sử dụng lá chuối thay cho túi ny-lông đang dần “thoái trào”. Nguyên nhân là do việc sử dụng túi
ny-lông để đựng các sản phẩm vẫn… thuận tiện và nhanh chóng hơn so với việc sử dụng lá chuối.

Không chỉ bất tiện, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn gặp bất lợi trong cạnh tranh do giá thường cao hơn so với các sản phẩm nhựa, túi ny-lông. Bà Cao Thị Hương Trang chia sẻ, 1kg ống hút làm từ gạo có giá bán khoảng 60 ngàn đồng, mức giá này cao gấp đôi so với ống hút nhựa. Tương tự, giá tay xách làm từ tre cũng có giá cao gần gấp đôi so với giá tay xách làm từ ny-lông. Do giá cao hơn nên để sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cơ sở kinh doanh phải tăng giá để bù chi phí. “Số lượng khách hàng chấp nhận bỏ thêm tiền, dù chỉ là 1 ngàn đồng để sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng không nhiều. So với thời điểm ban đầu thì ngày càng ít khách hàng lựa chọn giải pháp sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” - bà Cao Thị Hương Trang cho hay.

Tương tự, các loại túi ny-lông dễ tiêu hủy được bán tại các siêu thị cũng phải chịu sự “thờ ơ” của khách hàng do giá thành cao. Trong khi các loại túi
ny-lông dễ tiêu hủy có giá khoảng 70 ngàn đồng/kg thì giá bán túi ny-lông thông thường chỉ khoảng 30 ngàn đồng/kg. Do đó, phần lớn khách hàng vẫn lựa chọn túi ny-lông thông thường để… tiết kiệm chi phí.

Không chỉ đối với người tiêu dùng, giá thành cũng chính là trở lực chính đối với các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu sản xuất xanh. Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld cho biết, để chuyển từ việc sử dụng bao bì ny-lông sang túi giấy, chi phí vào giá thành sản phẩm phải tăng thêm từ 10-15%. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, không nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc “sản xuất xanh”. Bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm vì giá bán tăng.

Phạm Tùng - Hải Quân

Tin xem nhiều