Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn nhiều rào cản

04:01, 30/01/2020

Từ năm 2017, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương bắt đầu triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, qua đó từng bước hình thành các chuỗi bán rau, thịt an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ năm 2017, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương bắt đầu triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, qua đó từng bước hình thành các chuỗi bán rau, thịt an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một sạp kinh doanh thực phẩm an toàn tại chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú). Ảnh:L.Phương
Một sạp kinh doanh thực phẩm an toàn tại chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú). Ảnh:L.Phương

Đến nay, tình hình xây dựng các điểm bán hàng bảo đảm an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, chương trình này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Phát triển ở nhiều địa phương

Trong giai đoạn từ năm 2017-2018, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương xây dựng thí điểm 99 điểm bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom...

Riêng năm 2019, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai thực hiện 57 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ triển khai 20 điểm, huyện Thống Nhất 23 điểm, TP.Long Khánh 14 điểm...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, đầu tư các phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nói chung và các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn nói riêng.

Đồng thời, cần tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, triển khai xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn có hiệu quả, phù hợp với địa phương...

Các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn cần đảm bảo kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ định nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng...

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú) cho biết, chợ Phương Lâm hiện có 32 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó có 18 sạp kinh doanh thịt. Các điểm bán thực phẩm an toàn trên được người tiêu dùng an tâm chọn mua nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa, hiện chợ Biên Hòa có 4 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Việc liên kết các trang trại chăn nuôi, điểm giết mổ đạt tiêu chuẩn và đưa ra chợ khá thuận lợi, góp phần đảm bảo việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.

Bà Đỗ Thị Kim Quy, chủ một sạp kinh doanh thịt heo an toàn ở chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú) cho biết: “Sạp của tôi được gắn bảng kinh doanh thực phẩm an toàn từ năm 2019. Để được cấp chứng nhận kinh doanh thực phẩm an toàn, tiểu thương sẽ được các cơ quan chức năng tập huấn, cũng như đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kết nối với các trang trại, lò mổ, thử mẫu...”.

* Vẫn tồn tại nhiều rào cản

Theo Sở Công thương, qua quá trình triển khai, bước đầu việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ được quan tâm và có nhiều tiến bộ so với trước đó. Sản phẩm đưa vào các điểm bày bán được kiểm soát các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, các sạp bán hàng thực hiện những quy định vệ sinh (vệ sinh sạp; sát trùng trang thiết bị, quầy sạp trước và sau khi bán hàng; thu gom rác; xử lý nước thải...). Số lượng tiểu thương đồng tình, đăng ký tham gia ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, đơn vị quản lý chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay chợ Long Bình Tân mới chỉ có 1/8 điểm kinh doanh thịt heo được chứng nhận kinh doanh thực phẩm an toàn. Các tiểu thương vẫn chưa thực sự hào hứng khi đăng ký tham gia do các quy trình, thủ tục còn tốn nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Ngọc Tánh cho biết thêm, trên thực tế, nhiều tiểu thương vẫn còn dè dặt triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn bởi tâm lý “ngại” những quy định, thủ tục còn phức tạp, nhất là ở khâu truy xuất nguồn gốc. Do đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần được tăng cường.

Đại diện nhiều ban quản lý chợ cho biết, việc tiến hành thẩm định, hậu kiểm các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các trang thiết bị kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đủ tiêu chuẩn...

Theo Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương), hiện số lượng các cơ sở được chứng nhận VietGAP chưa nhiều, dẫn đến hạn chế trong việc đánh giá mối nguy an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất ban đầu của chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, các ban quản lý chợ không thường xuyên tiến hành kiểm tra thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các tiểu thương. Việc quản lý hàng hóa đầu vào chợ còn nhiều bất cập, thiếu sót. Nhiều tiểu thương tại chợ chưa đăng ký hộ kinh doanh nên không đáp ứng các tiêu chí tham gia điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi. Đồng thời, thiếu các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đầu tư và tiêu thụ sản phẩm chuỗi, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa thật sự như mong đợi.

Bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) chia sẻ, từ năm 2019, UBND tỉnh đã giao UBND các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Các địa phương sẽ gửi hồ sơ về Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) phụ trách các thủ tục chứng nhận các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong quá trình triển khai, cấp giấy chứng nhận vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, chưa thống nhất giữa các đơn vị liên quan và các địa phương...

Sở Công thương sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan có phương án phù hợp để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai, nhân rộng các điểm bán thực phẩm an toàn trong thời gian tới.               

Lam Phương

Tin xem nhiều