Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động tìm giải pháp hạn chế tác động xấu

11:03, 01/03/2020

Đồng Nai đang tổng hợp những khó khăn của từng lĩnh vực, từng ngành, từng nhóm doanh nghiệp (DN) đã và đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đưa ra những giải pháp cấp bách cho từng ngành nhằm vượt qua khó khăn.

Đồng Nai đang tổng hợp những khó khăn của từng lĩnh vực, từng ngành, từng nhóm doanh nghiệp (DN) đã và đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đưa ra những giải pháp cấp bách cho từng ngành nhằm vượt qua khó khăn. Nhiều DN cũng cho biết đã chuẩn bị tâm thế để chủ động ứng phó với những tình huống xấu hơn.

Lượng khách đến mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa giảm và chủ yếu mua thực phẩm. Ảnh: K.Minh
Lượng khách đến mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa giảm và chủ yếu mua thực phẩm. Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong tháng 2-2020 đạt hơn 14,8 ngàn tỷ đồng, giảm 1,7 ngàn tỷ đồng (gần 11%) so với tháng trước đó. Ngoài ra, nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất công nghiệp giảm hơn 9%.

* Mở rộng giao thương

UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực và đưa ra giải pháp để tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, các sở, ngành phải hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, để vượt qua khó khăn hiện tại do dịch bệnh gây ra. DN hoạt động ổn định sẽ góp phần cho kinh tế tỉnh tăng trưởng bền vững.

Do đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn DN Đồng Nai tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, liên tục liên hệ với tham tán thương mại tại các nước để giúp DN tìm thêm thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa để sớm ổn định sản xuất.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở đã có văn bản đề nghị các hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh thu thập thông tin của DN về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Sở dựa trên báo cáo của các hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Công thương có những hỗ trợ kịp thời để DN vượt qua sóng gió”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng chung đến toàn thế giới thì DN phải chủ động tìm nguyên liệu từ những nước khác để thay thế. Đơn cử như mặt hàng dệt may, giày dép, thiết bị điện tử Việt Nam đang nhập khẩu từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, nếu nguồn cung nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị thiếu hụt có thể tìm thêm nguồn từ những quốc gia còn lại. Các DN cần điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, cắt giảm các khâu khác để đảm bảo giá thành sản phẩm không bị đội lên quá cao.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến cho rằng, nếu dịch kéo dài thêm 1-4 tháng nữa thì ngành may mặc sẽ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất nghiêm trọng. “Để đối phó với việc này, Đồng Tiến đã lên kế hoạch tìm nguồn vải thay thế từ nhiều nước khác, phòng khi nguồn cung trong nước, từ Trung Quốc không đáp ứng đủ. Công ty hiện có gần 10 ngàn công nhân và nhiều đơn hàng lớn đã ký với đối tác đến cuối năm, vì thế tìm nguyên liệu, ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập cho lao động là rất cấp thiết” - ông Hoàng nói.

* Chuẩn bị tốt cho tình huống xấu

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phúc tạp, từ DN nhỏ đến lớn tại Đồng Nai đều trong tâm thế chủ động tìm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khác để thay thế. Việc này không dễ nhưng các DN muốn tồn tại phải vượt qua.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, đây sẽ là dịp thử sức DN, do đó DN phải chủ động để vượt qua. Ngoài mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để mở rộng giao thương với nước khác thì DN đề xuất giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay vốn.

Các sở, ngành, hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh cũng đã dự phòng đến tình huống xấu nhất do dịch Covid-19 gây ra để có sự ứng phó kịp thời.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: “Ngành nông nghiệp của tỉnh chưa chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, Sở đã làm việc trước với các DN chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh để hơn nửa tháng nữa vào vụ thu hoạch xoài đồng loạt, khoảng 60-70% sản lượng xoài của tỉnh xuất qua Trung Quốc nếu gặp trở ngại sẽ có các DN trong nước tiếp ứng mua lại để chế biến”.

Bên cạnh đó, ông Vinh chia sẻ thêm, hơn 2 tháng nữa là vụ thu hoạch chính của chôm chôm, sầu riêng trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân thủ tục đưa sản phẩm vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây để đưa đi các nơi tiêu thụ.

Theo ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH-TTDL, Sở đã có lường trước tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và chuyển biến xấu hơn nên yêu cầu những đơn vị phải nghiêm ngặt thực hiện công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan. Phía Sở hỗ trợ các khu, điểm du lịch bằng cách giới thiệu, xúc tiến, quảng bá điểm đến, song DN cũng cần mở thêm chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để thu hút du khách đến vui chơi. Đồng thời, đây là dịp để những khu, điểm du lịch sửa sang, nâng cấp làm mới những dịch vụ, khu vui chơi phục vụ du khách sau khi dịch bệnh được khống chế.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều