Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây, rau quả vào Thái Lan: Tại sao không?

04:03, 07/03/2020

Lâu nay, Việt Nam vẫn nhập siêu rất nhiều mặt hàng từ Thái Lan, trong đó nổi bật là nhóm hàng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong khối ASEAN và hứa hẹn còn nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau quả tươi.

Lâu nay, Việt Nam vẫn nhập siêu rất nhiều mặt hàng từ Thái Lan, trong đó nổi bật là nhóm hàng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong khối ASEAN và hứa hẹn còn nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau quả tươi.

Trái thanh long của Việt Nam hầu như chiếm lĩnh thị trường Thái LanTrong ảnh: Gian hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam tại hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: B.Nguyên
Trái thanh long của Việt Nam hầu như chiếm lĩnh thị trường Thái LanTrong ảnh: Gian hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam tại hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: B.Nguyên

Trước khó khăn về xuất khẩu trái cây, rau quả tươi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam đang tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tuy “sát vách” nhưng chưa được khai thác hiệu quả này.

* Coi là đối tác thay vì “đối thủ”

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, năm 2019, riêng xuất khẩu về trái cây tươi và chế biến của nước này đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên, Thái Lan cũng nhập hơn 3 tỷ tấn trái cây tươi với trị giá hơn 1 tỷ USD; nhập khẩu 850 triệu tấn rau củ với khoảng 600 triệu USD từ các nước. Điều này cho thấy cường quốc xuất khẩu nông sản này cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về trái cây, rau củ.

Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đưa ra quan điểm: “Chúng ta nên xem Thái Lan là đối tác thương mại thay vì là đối thủ cạnh tranh. Vì Việt Nam đang xuất khẩu tốt nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi sang Thái Lan. Tôi lấy ví dụ, chúng ta đang là nước xuất khẩu chính trái thanh long vào Thái Lan và theo thống kê của Hải quan Thái Lan, Việt Nam đang chiếm đến 90% thanh long nhập khẩu của nước này”.

Theo bà Trần Thị Thanh Mỹ, trong 2 năm vừa qua, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã làm việc rất nhiều lần với các cơ quan của Thái Lan về việc mở rộng thêm các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này. Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt mở rộng xuất khẩu vào thị trường còn mới và giàu tiềm năng này.

Cũng theo bà Mỹ, cho đến nay, Việt Nam chỉ mới được chính thức cấp phép cho 4 loại trái cây là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn và vải nhập khẩu vào Thái Lan nên vẫn còn dư địa rất lớn để tăng xuất khẩu vào thị trường này. Điều đặc biệt là Thái Lan thu hút rất đông khách du lịch, chỉ tính riêng Bangkok trong năm 2019 đã đón tới 39,8 triệu khách du lịch. Lượng khách du lịch này không chỉ là khách hàng tiêu thụ mà họ còn là những đại sứ giúp quảng bá cho mặt hàng trái cây, rau quả của Việt Nam đi khắp các nước thông qua thị trường Thái Lan. Thái Lan còn được xem là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, nước này có nhu cầu về sự đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho chế biến, trong đó có nguồn từ nhập khẩu mà Việt Nam có thể tận dụng.

Ông Chaisak Ringluen, đại diện Văn phòng Điều tiết nông nghiệp (Cục Nông nghiệp Thái Lan) chia sẻ, các mặt hàng trái cây, rau củ muốn nhập khẩu vào Thái Lan việc đầu tiên là phải tuân thủ các quy định trong bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp Thái Lan, trong đó có 2 loại giấy phép quan trọng nhất là đảm bảo về vệ sinh dịch tễ và giấy chứng nhận quy trình sản xuất an toàn dịch tễ.

Do đó, nước nào muốn xuất khẩu vào Thái Lan phải giám sát kỹ về mặt sâu bệnh và phải có bảng phân tích rủi ro sâu bệnh. Các chuyên gia Thái Lan sẽ qua Việt Nam đánh giá quy trình sản xuất, xử lý dịch bệnh này. Ngoài ra, trái cây, rau củ trước khi xuất khẩu đều phải qua xử lý và tuân theo những yêu cầu khác về đóng gói, dán nhãn…

Khâu kiểm dịch thực vật được làm rất chặt chẽ và nếu phát hiện sâu bệnh gây hại trong các mẫu kiểm tra thì cả lô hàng sẽ bị từ chối nhập hoặc bị tiêu hủy ngay. “Không chỉ là nước tiêu thụ, Thái Lan còn là nước đứng ra xuất khẩu những nông sản từ Việt Nam đi những nước khác theo khung tiêu chuẩn về chất lượng mà Thái Lan ban hành. Chúng tôi mong muốn mở rộng mối quan hệ thương mại với Việt Nam về mặt hàng nông sản” - ông Chaisak Ringluen nói.

* Khai thác lợi thế riêng

Thời gian gần đây, rất nhiều tập đoàn Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đây là thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói riêng và các mặt hàng trái cây, rau củ vào thị trường này. Điển hình như hằng năm, Tập đoàn Central Group với chuỗi siêu thị BigC đều phối hợp với Bộ Công thương để tổ chức các chương trình xúc tiến hàng Việt Nam vào Thái Lan.

Ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Group nhận xét: “Yêu cầu của thị trường Thái Lan là họ chọn những sản phẩm ngon nhất thế giới. Nhiều loại trái cây của Việt Nam rất ngon và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. Chúng tôi rất muốn đẩy mạnh việc nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái vải vào Thái Lan”.

Theo một số nhà nhập khẩu nông sản của Thái Lan, ngoài trái cây tươi, Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về rau củ, đặc biệt là những mặt hàng họ không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít như: cà rốt, khoai tây và nhiều loại rau thơm...

Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này ví như có doanh nghiệp đang nỗ lực xuất khẩu trái bơ. Vì đây là loại trái cây Thái Lan hoàn toàn phải nhập khẩu và hiện giá 1 trái bơ bán trong siêu thị của Thái lên đến 70 ngàn đồng. Kỳ vọng với sự tham gia đầu tư của các nhà nhập khẩu Thái vào Việt Nam, thời gian tới sẽ có thêm nhiều loại trái cây, rau quả Việt Nam được xuất sang thị trường này.  

Việt Nam còn có lợi thế xuất khẩu vào Thái Lan mà ít thị trường nào khác trên thế giới có được là cộng đồng Việt kiều rất đông đảo đang sinh sống tại nước này. Trong số họ, nhiều người sở hữu các siêu thị, cửa hàng phân phối và cung cấp hàng hóa, đây là điều kiện thuận lợi để tiếp thị hình ảnh nông sản Việt với người Thái.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều