Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp băn khoăn với Nghị định 126

04:12, 25/12/2020

Từ đầu năm 2021, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) có nguy cơ nhận "án phạt" thuế mới, đây là lo ngại của rất nhiều người sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2021, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) có nguy cơ nhận “án phạt” thuế mới, đây là lo ngại của rất nhiều người sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định tổng số thuế thu nhập DN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.

Vừa mới ổn định lại sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp cần sự nới lỏng về chính sách thuế  để phục  hồi sản xuất Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh hoạ: V.GIA
Vừa mới ổn định lại sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp cần sự nới lỏng về chính sách thuế để phục hồi sản xuất Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh hoạ: V.GIA

Điều này khiến cho hàng ngàn DN sẽ đối mặt với nguy cơ bị phạt chậm nộp thuế khi hiệu quả kinh doanh quý IV tăng vượt trội so với các quý còn lại trong năm.

* Nguy cơ đối mặt với “án phạt” không mong muốn

Theo Tổng cục Thuế, khi nào có quyết toán thuế năm thì cơ quan thuế mới tính số tiền thuế DN phải nộp của cả năm. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 30-10, DN phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp cả năm. Nếu chưa đủ 75% thì DN sẽ bị tính tiền chậm nộp số tiền thuế bị thiếu từ ngày 1-11 đến ngày nộp. Còn tiền thuế quý IV, DN được nộp cho đến thời điểm quyết toán là ngày 30-3 năm sau.

Nhiều DN rất lo lắng khi thông tin nói trên được xác thực. Bởi lẽ, Nghị định 126 quy định rằng đến ngày 30-9, DN sẽ phải nộp 75% số thuế của năm. Do đó, công ty phải tính được quý IV doanh thu là bao nhiêu. Ví dụ trong năm 2020 chi phí thuế phải nộp là 10 tỷ đồng thì tới thời điểm đó phải nộp được 7,5 tỷ đồng, nếu không sau khi tất toán số thuế cả năm, DN sẽ bị ngành Thuế phạt.

Tuy nhiên, một điều nghịch lý là thông thường các tháng cuối năm, DN sẽ có doanh thu cao hơn những quý trước vì đây là thời gian cao điểm sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành có sản phẩm, dịch vụ phục vụ thị trường tết. Do đó, nếu như 3 quý đầu năm, ngay cả khi DN đã tính toán và tạm nộp 75% đủ số thuế thu nhập DN của cả năm theo dự tính nhưng đến quý IV, nếu kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp. Có nghĩa là, tới thời điểm nộp thuế của quý III, DN vẫn chưa thể biết được kết quả kinh doanh của cả năm nên không có căn cứ vững chắc để “tạm nộp” thuế. Đây cũng là khoảng thời gian cận Tết, là lúc kinh doanh cao điểm trong năm, biến động chi phí lương, thưởng rất lớn… Do đó, nhiều DN không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm.

“Thực tế, quy định trên đang gây khó khăn cho chúng tôi. Trong một năm mà dịch Covid-19 hoành hành gây rất nhiều trở ngại cho việc sản xuất, kinh doanh của DN, tới thời điểm từ tháng 8 trở đi, tình hình của công ty mới ổn định hơn. Hiện nay cũng là thời điểm DN tập trung để thực hiện những kế hoạch dang dở nên chưa thể tính toán đủ số thuế phải nộp cả năm, huống chi là từ cuối quý III” - chủ một DN hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.Biên Hòa lo lắng.

* “Làm khó” doanh nghiệp thời điểm dịch Covid-19?

Theo quy định cũ, Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 1-10-2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế, DN không cần khai thuế thu nhập tạm tính theo quý, nhưng vẫn phải tạm nộp căn cứ theo số thuế năm trước và dự kiến kết quả kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp của từng quý. Việc tạm nộp được quy định rằng hết quý IV số thuế tạm nộp phải đạt 80% số thuế thu nhập DN phải nộp cả năm. Ngoài ra, quy định cũ ngành Thuế chỉ tính chậm nộp 4 quý từ sau ngày 31-1 kế tiếp.

Trong khi đó, Nghị định 126 có phần hà khắc hơn. Bởi lẽ, tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (ngày 30-9), DN còn phải tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, với nhiều biến động từ thị trường cuối năm, chi phí lương, thưởng thì DN không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm.

Điều quan trọng hơn, việc chưa biết doanh thu vẫn phải nộp thuế đã khiến cho nhiều người đặt ra vấn đề quy định này có vẻ không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Nếu DN nỗ lực kinh doanh tốt hơn trong những tháng cuối năm có thể mang đến doanh thu cao hơn so với kế hoạch tính toán, rồi dẫn đến không ước lượng được số thuế phải nộp.

Đồng Nai hiện có gần 40 ngàn DN đã đăng ký hoạt động, với hơn 2 ngàn DN thành lập mới mỗi năm. Với cách tính trên, giả sử doanh thu và lợi nhuận quý IV cao trội hơn hẳn so với các quý đầu năm thì đồng nghĩa số tiền thuế phải nộp sẽ tăng lên, khả năng bị phạt chậm nộp thuế cũng tăng lên. Vô tình DN mang tiếng không tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thuế kế toán luật Việt Á, dịch Covid-19 đã hoành hành suốt năm 2020 và trong năm 2021 tình hình vẫn chưa thể nào đoán chắc được, khó khăn vẫn tiếp diễn, cộng đồng DN cần được “nới lỏng” chính sách hơn thay vì siết chặt.

Ông Tuấn cho rằng nên chăng chỉ quy định DN tạm nộp tới quý III không thấp hơn 70 hoặc 80% thu nhập của 3 quý sẽ thực tế hơn đối với tình hình hoạt động của DN. Bởi vì tới quý IV, DN đã có thể tính toán được doanh thu của mình trong 3 quý trước đó. Hoặc cũng có thể giữ nguyên như quy định cũ trước đây là tạm nộp 4 quý không thấp hơn 80% cả năm vì chỉ khi kết thúc năm DN mới xác định được chính xác nghĩa vụ thuế của năm đó.         

Văn Gia

Tin xem nhiều