Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường cụm công nghiệp

03:08, 19/08/2021

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và quy hoạch, nhiều cụm dù chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) thứ cấp đầu tư nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm là việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại hầu hết các CCN còn nhiều vướng mắc.

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và quy hoạch, nhiều cụm dù chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) thứ cấp đầu tư nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm là việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại hầu hết các CCN còn nhiều vướng mắc.

Ngoài giao thông đi lại khó khăn, Cụm công nghiệp Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) chưa được đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và nước mưa do việc quy hoạch thiếu đồng bộ. Ảnh: V.Gia
Ngoài giao thông đi lại khó khăn, Cụm công nghiệp Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) chưa được đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và nước mưa do việc quy hoạch thiếu đồng bộ. Ảnh: V.Gia

Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đang được Đồng Nai thực hiện, trong đó có hỗ trợ đầu tư hệ thống kỹ thuật bảo vệ môi trường nhằm từng bước giải quyết những vướng mắc trên.

* Chưa được quan tâm đúng mức

Nhìn chung, vấn đề xử lý môi trường CCN trên địa bàn cả nước vẫn đang có những bất cập. Theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước hiện có 141/730 CCN (khoảng 20%) đi vào hoạt động, đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung, đa phần là các CCN thành lập sau Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Các CCN còn lại, chủ yếu hình thành trước Quyết định 105, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện đang rất cần xử lý dứt điểm tình trạng này.

Mặc dù Sở Công thương là cơ quan đầu mối quản lý CCN trên địa bàn cấp tỉnh, nhưng để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, các DN phải liên hệ, thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Cụ thể như việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở KH-ĐT; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Sở Xây dựng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục giao đất tại Sở TN-MT… Thực trạng này chưa tạo điều kiện thuận lợi, gây tốn kém thời gian, kinh phí cho DN.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phát triển CCN được tổ chức ngày 2-7 vừa qua, Bộ Công thương đánh giá ở cấp độ từng địa phương, dù là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CCN nhưng ngành công thương vẫn gặp nhiều khó khăn. Sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật về đầu tư hạ tầng CCN khiến cho các kế hoạch, chương trình phát triển vẫn diễn ra chậm.

Tại Đồng Nai, theo UBND tỉnh, trong 27 CCN được quy hoạch, chỉ có 11 cụm có thủ tục môi trường, trong đó mới chỉ có 2 cụm đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và 1 cụm đang đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2013-2020, có 184 DN thứ cấp đang hoạt động và đang xây dựng tại 16 CCN, nhưng chỉ có khoảng 47% số dự án thực hiện thủ tục môi trường. Con số như trên là quá ít.

Sở dĩ công tác bảo vệ môi trường CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế là do việc thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Một số CCN được hình thành trên cơ sở khoanh vùng các khu vực đã tồn tại nhiều cơ sở hoạt động hiện hữu, dẫn đến sau khi được thành lập mới vấn đề quy hoạch đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và thoát nước mưa rất khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất trong CCN hầu hết đều có quy mô nhỏ, việc xử lý chất thải rắn và đầu tư hệ thống xử lý khí thải chưa được quan tâm. Đầu tư hệ thống xử lý và hệ thống thu gom của cả CCN cũng rất hạn chế. Do đó, bên cạnh ô nhiễm về nước thải, nhiều CCN còn bị ô nhiễm nặng về chất thải rắn và khí thải công nghiệp.

* Tìm giải pháp hỗ trợ đầu tư

Nhằm khắc phục hạn chế, đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động của các cụm theo quy định thì việc tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích DN đẩy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Mục tiêu mà Đồng Nai hướng tới là 100% số cụm đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào tháng 7 vừa qua.

Cụ thể, theo chương trình này, đối với việc chỉnh trang hệ thống kỹ thuật chung CCN, Nhà nước hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án được duyệt, nhưng không quá 50 tỷ đồng/cụm. Hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung CCN (không áp dụng với trường hợp chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật chung CCN) thì được hỗ trợ 20 tỷ đồng đối với cụm có diện tích trên 30ha và 15 tỷ đồng đối với cụm có diện tích dưới 30ha. Riêng vấn đề hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN thì chủ đầu tư sẽ được hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong cụm được duyệt, nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đối với trường hợp các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là cơ quan nhà nước được ủy quyền hoặc chủ đầu tư hạ tầng CCN khác mà chưa được hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, trong quá trình đầu tư, xây dựng các CCN, chủ đầu tư cụm cần tìm hiểu và vận dụng kinh nghiệm của CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) khi đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải. CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh là cụm duy nhất đã được đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường khá bài bản, trong khi hầu hết các cụm còn lại chưa có.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích