Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm đâu nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo?

10:12, 27/12/2021

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) để thay thế tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt là xu hướng của nhiều quốc gia. Trong chiến lược bảo vệ môi trường, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) để thay thế tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt là xu hướng của nhiều quốc gia. Trong chiến lược bảo vệ môi trường, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Nguồn nhân lực cho các nhà máy NLTT đang rất cần, nhưng thị trường chưa cung ứng được theo yêu cầu chất lượng của các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)
Nguồn nhân lực cho các nhà máy NLTT đang rất cần, nhưng thị trường chưa cung ứng được theo yêu cầu chất lượng của các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Sự gia tăng các nhà máy, công trình NLTT đã kéo theo nhu cầu đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực có chuyên môn cho thị trường lao động ngành NLTT. Việc này đang tạo cơ hội đào tạo sinh viên ngành NLTT của  nhiều trường đại học, cũng như lao động trẻ với cơ hội việc làm cho các nhà máy, dự án đầu tư, phát tiển NLTT.

* Ngành học mới mẻ, chưa hấp dẫn ...

Ngành NLTT tại Việt Nam đã có mặt hơn chục năm, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của một ngành năng lượng mới, đã tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho thị trường lao động ngành điện tái tạo.

TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh,  cộng sự cấp cao của Tổ chức Sáng kiến ​​Doanh nghiệp Xã hội Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam cho biết, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã và đang tham gia vào thị trường đào tạo sinh viên ngành học liên quan đến NLTT như:  Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Việt Pháp),  Đại học Bách khoa Hà Nội,  Đại học Điện lực, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia), Đại học Thủy Lợi, Đại học Công nghiệp, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Cần Thơ... 

Tại buổi tọa đàm “Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành NLTT tại Việt Nam” do Viện Điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)  tổ chức ngày 21-10 vừa qua, ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: “Căn cứ vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện VIII, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) là 31.380 - 37.030 MW, chiếm tỷ lệ 24 - 25,7% vào năm 2030; tăng lên 104.900 - 137.610 MW, chiếm tỷ lệ 40,1 - 41,7% vào năm 2045. Do vậy cơ hội việc làm cho các lao động trẻ, sinh viên được đào tạo chuyên sâu về NLTT sẽ vẫn rất lớn”.

Hiện mỗi năm các trường đại học trên đều có những phương án tuyển sinh khá đa dạng. Tuy nhiên, sự non trẻ và kém hấp dẫn của một ngành đào tạo mới khiến sinh viên chưa quan tâm chọn  học. Thêm vào đó, cũng do là ngành đào tạo còn mới mẻ nên hầu hết các trường đại học chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, hạn chế trong kết nối thực hành tại các cơ sở ngoài thực tiễn, chương trình giảng dạy chưa thực sự đa dạng và phong phú nên chưa hấp dẫn người học.

Chính vì thế, dù Việt Nam có 460 trường đại học và cao đẳng, nhưng những trường tham gia đào tạo nhân lực cho ngành NLTT chỉ đếm trên đầu ngón tay và lượng sinh viên theo học cũng khá hạn chế.

Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là trường đại học tiên phong trong việc đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ ngành NLTT, nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển sinh được 10 - 15 sinh viên cho một khóa học. Các trường đại học khác, mức tuyển sinh đầu vào khá hạn chế,  như Đại học Điện lực tuyển sinh khoảng 25 chỉ tiêu/khóa; Đại học Bách khoa TP. HCM có nhiều hơn, được 40 chỉ tiêu/khóa. Cao nhất là Đại học Bách khoa Thủy Lợi được tới 140 chỉ tiêu /khóa, nhưng theo báo cáo của một số trường đại học, học sinh chọn theo học ngành NLTT mỗi năm một ít đi.

Thêm vào đó, trong xu hướng đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho ngành NLTT được thực hiện khá cục bộ và thiếu tính lâu dài. Ví dụ, để phục vụ cho các dự án, các nhà máy hoạt động trong ngành NLTT, nhân lực ngành điện truyền thống thường được luân chuyển làm việc cho các dự án NLTT. Về chuyên môn, chủ yếu được cử đi các khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc một số các chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo.

* Đào tạo nên theo hướng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Một thực tế hiện nay, công tác  đào tạo nhân lực cho ngành NLTT cũng chưa được ngành điện và ngành giáo dục thống nhất về chương trình đào tạo. Cả hai còn ngành này còn lúng túng, bị động khi thiếu sự phối hợp, thiếu kết nối để xây dựng kế hoạch dài hạn, tầm nhìn xa cho việc đào tạo sinh viên ngành học mới là NLTT. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các trường đại học, giữa trường đại học và các nhà máy, các dự án NLTT thiếu sự kết nối, dẫn đến tình trạng nhu cầu một nơi, đào tạo một nẻo; giữa cung và cầu còn vênh nhau.

Là một sinh viên theo ngành NLTT, ra trường và đi làm được 4 năm, anh Phan Nguyễn Tuấn Long, một phân tích viên, đội Tư vấn quản lý năng lượng thuộc Công ty AFRY – cho biết, khi theo học ngành này, những năm đầu việc học còn rất khó khăn do trường hạn chế cả về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị thực tập; chương trình đào tạo cũng chưa gắn liền với thực tiễn.

“Khi ra trường, bản thân tôi phải tự tìm hiểu thêm để có thêm kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu  của các nhà tuyển dụng. Và thực sự, khi vào công tác tại một công ty hoạt động ở lĩnh vực NLTT này, được tiếp cận với thực tế, được nhà đầu tư đào tạo thêm, dần dần khối lượng kiến thức về ngành NLTT mới được bổ sung và hoàn thiện, giúp tôi hoàn thành tốt công việc của mình” – anh Long bộc bạch.

Theo một số sinh viên theo học ngành NLTT khác, nhất là những sinh viên được đào tạo bằng tiếng Anh và có cơ hội được trải nghiệm thực tiễn trong môi trường năng động; những sinh viên được giới thiệu hoặc tự kết nối với các tổ chức, tập đoàn lớn hoạt động trong ngành  NLTT... thì mới có được kỹ năng, được định hướng tốt hơn rất nhiều so khi còn học trong các trường đại học.

Do đó, những sinh viên này cho rằng, trường đại học cần phải kết nối với các nhà tuyển dụng để đào tạo theo yêu cầu của họ. Để khi ra trường, sinh viên có thể vào và làm việc được ngay mà không cần phải qua thời gian tự đào tạo và  chờ được doanh đào tạo lại. Bởi như thế vừa mất thời gian, vừa lãng phí tiền bạc khi sinh viên đã học 4 năm, nhưng ra trường không thể làm việc được nếu không được các công ty hoạt động trong ngành NLTT đào tạo lại.

Để nắm bắt cơ hội và đón đầu trong công tác đào tạo sinh viên cho ngành NLTT bùng nổ trong tương lai gần, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Theo xu thế phát triển hướng tới tỉ trọng NLTT tăng cao trong những năm tới đây, năm học 2021 – 2022, Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã  mở thêm chuyên ngành đào tạo hệ thống điện và NLTT và đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh”. 

“Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng liên kết với các đối tác công nghiệp để sinh viên tiếp cận được cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng thực tiễn thay đổi một cách nhanh chóng. Đồng thời, mở rộng cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp với vị trí công việc tiềm năng, để rút ngắn thời gian thích ứng với môi trường công việc, nhằm phát huy thế mạnh của chương trình đào tạo phổ rộng hiện nay” – ông Huy cho hay.

Thu Phương

Tin xem nhiều