Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ lực cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ

07:09, 07/09/2022

Là địa phương có số lượng và quy mô sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ lớn nhưng thực tế ngành này của Đồng Nai đang phụ thuộc vào các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.

Là một trong những địa phương có số lượng và quy mô sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lớn nhưng thực tế ngành này của Đồng Nai đang phụ thuộc vào các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tiềm lực lớn, công nghệ sản xuất hiện đại và có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nên họ làm chủ cuộc chơi tốt hơn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Tương Lai, đơn vị được thụ hưởng chương trình hỗ trợ từ Bộ Công thương. Ảnh: Văn Gia
Sản xuất tại Công ty TNHH Tương Lai, đơn vị được thụ hưởng chương trình hỗ trợ từ Bộ Công thương. Ảnh: Văn Gia

Trong khi đó, nội lực của DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế, các chính sách hỗ trợ chưa đủ để tạo sức bật. Đồng Nai sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu của DN, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công thương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành phát triển.

* Vẫn phụ thuộc lớn vào DN nước ngoài

Theo bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm tỷ lệ hơn 11,4% tổng số DN và tạo việc làm cho hơn 158 ngàn lao động.

Theo các DN, cần có định hướng xây dựng hiệp hội ngành nghề, phân công cụ thể từng DN để tập hợp sức mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài. Việc này cần vai trò điều tiết, định hướng phát triển, thậm chí là hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước chứ từng DN sẽ không thực hiện nổi. Đối với DN, việc quan trọng là tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đầu tư nâng chất lượng chế tạo để có thể đáp ứng những quy chuẩn khắt khe của khách hàng.

Trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng công nghiệp của Đồng Nai, tính đến nay có đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng CNHT. Hiện Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các DN Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Mặc dù được đánh giá là địa phương CNHT tương đối phát triển nhưng trên thực tế, ngành phụ thuộc rất nhiều từ các DN nước ngoài. Trong tổng số các DN CNHT thì có đến hơn 80% là DN FDI.

Các DN trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác. Bên cạnh đó, sự kết nối, liên kết giữa các DN với nhau còn yếu, sự liên kết giữa DN CNHT chủ yếu diễn ra giữa các DN FDI với nhau. Sự tham gia của các DN nội vào chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế tạo của thế giới mới bắt đầu…

DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa An nhận định, những DN trong ngành cơ khí - khuôn mẫu, cơ khí - chế tạo hiện nay tuy tiềm năng lớn nhưng đang phát triển một cách tự phát. Từng DN riêng lẻ không chỉ chịu sự chèn ép, cạnh tranh từ DN nước ngoài mà còn xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau, dẫn tới các DN mãi ở trong vòng luẩn quẩn, không thoát ra và không “lớn lên” được.

* Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN “nội” phát triển

Mục tiêu của Đồng Nai trong phát triển CNHT là phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của nhóm ngành nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của Chính phủ tăng trưởng bình quân từ 2-5%/năm. Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện thông tin dữ liệu DN ngành về CNHT, tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chính hợp tác chặt chẽ với nhau.

Tỉnh đã và đang phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Việc xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cũng được xem là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi việc nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khóa để phát triển CNHT.

Cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc giữa Sở Công thương với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nhiều vấn đề đã được đặt ra nhằm mục tiêu hỗ trợ, phối hợp thúc đẩy CNHT địa phương phát triển. Trong đó có những vướng mắc như: triển khai cơ chế chính sách còn chậm, DN chưa được thụ hưởng nhiều từ các chương trình hỗ trợ để từ đó phát triển bền vững; kết nối đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị DN, quản trị sản xuất còn rời rạc...

Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, đơn vị đang thực hiện chương trình phát triển CNHT ở cấp độ toàn quốc. Cho đến nay, các DN thụ hưởng từ chính sách này đã có những bước tiến rất tốt. Tại Đồng Nai có Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành) được thụ hưởng và bước đầu trở thành nhà cung ứng cho chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện một đơn vị khác là Công ty TNHH SX TMDV Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa) được Sở Công thương và Cục Công nghiệp phối hợp, thẩm định để đưa vào chương trình.

Đối với việc triển khai chính sách, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng địa phương cần xây dựng chính sách rõ ràng, tập trung để huy động được nguồn lực tốt hơn. Trong thời gian tới, Cục Công nghiệp, các đơn vị liên quan cũng như Sở Công thương, các sở, ngành sẽ trao đổi thông tin thường xuyên, phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý nhất để thúc đẩy DN CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển.

“Nếu có chính sách tốt, tôi tin rằng DN của chúng ta sẽ không hề thua kém. Điều mà DN cần là cầu nối để chúng tôi có thể gặp gỡ, liên lạc và hợp tác được với những đối tác sản xuất lớn của FDI. DN FDI có nhu cầu về sản phẩm nhưng việc tiếp cận của chúng ta hiện nay rất khó, đó là chưa nói đến phải cạnh tranh với DN ngoại” - ông LÊ ĐỨC HUỲNH, đại điện Công ty THHH SX TMDV Huỳnh Đức bày tỏ mong muốn.

Văn Gia

Tin xem nhiều