Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nghề nuôi chim trời mang lại giá trị cao

07:03, 16/03/2023

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển rất nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau vì mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi chim trời này không phải ai đầu tư cũng thành công.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển rất nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau vì mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi chim trời này không phải ai đầu tư cũng thành công.

Ông Nguyễn Hoàng, chủ Cơ sở Sơ chế biến Hoàng Nhật Kim tại xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất giới thiệu sản phẩm tổ yến sau thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên
Ông Nguyễn Hoàng, chủ Cơ sở Sơ chế biến Hoàng Nhật Kim tại xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất giới thiệu sản phẩm tổ yến sau thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên

Qua thời gian, nghề nuôi chim yến phát triển dần theo hướng chuyên nghiệp. Bộ NN-PTNT đến các địa phương đều tập trung triển khai về công tác quy hoạch đến tổ chức lại hệ thống chăn nuôi và quản lý theo chuỗi giá trị; đảm bảo an toàn dịch bệnh với cơ sở nuôi chim yến và an toàn thực phẩm với sản phẩm tổ yến...

* Tăng trưởng nhanh

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến. Năm 2017, cả nước có hơn 8,3 ngàn nhà yến thì 2 năm sau đó số nhà yến tăng gần gấp đôi và hiện đã có 23.665 cơ sở nuôi, tập trung ở 4 vùng: đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150-200 tấn/năm.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg, đến năm 2030 Việt Nam có sản lượng tổ yến đạt 350-400 tấn.

Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, từ 1,5-2 ngàn USD/kg tổ yến. Thực tế, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta còn rất lớn, kể cả yến nhà và yến đảo.

Tại Đồng Nai, những năm trở lại đây, số lượng nhà nuôi chim yến tăng nhanh và hiện toàn tỉnh có 1.289 nhà yến với sản lượng tổ yến khoảng 15 tấn/năm. Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc nuôi chim yến cũng có nhiều rủi ro vì không phải ai bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến cũng thành công và có yến về ở. Nguyên nhân là do nuôi chim yến vẫn phát triển mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng nuôi, thiếu kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng nên hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi chim yến chưa cao và không ổn định…

Chim yến đã được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, cơ bản đầy đủ về thể chế để quản lý. Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn luật giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, 2/3 số tỉnh có nghề nuôi chim yến chưa có quy định này, người nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc xây mới nhà yến.

Riêng Đồng Nai đã có quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Việc giám sát dịch bệnh trên chim yến cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 cơ sở chăn nuôi chim yến, sơ chế, chế biến tổ yến đã được cấp giấy chứng nhận, thuận lợi cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương trên địa bàn tỉnh, khó khăn hiện nay là quy trình cấp phép chăn nuôi, việc cấp mã số truy xuất nguồn gốc và đánh giá, xây dựng chuẩn về nuôi chim yến trung ương chưa triển khai đến các địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng, chủ cơ sở sơ chế biến Hoàng Nhật Kim tại xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất) chia sẻ, hiện cơ sở đã đầu tư được 5 nhà yến nhưng sản phẩm của chủ yếu bán tại địa phương hoặc cung cấp cho khách mua lẻ từ nhiều tỉnh, thành khác. Sản lượng ngày càng nhiều thì bài toán đầu ra của cơ sở càng gặp khó. Ông Nguyễn Hoàng mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ cho cơ sở về thủ tục pháp lý để được cấp phép chăn nuôi, được truy xuất nguồn gốc để xây dựng thương hiệu cung cấp ra thị trường, nhất là đạt tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

* Hướng đến sự bền vững

Theo Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, hiệu quả đầu tư nhà yến còn khá thấp, chỉ 10% nhà yến đầu tư có hiệu quả cao, 20% nhà yến có hiệu quả, số còn lại không hiệu quả. Gần đây, khu vực Tây nguyên, số lượng nhà nuôi chim yến tăng quá nhanh dẫn đến nguồn thức ăn của chim yến bị khan hiếm, hiệu quả sinh sản giảm.Người nuôi chim yến rất cần sự liên kết với doanh nghiệp để chế biến, kinh doanh, xuất khẩu.

Giải đáp vấn đề này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho biết: “Sở NN-PTNT sẽ hướng dẫn người sản xuất, đặc biệt trong khâu định vị lại các vị trí của các nhà yến. Qua đó, vừa quản lý tốt hơn, vừa xác định được những quy luật, những khu vực nào có khả năng phát triển được nuôi chim yến để làm cơ sở kết nối các dữ liệu và phân tích sâu hơn trong xử lý thông tin”.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi chim yến, tổ chức thống kê, tiếp nhận kê khai hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn. Đồng thời, các tỉnh, thành sớm thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi DƯƠNG TẤT THẮNG nhấn mạnh, các địa phương giám sát, quản lý về chất lượng để sản phẩm yến cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu đảm bảo chất lượng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều