Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để ngăn nạn xe buýt giả?

10:04, 04/04/2012

Khoảng 3 năm gần đây, tình trạng xe buýt giả, xe buýt nhái hoạt động trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh đã làm đau đầu các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, xe buýt giả còn gây mất an toàn giao thông (ATGT), thiệt hại cho hành khách và cả xe buýt “thật”.

Khoảng 3 năm gần đây, tình trạng xe buýt giả, xe buýt nhái hoạt động trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh đã làm đau đầu các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, xe buýt giả còn gây mất an toàn giao thông (ATGT), thiệt hại cho hành khách và cả xe buýt “thật”.

* “Đua” để giành khách

Nhiều lần đi thực tế trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhiều hình ảnh xe buýt giả “đua” với xe buýt “thật” để giành khách. Sáng 24-3, từ 8-9 giờ có đến 5 trường hợp xe buýt giả chạy bạt mạng ở đoạn cua quốc lộ 51 (từ hướng Vũng Tàu về Biên Hòa) để giành khách ở trạm ngã ba Thái Lan (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa). Khi thấy chúng tôi ghi hình, các tài xế xe buýt giả một tay cầm lái, tay kia rút bảng số tuyến (giả làm xe buýt, đặt ngay kính chắn gió) giấu đi nơi khác. Với giao lộ đông đúc xe ra vào như ở ngã ba này, các tài xế xe buýt giả vẫn cứ chạy với tốc độ cao để giành khách, khiến cho tình hình giao thông thêm nguy hiểm.

Xe buýt giả đổi biển giả tuyến 11 qua biển giả tuyến 603 đang “đua

Ông Trương Xuân Hồng, Đội trưởng Đội kiểm tra của Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm xe buýt) cho biết, xe buýt “thật” trên quốc lộ 51 có số hiệu tuyến 11, chạy tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu và ngược lại. Biển số tuyến hình tròn được gắn cố định ở kính trước và sau của xe buýt. Còn các xe buýt giả thì không gắn biển số tuyến cố định, mà chỉ có biển hình chữ nhật ghi số 11 đặt ngay trước mặt tài xế. Khi bị kiểm tra, các tài xế xe buýt giả chỉ việc giấu biển số này để phi tang. Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm xe buýt cho biết thêm, các xe buýt giả thực chất là xe khách tuyến cố định. Để đánh lừa hành khách, chủ xe cho sơn màu, vẽ lộ trình tuyến giống xe buýt “thật”, chỉ có khác là xe buýt giả không có biển số tuyến gắn cố định ở kính trước và kính sau.

Trên quốc lộ 1A, xe buýt “thật” tuyến số 10 (từ Biên Hòa đi Xuân Lộc và ngược lại) cũng gặp tình trạng xe buýt giả giống như tuyến 11. Trong hai ngày 25 và 28-3, quan sát trên quốc lộ 1A, chúng tôi ghi nhận được tình trạng xe buýt giả tuyến số 10 “đua” giành khách với xe buýt “thật”. Đáng nói là, ở các khu đông dân cư (thuộc huyện Trảng Bom), các xe buýt giả và thật vẫn đua nhau để đến trước trạm rước khách. Anh L.Q.V., tài xế xe buýt tuyến 11 thừa nhận việc chạy “đua” quá tốc độ với xe buýt giả là sai, nhưng anh phải làm, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến doanh thu. Ông Cao Văn Xuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải - du lịch Đồng Tiến (tham gia vận tải buýt tuyến 11) cho biết, thiết bị giám sát hành trình ghi nhận nhiều trường hợp tài xế xe buýt chạy quá tốc độ nhưng đơn vị khó xử lý chế tài, vì anh em tài xế cho biết phải “đua” với xe buýt giả để đảm bảo doanh thu.

* Làm gì đ ể ngăn chặn?

Thường xuyên đi xe buýt, chị Trần Thị Cúc (ở huyện Long Thành) cho biết, xe buýt giả lấy giá cao gấp 2-3 lần giá của xe buýt “thật” (giá suốt tuyến xe buýt 11 là 15 ngàn đồng). Thế nhưng, để phân biệt xe buýt giả hay thật rất khó, vì hai loại xe đều sơn màu giống nhau. Xe buýt giả thường tấp vào bến nhanh hơn và lơ xe kéo nhanh hành khách lên xe nên họ bị đặt vào sự đã rồi. Khi phát hiện đi nhầm xe buýt giả, hành khách cũng khó xuống xe được ngay lúc đó; một lúc sau họ mới được xuống xe và phải trả giá cao cho một đoạn đường ngắn. Còn anh Nguyễn Văn Hùng ở phường An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, có lần anh đi nhầm xe buýt giả tuyến 603 (Nhơn Trạch đi bến xe miền Đông, TP.Hồ Chí Minh). Sau đó, anh đã bị “bán” qua xe buýt 603 “thật” ở bến xe vòng xoay ngã tư Vũng Tàu và phải trả thêm tiền để được đi đến đúng bến.

Ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng phòng Kiểm tra của Trung tâm xe buýt xác nhận: “Trên quốc lộ 51, xe buýt giả tuyến số 11 khi đến khỏi ngã ba Nhơn Trạch (giao lộ quốc lộ 51 và đường 25B, huyện Nhơn Trạch) liền thay biển số giả tuyến 11 bằng biển số giả tuyến 603 để rước thêm hành khách tuyến xa hơn. Ngoài ra, còn có xe buýt giả tuyến 602 và tuyến 16 trên quốc lộ 20. Trung tâm xe buýt cũng đã ghi nhận 47 xe buýt giả hoạt động trên các quốc lộ (20, 1A và 51).

Đại diện Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông tỉnh cho biết, không có căn cứ nào để xử phạt tình trạng “giả xe buýt” của các xe khách này. Do vậy, có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần có quy định màu sơn riêng biệt cho xe buýt, đồng thời quy định xử phạt nếu xe khách tuyến cố định lại sơn màu dành riêng cho xe buýt. Trong khi chờ đợi quy định màu sơn riêng biệt cho xe buýt, các tỉnh, thành có thể tạm quy định màu sơn riêng cho hệ thống xe buýt của địa phương mình. Ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho biết, nếu Trung tâm xe buýt đề xuất màu sơn quy định riêng cho xe buýt Đồng Nai, Sở có thể chấp thuận để ngăn ngừa tình trạng nhập nhằng “xe buýt thật - giả” hiện nay.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều