Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường thi công dở dang: Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn chết người?

03:05, 21/05/2012

Đường tỉnh 767, từ ngã ba Trị An (giáp quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom) vào thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) được nâng cấp, mở rộng từ năm 2010 và thông xe vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn trên địa bàn hai huyện chưa hoàn chỉnh mặt đường, đoạn cuối vào thị trấn chưa hoàn thành. Và, đã có tai nạn giao thông (TNGT) chết người xảy ra ở các đoạn đường thi công dở dang này.

Đường tỉnh 767, từ ngã ba Trị An (giáp quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom) vào thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) được nâng cấp, mở rộng từ năm 2010 và thông xe vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn trên địa bàn hai huyện chưa hoàn chỉnh mặt đường, đoạn cuối vào thị trấn chưa hoàn thành. Và, đã có tai nạn giao thông (TNGT) chết người xảy ra ở các đoạn đường thi công dở dang này.

Đường tỉnh 767 dài khoảng 25km, từ ngã ba Trị An vào đến hết thị trấn Vĩnh An. Ở đoạn cuối, khoảng 2km qua thị trấn Vĩnh An hiện vẫn chưa hoàn thành, vì đoạn này được UBND huyện đề nghị xây dựng thành đoạn đường to đẹp qua trung tâm huyện (bằng một dự án khác). Còn một số đoạn trên toàn tuyến chưa hoàn thành phần mặt đường là do vướng mắc giải tỏa, đền bù với một số hộ dân.

TAI HỌA TỪ ĐƯỜNG HƯ

Hàng trăm mét đường tỉnh 767, đoạn gần Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), không giải tỏa được mặt bằng nên tạo ra đoạn đường hẹp, mất an toàn giao thông. Ảnh: T. Toàn
Hàng trăm mét đường tỉnh 767, đoạn gần Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), không giải tỏa được mặt bằng nên tạo ra đoạn đường hẹp, mất an toàn giao thông. Ảnh: T. Toàn

Theo một cán bộ ở huyện Vĩnh Cửu, từ đầu năm 2012 đến nay, đã có hai vụ TNGT chết người xảy ra ở đoạn thi công dang dở cuối đường 767, đoạn thuộc KP6, thị trấn Vĩnh An. Nạn nhân là chị Lý Thị Moi (ngụ ở KP7, thị trấn Vĩnh An) và anh Vòng Sềnh Quang (ngụ ở ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu). Theo người dân, còn có một vụ TNGT chết người xảy ra ở đoạn này, nhưng họ tự giải quyết (nạn nhân chết sau nhiều ngày điều trị).

Đằng sau những vụ TNGT chết người là những nỗi đau to lớn mà gia đình các nạn nhân phải gánh chịu. Anh Nguyễn Đức Đề, chồng chị Moi cho biết, tai nạn xảy ra vào một tối tháng 2-2012, khi chị Moi chạy xe máy vào thị trấn thăm em gái anh. Khi đến đoạn đường thi công dang dở, chị bị một xe ô tô lách tránh các ổ gà, vũng nước trên đường đụng chết. Chị chết, để lại cho anh 3 đứa con nhỏ đang rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Còn anh Đề mất đi một “cánh tay” đắc lực trong việc mưu sinh cho gia đình, vì bản thân anh bệnh tật, trước đây chỉ đi theo phụ việc cho vợ. Cháu Nguyễn Thị Thu Loan đau buồn cho biết, cháu chỉ mới bắt đầu làm việc để trả nợ (lao động xuất khẩu) thì phải về nước chịu tang mẹ và đành ở nhà chịu cảnh thất nghiệp. Đứa em gái của Loan đang học lớp 11 cũng phải bỏ học vì gia cảnh khó khăn từ lúc mẹ mất. Anh Đề phải đi làm phụ hồ xa nhà để góp phần giải quyết chi phí gia đình, vì chị Moi là lao động chính đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng mất mát lớn nhất của gia đình này là mất đi người phụ nữ tảo tần, chịu đựng vất vả để lo cho chồng con, nỗi đau ấy không có gì bù đắp được.

Chỉ vài ngày sau vụ TNGT làm chị Moi chết, anh Vòng Sềnh Quang lại tử nạn trên đoạn đường này. Theo người dân ở nơi tai nạn xảy ra, sau khi va chạm với xe khác rồi té xuống đường, anh Quang vẫn còn lồm cồm ngồi dậy. Thế nhưng, do lúc đó chưa có đèn đường, một thanh niên đang chạy xe máy với tốc độ nhanh (vừa lách qua các vũng nước trên mặt đường) đã lao tới đụng chết anh Quang. Là con trai một nên sau khi anh Quang chết đột ngột, người cha già của anh trở nên u buồn, vì phải gánh thêm nỗi đau mất con, sau nỗi đau mất vợ. Anh T.A., một cán bộ Công an tỉnh cũng bức xúc vì nỗi đau mất người thân do bị ngã xe trên một đoạn đường 767 thi công dang dở, đoạn thuộc huyện Trảng Bom.

TỬ THẦN CÒN CHỰC CHỜ

Nhiều người dân đi trên đường 767 đều không khỏi bất bình vì con đường mới hoàn thành lại có những đoạn bị “bỏ lửng”, gây mất an toàn cho xe cộ lưu thông. Vào đầu tháng 4-2012, trong cuộc họp sơ kết an toàn giao thông (ATGT) quý I-2012 ở huyện Vĩnh Cửu, nhiều đại biểu đã lên tiếng về trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý đường để mặt đường hư hỏng, xuống cấp gây mất ATGT. Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện khắc phục ngay những ổ gà, ổ voi trên đoạn đường (767) đang chờ dự án, để người dân đi lại an toàn. Thế nhưng, mãi đến ngày 11-5, đoạn đường hư hỏng mới được khắc phục tạm bằng cách tạo đường thoát nước và lấp đất, đá trên các vũng nước, ổ gà. Còn các đoạn đường chưa hoàn chỉnh trên toàn tuyến ở hai huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom vẫn chưa được khắc phục, vì phải chờ đơn vị làm đường được bàn giao mặt bằng.

Đường chưa làm xong

Tại các đoạn này, tình trạng mặt đường gây nguy hiểm cho người lưu thông rất cần được khắc phục sớm. Cụ thể, đoạn trước tiệm áo cưới N.B. (xã Vĩnh Tân), mặt đường không được làm nền hạ nên tạo một hố sâu cách mặt đường khoảng 0,5m, rất nguy hiểm nếu ban đêm người đi xe máy (và cả ô tô) lọt xuống. Trên đoạn thuộc huyện Trảng Bom, nơi cách dốc Sông Mây khoảng 100m (hướng vào thị trấn Vĩnh An), có đoạn 1/2 mặt đường bên phải không được tráng nhựa. Do vậy, khi các xe đổ dốc đều lấn sang trái tránh phần đường chưa tráng nhựa này, khiến nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Ở đoạn đầu dốc (ra hướng ngã ba Trị An) đường vào Khu công nghiệp Sông Mây, có đoạn dài hàng trăm mét chưa giải phóng mặt bằng nên mặt đường rất hẹp (bằng 1/2 mặt đường mới), người tham gia giao thông lại gặp đường dốc và cong cua nên dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, suốt tuyến còn có tình trạng mặt đường nhựa không tiếp giáp với gờ lề đường, tạo ra rãnh chênh lệch, rất dễ làm người đi xe máy té ngã.

Mong rằng, các đơn vị quản lý, thi công đường cũng như người dân có đất bị thu hồi để mở rộng đường 767 cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng để sớm hoàn chỉnh đường 767, bảo đảm an toàn cho mọi người đi lại. Nếu tình trạng này còn kéo dài, người đi đường là những người phải chịu mọi hiểm nguy.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều