Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn phá sản lại vướng luật

10:09, 02/09/2013

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh hiện đang thụ lý 3 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tòa vẫn không thể tuyên bố các doanh nghiệp này được phá sản vì vướng luật.

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh hiện đang thụ lý 3 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tòa vẫn không thể tuyên bố các doanh nghiệp này được phá sản vì vướng luật.

Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2004 và thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Đây là cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản theo yêu cầu của họ. Tuy vậy, khi các doanh nghiệp có đơn gửi tòa yêu cầu phá sản lại gặp không ít trở ngại.

* Chỉ được “chết lâm sàng”

Lý do chưa ra quyết định tuyên bố phá sản đối với các doanh nghiệp là do việc áp dụng Luật Phá sản vào thực tiễn còn một số vướng mắc, bất cập ngay chính trong quy định của luật, khiến công tác giải quyết việc phá sản gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp khi mở thủ tục phá sản. Như việc thu hồi nợ đối với cá nhân, tổ chức còn mắc nợ doanh nghiệp bị phá sản. Hay trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tạo ra nhiều mối quan hệ hợp tác làm ăn, như: trao đổi, mua bán hàng hóa trên địa bàn cả nước… Do đó, các cá nhân (hoặc doanh nghiệp) có thể là chủ nợ, hoặc là con nợ của nhau; thực tế có thể vừa là chủ nợ, vừa là con nợ của doanh nghiệp bị phá sản.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, tòa tiến hành các thủ tục rất chậm, như: triệu tập chủ nợ, xác định loại chủ nợ, các khoản nợ…, nhưng vướng mắc lớn nhất là việc xác định giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Nếu giải quyết nhanh chóng, số tài sản đó được doanh nghiệp khác tiếp quản để sản xuất thì còn giá trị đền bù cho các chủ nợ. Nhưng nếu quá trễ, khối tài sản ấy chỉ bán được cho… người mua ve chai. Tòa lần nữa phải tiến hành lại các thủ tục định giá ban đầu nên vẫn chưa thể tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Việc thu hồi nợ của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản cũng gặp nhiều khó khăn, bởi trong thực tế, một số đơn vị mắc nợ đã tự giải thể; một số cá nhân không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng; đặc biệt một số con nợ là cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải tự đi tìm việc làm ở nhiều địa phương khác nhau và không có địa chỉ rõ ràng, nên công tác thu hồi nợ đối với cá nhân lại càng khó khăn và phức tạp hơn…

Một số đơn vị, cá nhân có địa chỉ, nhưng khi tòa xác minh thì không còn ở địa phương, hoặc đã bỏ đi làm ăn nơi khác, không ai biết địa chỉ mới. Đối với con nợ là tổ chức, doanh nghiệp mắc nợ thì họ chỉ công nhận nợ mà không có phương án trả nợ; có trường hợp nại ra lý do đơn vị gặp khó khăn về kinh tế nên xin được trả dần, nhưng vẫn cứ chây ì không trả nợ; có đơn vị vừa là con nợ, vừa là chủ nợ thì xin được đối trừ...

Tất cả những vướng mắc này, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có chế tài để xử lý, nên không thể thu hồi được nợ. Chính vì vậy, khi thụ lý vụ việc, tòa tiến hành các thủ tục để tuyên bố cho doanh nghiệp phá sản thì không thực hiện được.

* Muốn “chết” thật phải chờ…

Về việc giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những cán bộ, nhân viên, như: chủ tịch Công đoàn, giám đốc, kế toán… của doanh nghiệp bị phá sản đang tiếp tục tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản, do doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nên không có tiền để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khiến quyền lợi của họ bị thiệt thòi. Đến nay, vấn đề này vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn. Đây cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng của tổ quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình tiến hành phá sản doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm ra quyết định tuyên bố phá sản tạo ra nhiều bất lợi và rủi ro trong các quan hệ kinh tế. Trong quá trình chờ tòa tuyên phá sản, các nguồn lực của doanh nghiệp dừng hoạt động, không những gây lãng phí, mà còn liên lụy đến các doanh nghiệp đang hoạt động lành mạnh khác.

Báo cáo của TAND tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 39 doanh nghiệp vắng chủ (ngưng hoạt động do làm ăn thua lỗ). Tuy nhiên, TAND tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. “Trường hợp doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản và có người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, nhưng hiện không có mặt đại diện doanh nghiệp tại Việt Nam và cũng không thể liên lạc được với các chủ doanh nghiệp (doanh nghiệp vắng chủ) thì tòa có thụ lý đơn yêu cầu không? Nếu đã thụ lý thì tòa có ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với trường hợp này không? Nếu ra quyết định mở thủ tục phá sản thì thành phần tổ quản lý, thanh lý tài sản sẽ như thế nào, có tổ chức được hội nghị chủ nợ không?... TAND tỉnh đã có văn bản gửi TAND tối cao xin ý kiến, nhưng chưa được trả lời” - Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho biết.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích