Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóa "nghèo" pháp luật cho dân

10:11, 09/11/2014

Để người dân hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPLNN), trung tâm tỉnh thường xuyên tổ chức những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… xóa "nghèo" pháp luật cho người dân.

Để người dân hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPLNN), trung tâm tỉnh thường xuyên tổ chức những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… xóa “nghèo” pháp luật cho người dân.

* Giúp dân giải tỏa bức xúc

Dù bận rộn công việc đồng áng nhưng anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 94, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) vẫn tranh thủ chạy gần 10km từ nhà đến trụ sở UBND xã nghe cán bộ Trung tâm TGPLNN tỉnh và chi nhánh huyện triển khai các quy định về Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ… Anh Dũng cho hay, anh muốn nhờ cán bộ Trung tâm TGPLNN tỉnh hướng dẫn cách làm lại hộ khẩu gia đình, giấy chứng minh nhân dân đã bị thất lạc. “Năm lần bảy lượt tôi đi làm thủ tục, nhưng vì không được hướng dẫn tới nơi tới chốn nên tôi rất bức xúc. Nay được hướng dẫn tận tình, tôi thấy mình cũng có lỗi trong việc này” - anh Dũng tâm sự.

Các cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người tàn tật tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú
Các cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người tàn tật tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú

Cầm xấp hồ sơ trong tay, bà Lê Thị Lệ (ngụ ấp 7, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) trình bày với trợ giúp viên Nguyễn Doãn Nhương rằng, 2 năm trước bà có bán cho bà A. một mảnh đất để làm nhà ở. Quá trình chuyển nhượng đôi bên chỉ viết giấy tay, bà A. chỉ trả 2/3 số tiền thỏa thuận và xin trả chậm phần còn lại trong 3 tháng. Được bà Lệ giao đất, bà A. tiến hành cất nhà ở, nhưng không chịu trả hết phần nợ còn lại cho bà Lệ. Bà Lệ hỏi: “Làm cách nào để bà A. trả hết số tiền cho tui, nếu bà A. không chịu trả thì tui phải làm sao?”. Được trợ giúp viên hướng dẫn cách thức giải quyết, bà Lệ mừng ra mặt và xin số điện thoại để nhờ tiếp tục trợ giúp pháp lý cho bà đòi quyền lợi.

Trong khi đó, ông K’Ron (ngụ ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) thì lơ lớ tiếng Kinh hỏi: “Mình muốn vay vốn cho con đi học, đầu tư vườn rẫy thì ai giúp mình?”.

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn tư vấn cho ông rằng tỉnh, huyện đang triển khai các chính sách hỗ trợ vốn cho học sinh - sinh viên và nông dân. Để được vay vốn làm ăn, cho con đi học, ông K’Ron cần liên hệ với chính quyền xã nhờ hướng dẫn, giúp đỡ. Nghe đến đây, ông K’Ron vui vẻ nói: “Mình cám ơn cán bộ nhiều lắm. Khi nào mình vay được vốn và làm ăn khá giả thì mời cán bộ lại nhà uống ly rượu nhé”.

* Phải tâm huyết…

Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh, bày tỏ qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, ông thấy người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu tìm hiểu pháp luật không kém chuyện ăn, ở hàng ngày. Ông Minh nhấn mạnh, không phải người dân nào cũng nắm được các thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý và cán bộ làm công tác này vẫn còn hạn chế trong công tác nắm bắt phong tục, tập quán, chưa hiểu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nên hiệu quả tuyên truyền chưa như mong muốn. “Do đó, tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở cơ sở, chúng tôi lồng ghép nhiều hình thức phổ biến pháp luật, như: tuyên truyền, giới thiệu pháp luật, tư vấn trực tiếp cho cá nhân, hướng dẫn pháp luật…” - ông Minh chia sẻ.

Ông Lê Minh Tuấn, cán bộ Trung tâm TGPLNN tỉnh, cho biết hiện trung tâm và các chi nhánh đang củng cố, kiện toàn lực lượng trợ giúp viên để làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, người bị tạm giam, bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng theo luật định. Ngoài đội ngũ trợ giúp viên, trung tâm còn mời gọi đội ngũ luật sư có tâm với cộng đồng tham gia công tác này với tinh thần thiện nguyện.

Trong năm 2014, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện được gần 100 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… với trên 10 ngàn người tham dự. Trung tâm và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện trợ giúp được 1.460 vụ việc, gồm: tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng…

Ông Nguyễn Doãn Nhương cho hay, tại các buổi trợ giúp pháp luật, cán bộ tư vấn và chính quyền địa phương phối hợp giải quyết ngay thắc mắc cho người dân, hoặc hướng dẫn họ khiếu nại lên cấp trên, khởi kiện ra tòa... “Nhu cầu hiểu biết pháp luật của người dân rất cao, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng hết do nhân sự và thời gian có hạn” - ông Nhương nói.

Để tăng cường đưa pháp luật về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo…, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm thu hút cán bộ, công chức, người am hiểu pháp luật, luật sư, luật gia tham gia. Ông Minh cho biết, người tư vấn pháp lý ngoài kiến thức pháp luật và kinh nghiệm còn phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm. Trong quá trình tư vấn, họ phải thể hiện tính khách quan, trung thực trong chuyên môn và tránh thái độ cửa quyền, hời hợt.

“Có như vậy, hoạt động tư vấn pháp lý của Trung tâm TGPLNN tỉnh sẽ có tác động rất lớn đến nhận thức pháp luật của người dân và hoạt động trợ giúp pháp lý khẳng định được vị trí của mình trong các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có, được người dân biết đến và yêu cầu trợ giúp miễn phí ngày càng nhiều hơn” - ông Minh nói.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích