Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã hội hóa thi hành án dân sự thông qua thừa phát lại

11:10, 11/10/2015

Mới được thành lập hơn 1 năm, số vụ thụ lý chưa nhiều, song các văn phòng thừa phát lại (gọi tắt TPL) trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng, giúp cơ quan thi hành án dân sự giảm tải gánh nặng công việc.

Mới được thành lập hơn 1 năm, số vụ thụ lý chưa nhiều, song các văn phòng thừa phát lại (gọi tắt TPL) trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng, giúp cơ quan thi hành án dân sự giảm tải gánh nặng công việc.

Bên cạnh đó, từ những hiệu quả đạt được, TPL dần trở thành trợ thủ đắc lực giúp người dân nhanh chóng thu hồi được tài sản của mình.

* “Thi hành án trên tinh thần trách nhiệm cao”

Đó là nhận định của ông Trần Trung Nhân, Chánh văn phòng Sở Tư pháp, khi đánh giá về vai trò của các văn phòng TPL. Từ thực trạng khối lượng các vụ việc thi hành án dân sự còn chậm, tồn đọng nhiều gây bức xúc cho người dân, chế định TPL đã chia sẻ bớt áp lực cho cơ quan thi hành án dân sự. Đây được coi là công tác xã hội hóa trọng tâm nhằm phát huy tiềm lực của xã hội, thể hiện trách nhiệm của xã hội trong quản lý Nhà nước.

Cán bộ phường và thừa phát lại thuộc Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa đang tổ chức thi hành án tại phường Quyết Thắng (ảnh do Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa cung cấp).
Cán bộ phường và thừa phát lại thuộc Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa đang tổ chức thi hành án tại phường Quyết Thắng (ảnh do Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa cung cấp).

Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 văn phòng TPL được thành lập, trong đó hiệu quả nhất phải kể đến Văn phòng TPL Biên Hòa (TP.Biên Hòa).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm TPL tỉnh (thuộc Sở Tư pháp), từ khi thành lập đến nay, các văn phòng TPL trên toàn tỉnh đã trực tiếp thi hành án 18 vụ, trong đó TPL Biên Hòa thực hiện 16 vụ, với giá trị thi hành trên 25 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước về kết quả thi hành án, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Để đạt được những kết quả đó, bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng văn phòng TPL Biên Hòa, cho biết: “Kể từ khi người dân tiếp xúc và yêu cầu chúng tôi thi hành án thì họ phải thấy được sự thoải mái, vì chúng tôi làm dịch vụ cho dân. Quá trình triển khai thực hiện thi hành án, chúng tôi phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, làm triệt để, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Làm đến đâu chúng tôi báo cáo đến đó cho người dân và cơ quan kiểm tra, giám sát. Kết quả sau khi thi hành án người dân rất hài lòng”.

Việc TPL trực tiếp thi hành án dân sự như hiện nay cho thấy người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng yêu cầu thực thi các bản án, quyết định của tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

* Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý

Vì vẫn là hoạt động thí điểm nên hoạt động của các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều vướng mắc trong quy định của pháp luật. Thực tế này đã gây ra không ít khó khăn trong hiệu quả thực hiện chức năng thi hành án của TPL.

Theo ông Trần Trung Nhân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thi hành án dân sự chưa quy định người dân có quyền yêu cầu, lựa chọn bên thi hành án là cơ quan thi hành án hay TPL. Tòa án cũng không thực hiện chuyển bản án, quyết định có hiệu lực cho văn phòng TPL do Luật Thi hành án dân sự không đề cập vấn đề này. Vì vậy, người dân sẽ bị hạn chế trong việc lựa chọn bên nào giúp mình thu hồi tài sản bị mất.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-9, sau khi nghe báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL của Bộ Tư pháp, Quốc hội nhất trí sẽ ban hành nghị quyết để thực hiện chế định TPL, giao cho Chính phủ ban hành nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành. Sau khi thực hiện nghị quyết này sẽ tiến hành tổng kết và trình Quốc hội về Luật TPL.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa văn phòng TPL với cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp khó khăn, chồng lấn. Bởi, trong trường hợp một vụ việc có nhiều đương sự cùng yêu cầu một cá nhân, tổ chức phải thi hành án, khi đương sự A yêu cầu TPL thi hành án, đương sự B lại yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành thì sẽ khó giải quyết. “Khi đó, TPL sẽ gửi quyết định thi hành án qua cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, nhưng cơ quan thi hành án dân sự lại không gửi quyết định thi hành án cho TPL vì chưa có quy định của pháp luật về thủ tục chuyển giao, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án” - bà Trần Thị Thu Thủy cho biết.

Ngoài ra, khi tổ chức thi hành án, chính quyền địa phương còn nhận thức chưa sâu sắc về vai trò, chức năng của TPL nên còn e ngại, chưa nhiệt tình giúp đỡ.

Nhận định vấn đề này, ông Phan Văn Phúc, Trưởng văn phòng TPL Trảng Bom (huyện Trảng Bom), cho biết: “Quá trình đi thi hành án, TPL còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi tiến hành cưỡng chế, nếu cần huy động lực lượng thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa cao, phối hợp chưa tốt”.

Nhìn chung, từ kết quả đã đạt được cho thấy, các văn phòng TPL đang gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan thi hành án, tạo cơ chế phối hợp, hỗ trợ và cạnh tranh lành mạnh. Thông qua TPL, ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý Nhà nước được tăng cường và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần tinh giản biên chế cán bộ, công chức, giảm tiêu cực trong thi hành án, phát huy được nguồn lực của xã hội.

Thiên Quyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều