Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách xóa "điểm đen" tai nạn đường sắt

10:01, 17/01/2016

Trong năm 2015, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt (tăng 1 vụ  so với năm 2014), khiến 12 người chết và 3 người bị thương. TP.Biên Hòa là địa bàn có số vụ TNGT đường sắt nhiều nhất (8 người chết), tiếp đến là huyện Trảng Bom (xảy ra 6 vụ, 4 người chết và 1 người bị thương).

Trong năm 2015, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt (tăng 1 vụ  so với năm 2014), khiến 12 người chết và 3 người bị thương. TP.Biên Hòa là địa bàn có số vụ TNGT đường sắt nhiều nhất (8 người chết), tiếp đến là huyện Trảng Bom (xảy ra 6 vụ, 4 người chết và 1 người bị thương).

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông giữa xe khách với tàu hỏa xảy ra tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa).
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông giữa xe khách với tàu hỏa xảy ra tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa).

Tình hình TNGT đường sắt ở Đồng Nai thời gian qua rất đáng lo ngại khi số vụ tai nạn năm sau thường cao hơn năm trước. Nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đường sắt phần lớn do lỗi của người điều khiển phương tiện thiếu quan sát khi vượt qua đường ray.

* Tai nạn ngày càng tăng

Theo cơ quan chức năng, trong số 14 vụ TNGT đường sắt đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2015, lỗi do người điều khiển phương tiện đường bộ vượt qua đường sắt không nhường quyền tàu hỏa có 8 vụ, người đi bộ vi phạm hành lang an toàn đường sắt 6 vụ. Nhiều người không ý thức được hết mối nguy hiểm, thường nôn nóng lưu thông qua đường bộ có giao cắt với đường sắt dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.

Bên cạnh lỗi của người điều khiển phương tiện, còn phải nhắc đến một nguyên nhân quan trọng dẫn đến TNGT đường sắt tăng cao thời gian qua là mật độ đường ngang dân sinh mọc lên dày đặc dọc trên các tuyến.

Tại Đồng Nai hiện có 31 đường cắt ngang đường sắt có gác chắn, 14 đường ngang cảnh báo tự động, 14 đường ngang có biển báo và 62 đường ngang dân sinh trái phép. Mặc dù hàng năm các ngành chức năng và chính quyền địa phương đều có kiểm tra, xử phạt các hành vi mở đường ngang dân sinh trái phép, phá hoại kết cấu, công trình đường sắt, nhưng kết quả không mấy khả quan, việc mở đường ngang bất hợp pháp trở nên khá phổ biến. Ban An toàn giao thông tỉnh xác định có 8 “điểm đen” về nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt. Đây là các điểm giao cắt rất phức tạp, đông dân cư sinh sống nên năm nào cũng xảy ra tai nạn, gây chết người. 8 “điểm đen” này chính là những đường ngang không có thiết bị cảnh báo, đường hẹp khiến phương tiện đi lại khó khăn, tầm quan sát bị hạn chế…

Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn giao thông đường sắt Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn Lê Đăng Nghĩa cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 89km (từ km1614 đến km1703), gồm có 8 ga. TNGT đường sắt ở Đồng Nai thời gian qua rất đáng lo ngại. Cung đường “nóng” về TNGT đường sắt là đoạn qua TP.Biên Hòa cho đến hết xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Việc đóng các đường ngang dân sinh thời gian qua chưa đem lại kết quả tích cực, nơi này lực lượng chức năng chưa kịp “xóa” thì chỗ khác đã mọc lên. Khi địa phương không quản được việc mở đường ngang bất hợp pháp thì đây thực sự là hiểm họa tiềm ẩn làm gia tăng TNGT đường sắt ở Đồng Nai. Hậu quả là hầu như các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở những đường ngang không có người gác chắn và đèn cảnh báo.

* Còn nhiều băn khoăn

Theo ông Lê Đăng Nghĩa, bên cạnh những biện pháp “cứng” nhằm xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm an toàn giao thông đường sắt, như: xả nước bẩn, rác thải ra đường sắt; họp chợ, mua bán trong phạm vi đường ngang; nhà dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt…, thì cũng rất cần các giải pháp “mềm”, linh động để kéo giảm TNGT đường sắt.

Ông Nghĩa cho hay, mô hình cử người cảnh giới tại những “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt tại một số địa phương, như: TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Ở các địa phương này, người dân sinh sống gần 2 bên đường ray đóng vai trò tích cực khi vừa là người đứng ra cảnh giới, vừa tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Tại các điểm có người đảm nhiệm chốt gác, TNGT đã giảm hẳn. Do đó, nếu không cấm được việc mở đường ngang dân sinh thì phải tạo điều kiện để người dân lưu thông qua đây được an toàn.

Theo đó, mỗi vị trí sẽ có 4-5 người dân sống gần 2 bên đường ngang thay phiên nhau tổ chức cảnh giới, ghi chép lịch trình và giờ giấc tàu hỏa chạy qua, từ đó cảnh báo người đi đường không nên di chuyển trên đường sắt, dừng ở vị trí an toàn mỗi khi có tàu đến. Tổ gác chắn trực gác từ 6-20 giờ hàng ngày, được bồi dưỡng nghiệp vụ gác chắn theo hướng dẫn của đơn vị đường sắt nhằm đảm bảo công tác gác chắn thực hiện theo đúng quy định.

Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Văn Điệp cho biết: “UBND tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để tìm các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, có các dự án xây dựng đường gom và hàng rào bảo vệ, dẫn đường lưu thông đến các đường ngang có gác chắn hợp pháp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện được ngay một lúc các đầu việc này thì chưa thể đáp ứng”.

Tuy nhiên, những người nhận làm nhiệm vụ cảnh giới tại 8 “điểm đen” về TNGT đường sắt ở Đồng Nai hiện vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Hầu hết chưa biết phân chia thời gian trực sao cho hợp lý; khoản kinh phí được hưởng khi cảnh giới, trực gác có bằng với công sức đã bỏ ra; có phải chịu trách nhiệm nếu trong thời gian trực gác, chẳng may xảy ra tai nạn đường sắt?...

Chị Hồ Thị Lý, trực ở đoạn đường ngang dân sinh thuộc KP.1, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Tổ của tôi có 3 người gác, là nơi có mật độ người và phương tiện đi lại nhiều nhất. Những ngày nắng không sao, nhưng nếu trời mưa to gió lớn chẳng lẽ cứ đội mưa đứng chờ tàu qua. Nếu không may chúng tôi gặp sự cố gì, ai sẽ bồi thường và bảo vệ những người gác chắn không chuyên như tụi tôi?”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, đứng gác đoạn giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh ở khu vực ấp Cầu Hang, xã Hóa An (TP.Biên Hòa), thắc mắc: “Trong trường hợp đứng làm nhiệm vụ cảnh giới, dù đã cảnh báo các phương tiện không được qua lại trên đường ray khi tàu tới gần, nhưng nhiều người vẫn bất chấp vi phạm, hoặc cố tình chống đối thì trong khả năng xử lý của chúng tôi phải làm thế nào?”.

Trả lời về vấn đề này, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong việc quản lý tổ chức trực gác. Nguồn kinh phí chi trả cho người làm nhiệm vụ cảnh giới cũng do địa phương quyết định, ngành đường sắt chỉ tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cảnh giới, gác chắn”.

Thanh Hải

 

 


 

 

Tin xem nhiều