Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu quả khó lường từ mâu thuẫn bộc phát cá nhân

11:08, 17/08/2016

6 tháng đầu năm 2016 tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kéo giảm. Tuy nhiên, riêng tội phạm cố ý gây thương tích lại tăng, với 128 vụ đã xảy ra (tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2015).

6 tháng đầu năm 2016 tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kéo giảm. Tuy nhiên, riêng tội phạm cố ý gây thương tích lại tăng, với 128 vụ đã xảy ra (tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2015).

Một nhóm bị cáo bị xét xử về tội cố ý gây thương tích.
Một nhóm bị cáo bị xét xử về tội cố ý gây thương tích.

* Tức giận là đánh, chém

Ngày 20-2, trong lúc điều khiển xe tải chạy đến khu Tân cảng ICD Long Bình (TP.Biên Hòa), tài xế Nguyễn Văn Cháng (24 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) đã để xe mình điều khiển va chạm với xe do ông Mai Văn Yên (48 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) điều khiển lưu thông cùng chiều phía trước. Tức giận, anh Cháng lái xe ô tô chặn đầu xe ông Yên lại để nói chuyện phải quấy. Trong lúc 2 bên đang nói chuyện qua lại thì phụ xe Huỳnh Văn Chắt (22 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) đã dùng tuýp sắt đánh ông Yên, khiến nạn nhân bị thương tật tỷ lệ 13%.

Ngày 6-5-2015, trong lúc đến nhà bạn ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) chơi, nhóm của Nguyễn Tuấn Anh (19 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), Trần Ngọc Phụng (23 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán), Nguyễn Đức Phi (17 tuổi, ngụ huyện Định Quán), Trần Vũ Minh Thành (18 tuổi, huyện Định Quán)... thấy một nhóm thanh niên điều khiển xe với tốc độ cao, nẹt pô nên có những lời lẽ khiêu khích, khiến 2 bên cãi nhau.

Hôm sau, ấm ức chuyện bị nhóm thanh niên ở xã Gia Canh chửi, Tuấn Anh đã rủ Phụng, Phi, Thành, Nguyễn Trọng Nghĩa (21 tuổi, ngụ xã Gia Canh), Lê Trọng Nghĩa (21 tuổi, ngụ xã Gia Canh) và Phạm Trung Chánh (20 tuổi, ngụ huyện Định Quán) đi đánh trả thù. Nhìn thấy anh Huỳnh Ân (43 tuổi), cả bọn tưởng người của nhóm thanh niên hôm trước gây gổ với mình nên lao vào chém anh Ân nhiều nhát, gây thương tật tỷ lệ 18%.

Trước đó, vào đầu tháng 1-2016, trong lúc ngồi ở một quán ăn thuộc thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), Phạm Thị Kim Anh (18 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành) bị anh Lê Văn Vốn (ngụ huyện Long Thành) buông lời chọc ghẹo nên gây gổ với anh này. Sau đó, Kim Anh đã nhờ Trần Thế Vinh (29 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành), Trần Minh Trí (23 tuổi, ngụ xã Lộc An), Quách Thành Đạt (19 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành), Trần Thị Hoàng Nguyên (18 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành) đánh, chém anh Vốn khiến nạn nhân bị thương tật tỷ lệ 30%...

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều vụ đánh, chém nhau gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân bộc phát trong sinh hoạt đời thường.

* Đạo đức xã hội cần được đề cao

Một cán bộ Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, các vụ cố ý gây thương tích chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt thường nhật. Việc gây thương tích thường do thù tức cá nhân, trong lúc không kiềm chế được bản thân nên đôi bên giằng co, dẫn đến xô xát. Thậm chí, trong lúc nóng giận, nhiều người không ngần ngại dùng hung khí nguy hiểm, như: dao, gậy gộc, tuýp sắt… gây thương tích cho đối phương.

Phân tích nhiều vụ án đã thụ lý, cơ quan điều tra nhận định phần lớn vụ án gây thương tích xảy ra liên quan đến những đối tượng ở nhà trọ gần các khu công nghiệp, từ việc ăn nhậu... Trước hết là do nhận thức của họ còn thấp, chưa lường hết hậu quả mình gây ra. Phần nữa là do mỗi người đến từ một vùng miền khác nhau, không cùng quan điểm sống, cách sống nên dễ dẫn đến mâu thuẫn. Ngoài ra, những người vốn là anh em, bạn bè nhưng khi ăn nhậu, bị rượu bia điều khiển dẫn đến “rượu vào lời ra”, rồi đánh chém nhau.

Một thực trạng đáng quan tâm là những nam thanh niên ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi hiện nay thường tụ tập ăn chơi, kết bè nhóm và đôi khi chỉ vì một câu nói có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các nhóm rồi hẹn nhau đi giải quyết. Tuổi trẻ thường thích thể hiện với bạn bè cùng trang lứa bằng cách xung phong đi đánh nhau và khoe mẽ “chiến công” với nhau.

Thượng tá Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng Đội Nghiên cứu chuyên đề cảnh sát Phòng Tham mưu Công an tỉnh, cho biết cuộc sống xã hội làm nảy sinh vô vàn những nguyên nhân khiến người ta đánh chém nhau, nhưng có một điều quan trọng hơn là đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nhiều người chỉ muốn thể hiện bản thân nhiều hơn là quan tâm đến những người xung quanh, nên trong lúc tức giận họ không chịu kiềm chế cảm xúc, dẫn đến việc đổ máu.

Theo Thượng tá Bằng, các bậc làm cha mẹ cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn, để chúng không bị bạn xấu lôi kéo vào việc chơi bời. Phía nhà trường phải giáo dục nhân cách, đạo đức để học sinh biết lắng nghe, có thể phân định đúng sai khi sự việc xảy ra. “Sự tác động của rượu, bia đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách hành xử của con người. Do đó, ai cũng cần phải biết điểm dừng để không gây ra những tổn hại đáng tiếc cho người khác và mang họa vào thân, đừng để khi sự việc đã rồi mới lấy đó làm bài học” - Thượng tá Bằng nhấn mạnh.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều