Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

11:10, 26/10/2016

Thời gian gần đây, nhiều người vì nhẹ dạ cả tin mà rơi vào "bẫy" của các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ điều tra, để rồi chuyển qua tài khoản cho chúng chiếm đoạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhiều người vì nhẹ dạ cả tin mà rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ điều tra, để rồi chuyển qua tài khoản cho chúng chiếm đoạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Cơ quan công an di lý đối tượng Đàm Mạnh Thân (thứ 2, từ phải qua) từ Hải Phòng vào Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra (ảnh do Công an Đồng Nai cung cấp)
Cơ quan công an di lý đối tượng Đàm Mạnh Thân (thứ 2, từ phải qua) từ Hải Phòng vào Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra (ảnh do Công an Đồng Nai cung cấp)

Trung tá Võ Thanh Hải, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh, cho biết thời gian gần đây đơn vị nhận được nhiều tin báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn. Bên cạnh những người bị lừa, cũng có người may mắn thoát nạn bởi sự can thiệp kịp thời từ phía ngân hàng.

“Sập bẫy” kẻ lừa đảo

Ngày 30-9, bà N.T.T. (53 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) nhận được điện thoại của một người tự xưng cán bộ điều tra Bộ Công an nói rằng bà có liên quan đến một vụ buôn bán ma túy tại tỉnh Thái Nguyên và yêu cầu bà phải chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản của “cán bộ công an” này để kiểm tra. Người này còn bảo bà T. không được nói chuyện này cho ai biết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến công tác điều tra phá án của cơ quan công an. Vừa điện thoại liên tục vừa dùng lời đe dọa sẽ bị bắt giữ, đối tượng khiến bà T. lo sợ nên đã đến Agribank chi nhánh Trảng Bom chuyển tiền. Rất may, nhờ có sự ngăn chặn kịp thời của ngân hàng mà bà T. đã không bị mất tiền.

Không may mắn như bà T.,  bà L.K.M. (ngụ TP.Biên Hòa) đã nhanh chóng chuyển khoản cho kẻ lừa đảo hơn 400 triệu đồng sau khi bị đe dọa qua điện thoại. Theo trình báo của bà M., vào tháng 9-2016 bà nhận được điện thoại của một người tự xưng cán bộ Công an TP.Hồ Chí Minh nói bà liên quan đến đường dây mua bán ma túy lớn nên phải chuyển số tiền đang có trong tài khoản cho anh ta kiểm tra. Theo lời “cán bộ công an” này, sau khi kiểm tra thấy không có vấn đề gì sẽ trả lại tiền cho bà M. ngay.

Vì đối tượng biết tên, tuổi, địa chỉ và đọc đúng số chứng minh nhân dân của bà M., đồng thời cho số điện thoại để bà gọi điện xác minh nên bà M. tin tưởng mà chuyển tiền, để rồi bị mất sạch số tiền dành dụm bấy lâu nay.

Ông N.V.P. (44 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) thì đang hoang mang khi toàn bộ số tiền mới được đền bù đất gửi ngân hàng đã bị bọn lừa đảo lấy sạch.

Ông P. cho biết vào ngày 8-10, ông nhận được điện thoại của một người tự xưng cán bộ điều tra thuộc Bộ Công an cho biết đang điều tra đường dây mua bán ma túy lớn. Do một số bị can khai đã chuyển một số tiền lớn vào tài khoản của ông P. nên vị “cán bộ công an” yêu cầu ông phải chuyển khoản cho anh ta kiểm tra. Sau nhiều lời đe dọa của đối tượng, ông P. đã đến ngân hàng chuyển 500 triệu đồng cho đối tượng và bị mất sạch.

Cảnh giác với bọn lừa đảo

Trung tá Võ Thanh Hải cho biết thủ đoạn của kẻ lừa đảo chủ yếu là dùng điện thoại internet có mã số ở nước ngoài gọi vào điện thoại bàn của bị hại, để đe dọa rằng bị hại có liên quan đến một vụ án nào đó nhằm khiến bị hại hoang mang. Chúng còn dùng tín hiệu gây nhiễu để bị hại nghe không rõ trong lúc nói chuyện, rồi dùng lời lẽ đe dọa một cách dồn dập để bị hại mất phương hướng, dễ tin lời chúng mà chuyển tiền theo yêu cầu. Khi bị hại chuyển tiền qua tài khoản, kẻ gian sẽ nhang chóng rút hết tiền nên việc cơ quan điều tra thu hồi tài sản bị chiếm đoạt của các bị hại gặp nhiều khó khăn.

Được biết, Công an tỉnh đã khởi tố 3 vụ án, 4 bị can liên quan đến hành vi lừa đảo với thủ đoạn nêu trên và đã thu hồi cho bị hại được 2 tỷ đồng. Mới đây, Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt giam 2 đối tượng Đàm Mạnh Thân (26 tuổi) và Lê Thanh Vĩnh (33 tuổi), đều quê TP.Hải Phòng, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vĩnh và Thân có quan hệ anh rể, em vợ. Cả hai đã làm giả giấy chứng minh nhân dân để lập tài khoản ngân hàng với tên tuổi của người khác, rồi sử dụng công nghệ cao gọi điện đe dọa một số người để thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn giả danh công an để hù dọa bị hại, cả hai đã thực hiện nhiều “phi vụ” lừa đảo tại các địa phương trong cả nước. Riêng tại Đồng Nai, một nạn nhân đã bị Vĩnh và Thân lừa 375 triệu đồng.

Để tránh trưởng hợp “sập bẫy” kẻ lừa đảo, Trung tá Võ Thanh Hải khuyến cáo, khi nhận được những cuộc điện thoại tự xưng cán bộ công an, trước hết người dân cần đòi hỏi người tự xưng công an phải cho biết rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, nội dung làm việc. Đặc biệt là phải có giấy mời, giấy triệu tập theo quyết định của ngành, bởi không có công an điều tra nào chỉ làm việc qua điện thoại và cơ quan điều tra không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền qua tài khoản cá nhân. “Đây không phải là thủ đoạn lừa đảo mới, nhưng nhiều người vì mất cảnh giác nên bị kẻ gian lợi dụng. Nếu gặp trường hợp này, người dân không nên làm theo lời kẻ gian mà báo ngay sự việc với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ” - Trung tá Hải nhấn mạnh.

Tố Tâm

Tin xem nhiều