Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống người thi hành công vụ: Hành vi coi thường pháp luật

11:04, 17/04/2017

Liên quan đến vụ Thiếu tá Lê Quang Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) tử nạn khi làm nhiệm vụ, ngày 17-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố vụ án...

Tài xế Trần Mạnh Thống đang làm việc tại cơ quan công an.
Tài xế Trần Mạnh Thống đang làm việc tại cơ quan công an.

Liên quan đến vụ Thiếu tá Lê Quang Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh, tử nạn khi làm nhiệm vụ, ngày 17-4 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự tài xế Trần Mạnh Thống (25 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Sự việc xảy ra một lần nữa cho thấy tình trạng chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng.

* Nhiều vụ chống người thi hành công vụ

Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, vào tối 15-4, trong lúc làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa, Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1 thuộc PC67 phát hiện xe tải do tài xế Thống điều khiển chở heo vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng xe. Biết xe chở quá tải, tài xế Thống đã tăng ga bỏ chạy về hướng TP.Hồ Chí Minh.

Khi đến trạm thu phí cầu Đồng Nai, tài xế Thống vẫn không chịu hợp tác, Thiếu tá Minh nhảy lên xe, bám vào gương chiếu hậu để yêu cầu tài xế Thống chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra thì bị trượt ngã và bị bánh sau xe của Thống cán tử vong tại chỗ.

Trước đó không lâu, vào sáng 22-2, phát hiện anh Châu Sa Ron (quê tỉnh An Giang) vi phạm giao thông, Tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Vĩnh Cửu đang làm nhiệm vụ trên đường tỉnh 768, đoạn thuộc địa bàn xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Trong khi lực lượng công an đang làm việc với anh Ron, hàng chục người kéo đến đòi lại giấy tờ cho người vi phạm. Sau đó, nhóm người này dùng gạch, đá ném vỡ kính của xe đặc chủng của công an để gây áp lực. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sử dụng hung khí tấn công lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.

Xe đặc chủng của công an bị công nhân đập vỡ kính tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.
Xe đặc chủng của công an bị công nhân đập vỡ kính tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Ngày 30-9-2016, khi đi tuần tra trên đường Bùi Văn Hòa, đến đoạn Công viên Chiến Thắng, Tổ tuần tra Công an phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) thấy Dương Văn Mạnh (20 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) dựng xe máy (không có biển số) ở bên đường nên đã đến kiểm tra hành chính. Thấy công an kiểm tra, Mạnh dùng bình xịt hơi cay tấn công và đã bị bắt, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

* Hành vi coi thường pháp luật

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ và năm 2015 xảy ra 23 vụ. Các vụ chống người thi hành công vụ thường xảy ra trong các lĩnh vực: xử lý vi phạm giao thông, xử lý an ninh trật tự, tranh chấp đất đai...

Với nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra thời gian qua, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc người dân chống đối lực lượng thi hành công vụ xuất phát từ sự nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Chỉ vì muốn bảo vệ lợi ích của mình (cho dù họ làm sai), nhiều người đã bất chấp pháp luật mà có hành vi ngăn cản, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng các vụ chống người thi hành công vụ xuất phát từ chỗ người dân cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, nhưng do nhận thức hạn chế nên đã bất chấp mà chống đối cơ quan chức năng.

Thế nhưng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì người dân cũng không được cản trở, chống đối việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Người dân phải hiểu rằng: “Khi họ sai, có lực lượng chức năng xử lý; khi lực lượng xử lý sai phạm, đã có cơ quan có thẩm quyền xử lý. Điều đó đã được pháp luật quy định: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” - ông Định nói.

Để giảm thiểu các vụ chống người thi hành công vụ, theo luật sư Định, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến người dân, các cơ quan chức năng, người thực thi nhiệm vụ phải đặt lợi ích của dân lên trên để xem xét, xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phạm Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) cho rằng thời gian qua có nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra, nguyên nhân do nhiều yếu tố nhưng một phần là do ý thức, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế.

Ông Hùng lý giải: “Do hạn chế về pháp luật nên khi có hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người dân cố gắng bảo vệ quyền lợi đó mà bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra. Trong khi đó, hành vi của người dân lại mang tính chủ quan, vượt quá giới hạn cho phép, xâm hại đến quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của Nhà nước, dẫn đến vi phạm pháp luật”.

Theo ông Hùng, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, người dân không nên chống đối mà nên chấp hành. Sau đó, thấy quyền lợi của mình là chính đáng, người dân có quyền kiến nghị, xem xét lại quá trình xử lý của cơ quan chức năng. Nếu thiệt hại cho họ thì trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, người gây ra hậu quả phải bồi thường; nếu cơ quan chức năng làm đúng thì trả lời cho dân biết.

Để giải quyết được mấu chốt này, theo ông Hùng, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội phải phối hợp để tuyên truyền, giáo dục cho người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Các cơ quan hành chính nhà nước phải tăng cường việc công khai, minh bạch các thủ tục xử lý hành chính trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực “nóng” của xã hội, như: tranh chấp đất đai, xử lý vi phạm giao thông, xử lý hành chính…

Trần Danh

[links()]

Tin xem nhiều