Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp

09:06, 24/06/2019

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tính từ ngày 15-12-2018 đến 15-6-2019, số vụ cháy và thiệt hại về người do cháy đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tính từ ngày 15-12-2018 đến 15-6-2019, số vụ cháy và thiệt hại về người do cháy đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thực tập phương án chữa cháy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: M.Thành
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thực tập phương án chữa cháy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: M.Thành

Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, từ ngày 15-12-2018 đến 15-6-2019, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm 8 người chết, 3 người bị thương (tăng 7 người chết và 3 người bị thương); thiệt hại về tài sản ước tính 7,78 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước giảm 83,58 tỷ đồng).

* Nguy cơ cháy, nổ còn cao

Đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC được tổ chức thường xuyên nhưng số vụ cháy vẫn gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận quần chúng nhân dân, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Đa số các vụ cháy là do sự cố điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất trong sinh hoạt hằng ngày...

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác PCCC, nhất là công tác phòng cháy; nâng cao hiệu quả công tác thường trực, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, kịp thời cứu người và tài sản. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Sở Tài chính báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí, mua sắm trang, thiết bị, phương tiện hiện đại cho lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp của tỉnh...

Cụ thể như trong vụ cháy tại quán ăn Ruby (phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh) vào ngày 21-12-2018 làm 7 người chết là do trong quá trình hàn xì bị chập điện làm ngọn lửa cháy lan ra ngoài. Vì nhà hàng không có lối thoát hiểm nên các nạn nhân đã bị ngạt.

Điều đáng nói, số vụ cháy và thiệt hại do cháy tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chiếm tỷ lệ rất cao, trên 63% số vụ cháy toàn tỉnh. Theo Công an tỉnh, qua các đợt kiểm tra công tác PCCC cho thấy vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: quán karaoke, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề… Một số cơ sở vẫn chưa trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy đầy đủ hoặc bảo dưỡng trang thiết bị chữa cháy không kịp thời, không đảm bảo hiệu quả khi sử dụng.

Bên cạnh đó, một trong những hạn chế trong công tác PCCC hiện nay là một số địa phương như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc... chưa thành lập các đội dân phòng PCCC để xử lý các vụ cháy ở bước đầu, hỗ trợ lực lượng chuyên nghiệp khi cần thiết. Nguyên nhân là do các địa phương cấp xã còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư phương tiện và huy động lực lượng tham gia.

* Khắc phục tồn tại, hạn chế

Trước thực trạng này, tại hội nghị tổng kết công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, kéo giảm các vụ cháy và thiệt hại do cháy trên địa bàn.

Theo đó, Công an tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCC tại các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao như: khu công nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu dân cư, chung cư; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia chữa cháy tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh mút xốp ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) ngày 11-3
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia chữa cháy tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh mút xốp ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) ngày 11-3

Ngoài ra, các địa phương cũng phải chủ động triển khai các biện pháp PCCC từ cơ sở. Từ đầu năm 2019 đến nay, TP.Biên Hòa xảy ra 6 vụ cháy, tuy giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn là một trong 2 địa phương có số vụ cháy cao nhất tỉnh (sau huyện Trảng Bom). Trước tình hình này, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa đã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, người lao động, chủ các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong công tác PCCC; đồng thời tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng, khả năng xử trí ban đầu đối với người dân khi có cháy, nổ xảy ra.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên đề xuất cần tăng cường trang bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên nghiệp tại TP.Biên Hòa vì đây là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, nhà cao tầng, khu dân cư đông đúc và có lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy rất đông.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay: “Một trong những biện pháp hiệu quả của công tác PCCC là gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở khi để xảy ra cháy. Vì nếu họ có ý thức, quan tâm đến vấn đề này thì việc đầu tư, duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở sẽ được chú trọng. Từ đó các vụ cháy sẽ được xử lý tốt từ ban đầu để ngăn cháy lan, cháy lớn vượt tầm kiểm soát”.

Minh Thành

Tin xem nhiều