Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắp camera xe kinh doanh vận tải: Cần lựa chọn thiết bị đúng quy chuẩn

10:01, 17/01/2022

Hiện thị trường camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đang diễn ra sôi động. Nhiều loại camera được các doanh nghiệp (DN) lựa chọn với đủ loại mẫu mã, chất lượng, giá cả khác nhau. Điều đáng nói, không ít trong số đó là sản phẩm có chất lượng thấp, không đúng với quy chuẩn của cơ quan chức năng đưa ra.

Hiện thị trường camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đang diễn ra sôi động. Nhiều loại camera được các doanh nghiệp (DN) lựa chọn với đủ loại mẫu mã, chất lượng, giá cả khác nhau. Điều đáng nói, không ít trong số đó là sản phẩm có chất lượng thấp, không đúng với quy chuẩn của cơ quan chức năng đưa ra.

Camera giám sát hình ảnh được một doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp đặt theo đúng quy định. Ảnh: T.Hải
Camera giám sát hình ảnh được một doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp đặt theo đúng quy định. Ảnh: T.Hải

Một số nhà xe do không tìm hiểu kỹ đã mua nhầm những thiết bị trôi nổi bên ngoài về tự lắp, khó đảm bảo kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước.

* “Ma trận” camera trên xe ô tô

Theo phản ảnh của nhiều DN kinh doanh vận tải, từ tháng 12-2021 đến nay, thị trường camera ghi lại hình ảnh đối với xe ô tô diễn ra khá sôi động. Nhiều đơn vị cung cấp các loại camera khác nhau với giá dao động từ 2-7 triệu đồng/bộ, thậm chí trên 10 triệu đồng/bộ, tạo nên một “ma trận” giá.

Ông Đỗ Tiến Xuân, chủ một DN kinh doanh vận tải ở H.Trảng Bom cho biết, thông thường 1 bộ thiết bị này gồm: 1 camera, 1 thiết bị đầu ghi, 1 ổ cứng. Thiết bị đạt chuẩn phải được kiểm định về chất lượng và hơn nữa giá cả chênh lệch không nhiều. Để tránh “tiền mất, tật mang”, các DN cần chọn cho mình loại thiết bị hợp chuẩn được ban hành.

Các DN kinh doanh vận tải kiến nghị Bộ GT-VT nên công bố các nhà cung cấp có sản phẩm đạt chuẩn để DN, nhà xe biết để lựa chọn, tránh lắp phải thiết bị không đạt, phải lắp nhiều lần gây tốn kém, lãng phí.

Sau khi tham khảo giá, phương án kỹ thuật của nhiều đơn vị cung cấp thiết bị camera đến chào hàng với nhiều mức giá khác nhau, ông Xuân quyết định chọn lựa lắp đặt bộ thiết bị có giá khoảng 6 triệu đồng do một DN công nghệ tại TP.HCM cung cấp. Cụ thể, bộ thiết bị này được đơn vị cung cấp báo giá: đầu ghi có giá 3,75 triệu đồng, ổ cứng 128GB giá 850 ngàn đồng, 1 camera góc rộng 125 giá 1 triệu đồng, phí truyền ảnh chụp về máy 1 camera là 1,2 triệu đồng/năm, thiết bị giám sát hành trình 780 ngàn đồng.

“Có 2 tiêu chí của sản phẩm để DN lựa chọn là đạt tiêu chuẩn và giá thành. Trên thị trường hiện có một số sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hay giá thành thấp hơn khoảng 2 triệu đồng khó có thể đáp ứng theo quy định. DN đã bỏ ra số tiền lớn thì không nên lắp đặt các thiết bị có giá thành rẻ, không đạt chuẩn” - ông Xuân nói.

Không may mắn như ông Xuân, ông H.T. (chủ DN kinh doanh vận tải ở TP.Biên Hòa) cho biết, đơn vị có khoảng 100 xe thuộc diện phải lắp camera giám sát hình ảnh. Trung bình 1 bộ thiết bị khoảng 5 triệu đồng thì DN phải tốn hơn 500 triệu đồng cho công tác này. Do đó, khi có DN chào mời giá thấp hơn, ông đã đồng ý.

Điều đáng nói, sản phẩm trên dùng mạng 2G nên nếu sắp tới khi mạng này bị “khai tử” thì thiết bị không thể hoạt động. Sau khi hơn 20 xe của DN lắp loại camera này, ông mới phát hiện và buộc phải thực hiện lại từ đầu khiến chi phí bỏ ra tưởng rẻ nhưng lại đắt hơn so với giá ban đầu các đơn vị khác thông báo.

“Để chào hàng cạnh tranh, nhiều đơn vị cung cấp thiết bị đến tư vấn các gói giá thiết bị lắp đặt, kèm theo các chính sách giảm giá hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 trực tiếp cho khách hàng. Thực tế, đây là những thiết bị đã lỗi thời, dù đảm bảo quy chuẩn trong thời điểm hiện tại nhưng trong tương lai có thể không còn phù hợp” - ông T. nói.

* Phải đúng quy chuẩn đã ban hành

Ngày 4-11-2021, Bộ KH-CN đã phối hợp Bộ GT-VT, Bộ Công an ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10). TCVN13396 quy định cụ thể về đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị.

Theo đó, sản phẩm đạt TCVN13396 là một thiết bị giám sát hành trình có công nghệ 4G trở lên nhưng được gắn thêm mắt thu camera, phù hợp với Nghị định 10 và các văn bản pháp luật có liên quan. Sắp tới, Bộ TT-TT thực hiện cắt sóng 2G, đơn vị vận tải lại phải một lần nữa mất phí nâng cấp thiết bị giám sát hành trình lên 4G. Do đó, DN nên chọn loại thiết bị phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc chi nhánh miền Nam Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình An (TP.HCM) cho biết, đơn vị là một trong nhiều DN được các cơ quan chức năng công bố đủ điều kiện về chất lượng camera đúng quy chuẩn TCVN13396 của Bộ KHCN. Sản phẩm của DN có giá hiện nay trung bình 5,5 triệu đồng/bộ và có chứng nhận rõ ràng, đáp ứng đầy đủ pháp lý.

Theo ông Tuấn, trên thị trường camera giám sát hình ảnh có rất nhiều loại với các mức giá khác nhau. Thiết bị được hợp chuẩn TCVN13396 trước hết có cấu tạo là một thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G tích hợp thêm mắt thu camera.

Thực tế, quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải là một chủ trương có ý nghĩa tích cực, giúp ích cho công tác quản lý, giám sát hoạt động của tài xế, nhân viên, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho hành khách đi xe. Không những vậy, có thiết bị camera, nhà xe cũng có cơ sở thông tin, hình ảnh để giải quyết các tình huống tai nạn giao thông, tình huống phát sinh trên hành trình, tuyến hoạt động.

Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở GT-VT) Lê Văn Đức cho biết, khi lắp camera giám sát các DN vận tải phải yêu cầu DN cung cấp thiết bị phát đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ KH-CN đưa ra. Nên lựa chọn các sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn mới được ban hành để tránh gây lãng phí cho DN. Chủ DN, chủ phương tiện và đơn vị cung cấp phải chịu trách nhiệm khi lắp thiết bị không đạt theo quy định.

Thanh Hải

Tin xem nhiều