Báo Đồng Nai điện tử
En

"Làn sóng" Hip-hop trong giới trẻ Biên Hòa
Bài 1: Muôn mặt hip - hop

11:07, 04/07/2005

Ra đường, người ta có thể bắt gặp một bạn trẻ là "fan" của hip - hop qua những chiếc quần thụng ống rộng, đáy dài, áo pull nách rộng, áo khoác, mũ len, giày thể thao, cộng thêm một số "phụ kiện" đi kèm như: băng quấn tay, vòng đeo cổ, dây xích, điện thoại. Không chỉ dừng ở những màn trình diễn bộc phát trên hè phố, ngoài sân bóng, "làn sóng" hip - hop còn ảnh hưởng đến giới trẻ ở nhiều khía cạnh: cách ăn mặc, cách nói, thị hiếu âm nhạc....

Một cậu bé mê hip - hop đang thực hiện động tác đá "nai".
Ra đường, người ta có thể bắt gặp một bạn trẻ là "fan" của hip - hop qua những chiếc quần thụng ống rộng, đáy dài, áo pull nách rộng, áo khoác, mũ len, giày thể thao, cộng thêm một số "phụ kiện" đi kèm như: băng quấn tay, vòng đeo cổ, dây xích, điện thoại. Không chỉ dừng ở những màn trình diễn bộc phát trên hè phố, ngoài sân bóng, "làn sóng" hip - hop còn ảnh hưởng đến giới trẻ ở nhiều khía cạnh: cách ăn mặc, cách nói, thị hiếu âm nhạc....

 

* Nở rộ các câu lạc bộ hip- hop

 

Một bạn nam thẳng thắn nói với chúng tôi: "Chị đừng tưởng mê hip - hop chỉ là dân lề đường, ít học mà rất nhiều người học hành hẳn hoi. Nhưng hip - hop vẫn là thứ tụi em mê nhất !". Không chỉ bạn nam này, mà giới trẻ Biên Hòa bây giờ đang "sốt" lên cùng hip-hop. Từ chỗ cách đây vài tháng không có một câu lạc bộ (CLB) hip - hop nào, đến nay trên địa bàn TP. Biên Hòa đã có tới 3 CLB hip -hop sinh hoạt công khai tại các tụ điểm: Shock Hip - hop ở Trung tâm văn hóa - thể thao phường Bình Đa, SB ở Thành đoàn Biên Hòa và TNK ở Nhà văn hóa trực thuộc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Đó là chưa kể nhiều CLB theo kiểu tự phát cũng đang "manh nha" thành lập với những cái tên khá ấn tượng, điển hình là nhóm "The End", được tổ chức có quy củ hẳn hoi. Anh bạn trẻ trưởng nhóm này đồng thời cũng là một trong những người điều hành trang web www.viethiphop.com (diễn đàn của các bạn trẻ mê hip - hop hiện nay) bật mí: "Nhóm đang có kế hoạch may đồng phục cho khoảng 20 người. Đồng phục của nhóm sẽ là một bộ quần thụng đen, áo đen in số trắng trước ngực để phân biệt với nhóm khác. Cả nhóm nhất trí cử một nửa nhóm "khăn gói" lên TP. Hồ Chí Minh tìm chỗ trọ học nhảy hip hop, một nửa "luyện" ở nhà!". Để được làm thành viên của một nhóm hip - hop nào đó cũng không đơn giản. Một số nhóm đưa ra yêu cầu phải trải qua cuộc "kiểm tra" mà ban giám khảo là các thành viên của nhóm, đơn giản hơn thì chỉ cần biểu diễn thành thạo ba động tác phức tạp của hip - hop là đủ. Đặc biệt, một số nhóm đã đạt đến trình độ khá, có thể đi biểu diễn và "làm ăn" được. Chẳng hạn như nhóm SB, hiện đang sinh hoạt tại sân chơi của Thành đoàn TP. Biên Hòa, thường đi diễn cho các show ca nhạc... liên hoan tổng kết của các doanh nghiệp, các show đám cưới. Nhóm TNK hay làm "mối" cho các ca sĩ, các show ca nhạc của đài truyền hình (Bình Dương, Đồng Nai)...

Tối thứ bảy, phòng dạy nhảy hip - hop của Nhà văn hóa trực thuộc Trung tâm văn hóa - thông tin tỉnh rộng chừng 40m2 khá chật chội khi cùng lúc có mặt khoảng 30 bạn trẻ (hầu hết có độ tuổi 15-22)  đang miệt mài luyện tập. Tiếng nhạc vang lên ồn ào từ dàn máy đĩa khá xịn. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong số đó có không ít bạn nữ tại phòng tập này. Anh Hải, phụ trách đồng thời là người hướng dẫn của phòng tập, giải thích: "Trong hip - hop vẫn có một nhánh dành cho nhảy biểu diễn tập thể mà mọi người vẫn thấy trên sân khấu khi ca sĩ trình bày những ca khúc mang phong cách nhạc hip - hop. Nhảy hip - hop trộn lẫn khá nhiều với nhảy hiện đại, động tác nhẹ nhàng hơn nên các bạn nữ có thể tập được". Một nhóm khoảng 10 bạn nữ xếp hàng ở góc phòng đang thực hiện những động tác khá chậm, đẹp mắt và đều theo giọng hô của một cô gái tuổi chừng đôi mươi.

Vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, văn hóa hip-hop được khởi xướng từ những người da màu sống lang thang ở New York , Puerto Rician , Jamaica ... Phần lớn họ sống độc thân, không nhà cửa và có nhiều ẩn ức với đời sống, xã hội. Họ chứng tỏ sự tồn tại của mình bằng nhiều cách: dùng bình xịt sơn viết, vẽ lên tường; tạo ra  âm nhạc, điệu nhảy và phong cách ăn mặc riêng. Họ cho đó là cách chứng tỏ mình, thể hiện cá tính riêng và gọi là hip - hop. Hip - hop có bốn yếu tố: graffity (vẽ tường bằng bình xịt), Dj (chỉnh nhạc), MC (đọc rap trong nhạc) và breakdance. Tại Biên Hòa và ngay cả TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội đều chưa thấy xuất hiện loại hình vẽ tường do ở ta hành vi này được coi là vẽ bậy nơi công cộng. Dân "ghiền" hip - hop thường chỉ tập trung vào những điệu nhảy breakdance.

 

Thật ra, các "món" chính của nhảy hip - hop vẫn là poping ("giựt" các cơ bắp trên cơ thể), locking ("khóa" người và cử động như robot) và break. Trong đó, break có sức thu hút nhất đối với các bạn trẻ Biên Hòa. Đến phòng tập nào chúng tôi cũng thấy 3 - 4 nhóm nam thanh niên người ướt nhẹp mồ hôi, đang hì hục tập những động tác từ đơn giản đến phức tạp của breakdance như: đá "nai" (gập người, chân đá lên giống biểu tượng của hãng Nike), xoay đầu (đầu chúc xuống đất và xoay mòng mòng), cắt kéo, ngựa tay quay, lật đồng tiền... Khi chúng tôi hỏi tập những động tác nguy hiểm thế này không sợ tai nạn sao, anh Hải cho biết: "Chính mình cũng đã bị trầy xước, chảy máu, gãy tay gãy chân, đầu nện xuống đất. Nhưng đó là do mình là một trong những người tập môn này đầu tiên và chủ yếu là tự tập. Còn bây giờ, các bạn trẻ có người hướng dẫn kỹ thuật, lại thêm một số dụng cụ hỗ trợ nên đỡ hơn rất nhiều". Anh Hùng, người phụ trách hướng dẫn phòng tập tại Thành đoàn Biên Hòa, đưa ra kinh nghiệm: "Động tác nào cảm thấy thích hợp với người tập thì mình đưa ra cho họ, còn quá nguy hiểm thì thôi. Ở đây mình nghĩ chỉ có vài động tác là nguy hiểm thôi, (như lộn santo từ đằng trước ra đằng sau). Còn những động tác cắt kéo chỉ trầy xước tay thôi".

 

* Nhạc hip - hop "chế": những "biến tấu" đáng lo ngại

 

Âm nhạc theo phong cách hip - hop cũng được coi là thứ âm nhạc mạnh mẽ và không dành cho những người "yếu tim". Anh Hùng, trưởng nhóm hip - hop SB, cho biết: "Ở Việt Nam hầu như không có nhạc hip - hop đúng nghĩa. Đơn giản vì các bạn trẻ chỉ học được từ nước ngoài về thời trang hip - hop hay những điệu Breakdance, nhảy nhót sơ sơ. Còn những gì để phục vụ cho nhạc hip - hop chính thống như DJ (chỉnh nhạc) hay MC (hát rap) thì mình không có". Đúng như lời của anh Hùng, khi dạo một vòng những cửa hàng đĩa CD lớn trong TP. Biên Hòa, chúng tôi thấy hầu hết các đĩa nhạc hip - hop là của nước ngoài như: Hip-hop Việt chỉ mới xuất hiện gần đây trên sân khấu ca nhạc, mà tiên phong là các ca sĩ Đinh Tiến Đạt, Hồng Ngọc, nhóm The Bells, Thanh Thảo... cùng những nỗ lực "Việt hóa" nhạc hip - hop của họ. Âm nhạc hip - hop đúng nghĩa như của các nghệ sĩ phương Tây (Laurin Hill, Missy Elliot, Eminem...) thì hầu như không mấy bạn trẻ "nuốt trôi" được.

Những động tác nguy hiểm thế này nếu không có hướng dẫn kỹ thuật rất dễ gây thương tích cho người tập
Nhưng những biến thể của chúng khi du nhập vào cuộc sống đời thường thì dễ thấy. Nhiều bài rap nước ngoài có nội dung khá dung tục với những câu chửi thề rất đặc trưng lại được các bạn trẻ "vận dụng" khá "hồn nhiên" vào trong những bài rap Việt do mình "sáng tác". Trên thị trường băng đĩa lậu đã xuất hiện một số album nhạc hip - hop "tự chế" kiểu như: Hip - hop Vietnam (1, 2, 3...),17 ca khúc chọn lọc nhạc chế và hip - hop Vietnam : Đen tình đen bạc... Những bài rap "bẩn" trong các album này đều có thể tải miễn phí từ internet và hầu hết đều có lời ca cực kỳ ngô nghê, kiểu như: "Anh yêu em không phải vì em đẹp, mà vì em điên cuồng..." hay "Anh còn nói là anh còn tin cậy, anh hết nói là anh hết tin cậy...". Thậm chí, có những bài rất dung tục, nghe tựa đã thấy rợn người: Vì sao em có bầu?, Đen tình đen bạc... Đáng ngại là cách nói năng, diễn đạt như thế này đang ảnh hưởng đến một số bạn trẻ theo nhiều cách. Chúng tôi từng chứng kiến một học sinh lớp 7 nhảy múa trước mặt phụ huynh, Bị mẹ la mắng, cậu đáp lại rằng: "Con đã nói rất là rõ, chuyện nhỏ như con thỏ, như cái giỏ, mà má cứ cau có, cứ quạu cọ...". Có thể dễ dàng nhận ra đường đến với công chúng của những bài rap "bẩn" này: ai đó "say mê" âm nhạc hip - hop và có "ý tưởng sáng tác", liền tự ghi âm (bằng những phương tiện thu thanh đơn giản), rồi tung lên mạng cho mọi người tải về thoải mái. Giới làm băng đĩa lậu thấy ngon ăn liền gom lại thành một bộ "sưu tập" và tung ra thị trường. Đã đến lúc các ngành chức năng nên vào cuộc để dẹp thứ "rác" văn hóa này.

Minh Chánh - Kim Ngân

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều