Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả lại bình yên cho dòng sông

11:04, 15/04/2006

Bài 2 : Trên bến, dưới thuyền đều còn nhiều điều... bất ổn!
Trên hệ thống sông Đồng Nai chưa có nhiều cầu nên việc qua lại bằng đò ngang vẫn là cách chủ yếu của không ít người dân sống ven hai bờ. Việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vật liệu xây dựng bằng đường thủy vẫn được nhiều người lựa chọn hơn so với đường bộ vì tải trọng lớn. Tuy nhiên, các điều kiện để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức.

Đò ngang trên sông Đồng Nai hoạt động khá mạnh, nhưng nhiều phương tiện chưa trang bị đủ các thiết bị an toàn cần thiết

Trên hệ thống sông Đồng Nai chưa có nhiều cầu nên việc qua lại bằng đò ngang vẫn là cách chủ yếu của không ít người dân sống ven hai bờ. Việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vật liệu xây dựng bằng đường thủy vẫn được nhiều người lựa chọn hơn so với đường bộ vì tải trọng lớn. Tuy nhiên, các điều kiện để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức.

Đò ngang trên hệ thống sông Đồng Nai khá nhiều. Có những bến như: Đò Kho, đò Trạm, Xóm Lá, Đắc Lua, Thanh Sơn... có từ rất lâu đời. Hồi trước, những chủ đò thường dùng sức người chèo xuồng đưa khách sang sông. Những năm gần đây, trước yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông cũng như nhu cầu đi lại của người dân tăng lên nên nhiều nơi đã cho đóng phà sắt, phà gỗ, xuồng có gắn động cơ. Dù còn thô sơ hay bề thế thì những chiếc phà, xuồng đò cũng đóng góp một phần không nhỏ đưa công nhân đi làm, học sinh đến trường, hàng hóa của bà con đem đến chợ bán thuận tiện hơn. Thống kê của Phòng Vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông - vận tải cho biết, trên địa bàn tỉnh có 128 ghe khách các loại với sức chở trên 2.800 người, trong đó chủ yếu là đò ngang. Huyện Nhơn Trạch có nhiều đò ngang nhất (59 chiếc), tiếp đó là huyện Định Quán, huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.

Từ khi Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực đến nay các chủ bến đò, phương tiện đò ngang đã có nhiều cố gắng trong việc trang bị các thiết bị cần thiết đảm bảo cho an toàn giao thông. Phần lớn các phương tiện đò ngang đều trang bị đủ hệ thống phao nổi; chủ phương tiện có giấy phép mở bến, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; người điều khiển phương tiện có bằng lái... Tuy vậy, không phải tất cả các bến đò đều thực hiện đầy đủ các quy định như vậy. Ban Thanh tra giao thông tỉnh cho biết, năm 2005, qua kiểm tra phát hiện vẫn còn 6 bến đò ngang không có giấy phép kinh doanh, thiếu các thiết bị an toàn. Những vi phạm này nhiều nhất là ở các bến đò thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Trong đó có như trường hợp bến đò Lò Vôi do ông Nguyễn Văn Đỏ ở xã Bình Hòa làm chủ chưa có giấy phép mở bến, các trang thiết bị đều không đảm bảo an toàn. Còn ở bến đò Bình Lục do ông Đặng Văn Hiếu và ông Nguyễn Thành Nhan hợp tác khai thác thì không đăng ký, đăng kiểm phương tiện, người điều khiển đò không có bằng cấp chuyên môn, thiếu thiết bị an toàn. Sắp tới đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ triển khai việc yêu cầu các chủ đò ngang phải trang bị áo phao đủ số lượng và bắt buộc mọi hành khách phải mặc vào khi đi đò. Mặc dù chưa triển khai nhưng nhiều chủ đò kiến nghị "xin miễn" vào mùa khô vì làm như vậy khách không chịu đi đò!

Đó là với phương tiện trung bình hoạt động kinh doanh đưa rước khách. Còn tại điều 80 của Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng quy định đối với các phương tiện nhỏ hơn (dưới 5 tấn hoặc có động cơ dưới 5 mã lực, có sức chở đến 12 người) thì khi chở người phải có đủ chỗ ngồi, an toàn và  có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện. Để đảm bảo an toàn hơn, Sở Giao thông - vận tải còn cụ thể: Kể từ năm 2005 trở đi, tất cả các phương tiện có sức chở từ 1 tấn trở lên, phương tiện chở khách từ 5 người trở lên hoặc phương tiện có gắn động cơ cũng phải tiến hành đăng ký hành chính để kiểm soát. Quy định này đã được triển khai rộng rãi nhưng thực tế nhiều địa phương chưa thực hiện. Những phương tiện này chủ yếu do hộ gia đình ở các xã vùng sâu thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán hoặc trong hệ thống kênh rạch nhỏ ở huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch khai thác. Tuy nhiên, dù ở đâu, dù phương tiện của ai đi nữa thì "thủy thần" cũng không "chừa" nếu không đảm bảo an toàn.

Bên cạnh, với trách nhiệm của cảnh sát và thanh tra giao thông, của Sở Giao thông- vận tải thì chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND các phường, xã, thị trấn cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ an toàn giao thông đường thủy nội địa. Theo quy định, UBND cấp xã được quyền xác nhận cho mở bến đò ngang. Do đó, chính quyền cơ sở cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm như bến đò không đảm bảo an toàn, đò cũ nát, không có trang thiết bị cứu sinh, thường xuyên chở quá tải...

 Một lĩnh vực khác liên quan đến khai thác bến bãi trên sông là việc lập bến cảng. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng số 75 cảng, bến thủy nội địa. Trong đó tập trung chủ yếu tại TP.Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch. Nhưng hoạt động tấp nập nhất lại chính là các bến bốc dỡ vật liệu xây dựng thuộc địa bàn hai xã Hóa An và Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).

So với một năm trước thì tình hình hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn có nhiều tiến bộ. Hầu hết các bến cảng đã thực hiện theo đúng quy định, như: xây dựng hạ tầng cơ sở bến theo tiêu chuẩn, lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu về độ sâu, chiều ngang. Tuy nhiên, tình trạng một số bến hoạt động không phép vẫn tồn tại. Hàng năm, ngành thanh tra đường thủy đều tiến hành kiểm tra và phát hiện, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm như không có giấy phép, thiếu thiết bị an toàn... Trong đó, năm 2005 đã đình chỉ một bến do hoạt động không phép của doanh nghiệp tư nhân Trường Nguyên (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu). Cùng với đó là tình trạng một số bến dù có đầu tư nhưng sau một thời gian khai thác bến bãi xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được sửa chữa nên dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Ví dụ như năm 2004, tại xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) xảy ra vụ tai nạn tại một bến bãi làm chết người mà nguyên do là chủ bến đã thiếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhìn chung, mặc dù có nhiều cố gắng trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhưng nếu chỉ cố gắng từ các cơ quan quản lý chuyên ngành thì chưa đủ. Phòng kinh tế cấp huyện, UBND các phường, xã, thị trấn trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần vào cuộc. Và hơn hết, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tài sản của mình thì chủ phương tiện, bến bãi đường thủy nội địa cần nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trên lĩnh vực này.

Phong Vũ

 

Tin xem nhiều