Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ xã thời "click"

11:06, 26/06/2006

"Từ bây giờ tự tay mình sẽ soạn thảo báo cáo trực tiếp trên máy tính chứ không viết tay rồi nhờ bộ phận văn thư đánh máy như hồi trước nữa" - chị Huỳnh Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Lợi, huyện Định Quán hồ hởi khoe sau gần 2 tháng tham gia lớp học theo chương trình phổ cập trình độ A tin học cho cán bộ xã do Sở Khoa học và công nghệ (KHCN) tổ chức.

Giám đốc Sở KHCN Phạm Văn Sáng trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp phổ cập tin học trình độ A tổ chức tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành.

"Từ bây giờ tự tay mình sẽ soạn thảo báo cáo trực tiếp trên máy tính chứ không viết tay rồi nhờ bộ phận văn thư đánh máy như hồi trước nữa" - chị Huỳnh Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Lợi, huyện Định Quán hồ hởi khoe sau gần 2 tháng tham gia lớp học theo chương trình phổ cập trình độ A tin học cho cán bộ xã do Sở Khoa học và công nghệ (KHCN) tổ chức.

 

* Từ bài học vỡ lòng

 

Những buổi học đầu tiên, khi thầy hướng dẫn giới thiệu nào bàn phím, con chuột, ổ đĩa, phần mềm, phần cứng... thì từ phía dưới học viên (có đến hơn một nửa quá 40 tuổi) nhìn lên bằng ánh mắt tròn xoe, lạ lẫm pha lẫn những tiếng thở dài, ngao ngán. Thầy hướng dẫn không thể giảng suông mà phải cầm tay chỉ việc, theo sát từng học viên. Những buổi học tiếp theo, lớp học hào hứng hẳn lên, học viên đã biết thế nào là click trái, click phải. Việc điều khiển con chuột chỉ còn là chuyện đơn giản. Học đều đặn gần hai tháng, học viên Huỳnh Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đã hồ hởi khoe: "Từ bây giờ tự tay mình sẽ soạn thảo báo cáo trực tiếp trên máy tính chứ không viết tay rồi nhờ bộ phận văn thư đánh máy như hồi trước nữa". Ngồi cạnh bên là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Xuân Lâm. Ở tuổi 47, việc tiếp cận máy tính đối với ông là chuyện khá vất vả nhưng ông tin tưởng rằng: "Không bao lâu nữa, khi cần tìm tài liệu cho công tác khuyến nông, tôi sẽ truy cập internet ở phòng thông tin khoa học công nghệ tại xã chứ không phải đi đâu xa".

Đều đặn gần 2 tháng nay, cứ đầu giờ chiều các ngày thứ hai, tư và sáu trong tuần, cán bộ xã Phú Lợi và Phú Vinh trở thành học viên của lớp tin học. Lớp học đặt tại trụ  sở UBND xã Phú Vinh. Đây là một trong những lớp phổ cập tin học cho cán bộ xã đầu tiên do Sở KHCN khởi xướng. Một lớp học thí điểm cũng được mở tại xã Phú Thịnh nhằm phổ cập cho cán bộ xã nhà và xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) thầy Nguyễn Văn Hoàng Tâm, giáo viên Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú - chịu trách nhiệm đứng lớp bộc bạch: "Dạy những lớp này khá cực vì học viên đã lớn tuổi, khả năng tiếp thu chậm. Ban đầu tiếp cận với máy tính ai cũng có tâm lý ngán ngại. Nhưng có một điều là họ rất chịu khó, rảnh lúc nào là tranh thủ lên phòng máy dù không đúng giờ học của mình". Anh Trần Thanh Hùng, cán bộ phụ trách chính sách xã hội xã Phú Thịnh nói rằng, cách đây 2 tháng chưa bao giờ anh nghĩ mình đi học tin học. "Nhưng bây giờ thì mới thấy công việc của mình cần lắm. Quản lý hồ sơ, sổ sách bằng vi tính thì tiện lợi, rõ ràng hơn nhiều"- anh Hùng thừa nhận.

 

* Hiệu quả bước đầu của một chương trình

 

Trong một chuyến khảo sát về hoạt động của đội ngũ cán bộ cấp xã, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Tới không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều nơi trong tỉnh đã trang bị được máy vi tính nhưng lại bỏ không vì ít người biết sử dụng, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là thiếu cơ sở đào tạo tin học và quan trọng hơn là cán bộ xã ngại... học. Chính vì vậy, chương trình hỗ trợ phổ cập tin học trình độ A cho cán bộ xã đã ra đời và chính thức khai giảng lớp đầu tiên vào tháng 9-2005 tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành).

Ông Phạm Văn Sáng, giám đốc Sở KHCN cho biết mục tiêu mà chương trình muốn mang lại là tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ xã được tiếp cận với tin học, được học và sử dụng thành thạo máy vi tính, phục vụ cho công việc. Những cán bộ được chọn đào tạo chẳng những không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ tiền để theo học. Máy móc, thiết bị được Trung tâm phần mềm (thuộc Sở KHCN) chuyển xuống phục vụ lớp học.Thầy giáo được Sở mời từ TP. Hồ Chí Minh về giảng dạy. Liên tiếp 3 tháng, thầy vừa dạy, vừa quản lý lớp vừa kiêm luôn thợ sửa chữa máy móc và ăn ở ngay tại xã. Có điều kiện gần gũi với thầy dạy nên 17 học viên tham gia lớp học thí điểm đầu tiên ở xã Bình Sơn không ai bỏ lớp và đỡ ngại ngùng hơn về trình độ của mình. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch HĐND xã Bình Sơn cho biết: "Khi bắt đầu tham gia lớp học, tôi rất ngại vì không tự tin vào khả năng của mình và chỉ sợ là mình không theo nổi. Nhưng đến bây giờ thì trình độ của tôi đã nâng lên rất nhiều. Tôi đã có thể làm chủ được chiếc máy vi tính và từ đây, công việc của tôi sẽ trở nên thuận tiện hơn trước nhiều".

"Bất ngờ lớn nhất mà chương trình mang lại là ngoài các học viên là cán bộ xã, ấp được cử đi học theo diện miễn học phí, lớp học còn thu hút được 20 học viên khác không thuộc đối tượng là cán bộ xã, ấp theo học và tự đóng học phí"- ông Phạm Văn Sáng nói. Đây là một thành công vì điều này chứng tỏ người dân đã có nhu cầu được nâng cao trình độ của mình và những lớp học như thế ở những xã vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng được nhu cầu này của họ. Ngay khi chương trình thí điểm đầu tiên chưa kết thúc, nhiều địa phương trong tỉnh đã đăng ký với Sở KHCN được triển khai chương trình này tại địa phương mình. Chính vì vậy, Sở quyết định mở rộng diện thí điểm tới một số xã vùng xa khác trong tỉnh vừa để đáp ứng nhu cầu của địa phương, vừa nhằm kiểm định kết quả mà chương trình đem lại. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành một số các cụm đào tạo tin học cho đội ngũ cán bộ cấp xã ở các huyện Định Quán (220 học viên), Tân Phú (55 học viên), huyện Xuân Lộc (60 học viên) Sở KHCN cũng đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho nhân rộng mô hình này nhằm phổ cập hóa tin học cho cán bộ, nhân dân những xã vùng sâu, vùng xa từ nay đến năm 2010.

Thu Trang - Nguyễn Phượng

 

Tin xem nhiều