Báo Đồng Nai điện tử
En

Đắc Lua chủ động phòng chống lũ

11:08, 15/08/2006

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp. Vùng Đông Nam bộ thuộc khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, đặc biệt là ở xã Đắc Lua, nơi được xem là "rốn lũ" của huyện Tân Phú, có khả năng sẽ xuất hiện lũ lớn. Do vậy, việc chủ động phòng tránh lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản là chuyện thời sự của chính quyền và người dân Đắc Lua hiện nay...

Nước lũ đã ngấp nghé tỉnh lộ 721.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp. Vùng Đông Nam bộ thuộc khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, đặc biệt là ở xã Đắc Lua, nơi được xem là "rốn lũ" của huyện Tân Phú, có khả năng sẽ xuất hiện lũ lớn. Do vậy, việc chủ động phòng tránh lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản là chuyện thời sự của chính quyền và người dân Đắc Lua hiện nay...

 

Về thăm Đắc Lua vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy nước sông Đồng Nai ở vùng thượng nguồn đang lên rất nhanh. Phía bên hữu ngạn dòng sông, nơi có tỉnh lộ 721 nối liền thị trấn Mađagui - Đạ Tẻ - Nam Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, mức lũ đã mấp mé mép đường. Còn bên  phía tả ngạn thuộc xã Đắc Lua, nơi có bến phà trung tâm của xã, chiếc chẹt sắt (phương tiện giao thông duy nhất nối liền hai bờ sông Đồng Nai của người dân nơi đây) đã được neo chặt vào bờ, ngưng hoạt động vì nước quá lớn. Mọi việc đi lại của bà con sang sông trong lúc này đều dựa vào chiếc xuồng máy để đảm bảo an toàn. Anh Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua cho biết, địa bàn Đắc Lua là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của việc xả đập Đa Nhim và nước từ vùng thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về mỗi khi có mưa lớn nên hàng năm vào khoảng tháng 8 - 9 thì Đắc Lua thường bị lũ lụt không lớn thì nhỏ. Liên tiếp trong 2 năm 1999- 2000, Đắc Lua gánh chịu 2 trận lũ lớn làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân. Do lũ xuất hiện khá bất ngờ, không theo chu kỳ nhất định nên chủ động phòng tránh lũ để giảm thiệt hại là việc làm mà chính quyền và người dân Đắc Lua thường xuyên chú ý khi mùa mưa lũ đang trong giai đoạn cao điểm. Anh Hải còn cho biết thêm, thông thường hàng năm khi có lũ xuất hiện thì ở Đắc Lua có 4/12 ấp với gần 100 hộ dân bị ngập chìm trong nước. Vì vậy, việc di dời số hộ này lên vùng cao an toàn là việc làm cấp bách đã được Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của xã tính đến. Mấy năm vừa qua, xã đã chuẩn bị xong khu tái định cư cho số hộ này ở khu vực đồi cao thuộc địa bàn ấp 4. Hiện nay đã có 74 hộ đăng ký di dời về nơi ở mới có nhà cửa hẳn hoi. Trong số này có khoảng 60 hộ đã hoàn thành việc di dời người và tài sản lên đồi. Số còn lại, bà con đã di dời tài sản nhưng người còn ở lại để tranh thủ sản xuất khi nước lũ chưa về. Nhờ sống chung với lũ trong nhiều năm nên bà con cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mùa vụ.

Chuyến đò ngang hoạt động cầm chừng ở ấp trung tâm Đắc Lua khi lũ chưa lớn.

Hiện nay, ở các vùng trũng, bà con đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Có lẽ do thường xuyên phải đối diện với lũ nên việc phòng tránh lũ của bà con cũng khá bài bản. Trong những vùng thường bị nước lũ ngập nặng, nhiều gia đình đã chuẩn bị dự trữ từ 15-20 ngày lương thực, thực phẩm phòng khi lũ lớn không bị thiếu đói.

Về phía chính quyền, trong tháng 7-2006, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của xã đã chuẩn bị các loại phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Bên cạnh số phương tiện như ghe, xuồng, áo phao được trên trang bị cứu nạn và di dời dân, địa phương cũng đã vận động nhiều hộ có phương tiện xe cải tiến, máy xới tham gia vào lực lượng cứu hộ. Hiện nay ở Đắc Lua, khó khăn nhất của người dân là phương tiện đi lại. Do nằm giữa hai nhánh sông Đồng Nai nên khi muốn giao lưu, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bà con chỉ dựa vào phương tiện duy nhất là đò, phà. Tuy nhiên, trong mùa lũ các loại phương tiện nêu trên đã phải đình chỉ hoạt động. Trong số 3 bến đò, 1 phà, 2 cầu phao trên địa bàn xã thì xã chỉ cho phép 1 bến đò ở ấp trung tâm và 1 cầu phao ở ấp 7 tạm thời còn hoạt động để giải quyết các nhu cầu cấp bách của người dân. Khi nào nước lũ về nhiều, các bến đò, cầu phao nêu trên cũng phải ngưng hoạt động để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi qua lại trên sông.

   Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều