Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối tượng nào được mua bảo hiểm y tế tự nguyện?

10:08, 08/08/2006

Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mang ý nghĩa nhân đạo và cộng đồng sâu sắc, được triển khai từ năm 2004. Đây là hình thức đóng góp một số tiền trong thời gian nhất định để tạo nguồn kinh phí chăm sóc, bảo vệ sức khỏe khi người tham gia không may bị đau ốm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp người dân mua BHYT tự nguyện lại bị các đại lý khước từ. Vậy, đối tượng nào được mua BHYT tự nguyện?

Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mang ý nghĩa nhân đạo và cộng đồng sâu sắc, được triển khai từ năm 2004. Đây là hình thức đóng góp một số tiền trong thời gian nhất định để tạo nguồn kinh phí chăm sóc, bảo vệ  sức khỏe khi người tham gia không may bị đau ốm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp người dân mua BHYT tự nguyện lại bị các đại lý khước từ. Vậy, đối tượng nào được mua BHYT tự nguyện?

 

Trả lời những thắc mắc của người dân về việc không mua được BHYT tự nguyện, giám đốc BHXH TP. Biên Hòa  Nguyễn Văn Thành cho biết, TP. Biên Hòa  hiện có 435.000 dân và 92.208 hộ. Trong khi đó, số người tham gia BHYT tự nguyện chỉ mới đạt 1,8%/ tổng số người không nằm trong diện mua BHYT bắt buộc hoặc thuộc các đối  tượng chính sách. Tỷ lệ này cho thấy còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Quy định bắt buộc cả nhà phải tham gia BHYT (trừ những đối tượng không nằm trong diện tự nguyện) là nhằm hạn chế bán BHYT cho những đối tượng mắc bệnh kinh niên hoặc lớn tuổi (thường xuyên bị bệnh). Bên cạnh đó, năm 2005, mức đóng BHYT tự nguyện chỉ 100.000 đồng/người/năm, đến năm 2006 tăng lên 150.000 đồng/người/năm. Mức đóng mới này cũng làm nhiều người thắc mắc, nhưng nếu tính theo tỷ lệ trượt giá thì giá thuốc cũng tăng theo. Thêm nữa, giả sử đem chia mức đóng BHYT tự nguyện như hiện nay cho 12 tháng thì mỗi tháng người tham gia chỉ phải đóng  13.500 đồng. Đây là số tiền không cao khi người tham gia BHYT tự nguyện không may bị đau ốm. Chẳng hạn, rất nhiều trường hợp BHXH phải thanh toán tiền BHYT với số tiền cao gấp 10 lần số tiền người đó tham gia đóng hàng tháng. Điều này đã dẫn đến chỗ ngành BHXH cả nước phải "bù lỗ" nặng trong một vài năm gần đây. Riêng ở Đồng Nai, trong năm 2005 mức chi BHYT bị âm vài chục tỷ đồng, còn 6 tháng đầu năm 2006, mức chi đã âm 16 tỷ đồng. Ông Thành còn lưu ý, quyền lợi của người tham gia BHYT nói chung theo quy định mới đều được mở rộng. Cụ thể, người tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi mà trước đây bị hạn chế, đó là:  được chọn cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; được khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB), kể cả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cũng như thuốc, dịch truyền trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế... Đối với dịch vụ y tế kỹ thuật cao có mức phí dưới 7 triệu đồng  thì được cơ quan BHXH thanh toán 100% chi phí của một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó... Như vậy, cơ số thuốc so với trước, cũng như chất lượng thuốc và điều kiện, KCB được mở rộng hơn rất nhiều. "Tôi cho rằng, với những quy định  để có thể được tham gia BHYT tự nguyện là điều hợp lý. Và như đã trình bày, thời gian gần đây ngành BHXH đã phải liên tục bù lỗ cho lĩnh vực BHYT, điều này cũng có nghĩa mức thu từ khoản này (đặc biệt là BHYT tự nguyện) còn rất hạn chế nhưng Nhà nước vẫn quan tâm chỉ đạo phục vụ tốt người bệnh. Dĩ nhiên theo tôi,  cũng cần phải điều chỉnh một số mặt công tác trên lĩnh vực này, chẳng hạn như: tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn quỹ  BHYT, thường xuyên kiểm tra số người tham gia BHYT tự nguyện để tránh sai sót việc cấp thẻ "lầm" cho đối tượng không đúng quy định ...". Ông Thành nói.

Tạ Nguyên

Tin xem nhiều