Báo Đồng Nai điện tử
En

Nạn trộm cát vẫn “lập lờ” tồn tại

10:09, 13/09/2011

Trong tháng 8-2011, Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh.

Trong tháng 8-2011, Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh.

* Tái diễn nạn trộm cát

Vào ban ngày người ta có thể thấy các ghe bơm hút cát đậu trong các lùm cây ở cù lao Cỏ (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), hoặc chen chúc trong khu vực bè cá giáp ranh hai phường Thống Nhất và Tân Mai (TP.Biên Hòa). Những người thường đi qua bến đò An Hảo (cù lao Hiệp Hòa - phường An Bình) vào ban đêm cho biết, thường thấy ghe trộm cát hoạt động ở khu vực gần đó. Hàng đêm, từ khoảng 21 giờ 30 trở đi, có khoảng 3 ghe từ hướng phường Tân Mai đến hút trộm cát ở khu vực sông Cái, đoạn ngang đình Long Quới, rồi đem bán ở một bãi cát gần đó. Khoảng 23 giờ ngày 5-9, có 3 ghe đang hút cát trộm ở khu vực sông Cái ở giữa cù lao xã Hiệp Hòa và cù lao Cỏ. Khi lực lượng phối hợp của Phòng Tài nguyên - môi trường thành phố ập đến kiểm tra, 2 ghe bỏ chạy mất dạng, 1 ghe chạy không kịp nên các đối tượng đã nhảy xuống sông lẩn trốn, bỏ lại chiếc ghe đã hút trộm được gần 4 khối cát. Chiếc ghe trộm cát vô chủ đã được kéo về trụ sở PC68 chờ xử lý.

Xáng cạp “nạo vét” luồng trên sông Đồng Nai, đoạn ngang ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), múc trúng sình đất thì trả lại lòng sông, chỉ múc lấy cát.
Xáng cạp “nạo vét” luồng trên sông Đồng Nai, đoạn ngang ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), múc trúng sình đất thì trả lại lòng sông, chỉ múc lấy cát.

Ngoài khu vực nêu trên, trước đợt cao điểm truy quét, trên sông Đồng Nai còn có các điểm mà bọn trộm cát thường hoạt động, như: cù lao Hiệp Hòa, bến đò Xóm Lá (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) và một số điểm ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Anh Phạm Tuấn Dũng (ở khu C, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa) bức xúc cho biết, hơn 2 tháng nay, có một xáng cạp cứ luẩn quẩn ở khúc sông gần nhà anh múc cát. Khi gàu xáng múc nhằm sình đất thì người điều khiển lại quăng trở lại lòng sông, đến khi múc được cát họ mới đổ lên sà lan. Được biết, đây là một trong hai xáng cạp thực hiện nạo vét luồng cho một bến thủy nội địa ở phường Bửu Long.  Đoạn sông được cho phép nạo vét dài khoảng 5km, từ đoạn ngang cầu Ông Tiếp (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đến xã Bình Hòa, với thời gian nạo vét khoảng 6 tháng, kể từ tháng 5-2011. Thế nhưng, không hiểu sao xáng cạp nói trên thường hoạt động ở khúc sông gần nhà anh Dũng và chỉ múc lấy cát đem đi chỗ khác còn sình đất lại trả về lòng sông.

Những người dân có nhà ven bờ sông ở khu vực này cho biết thêm, vào ban đêm còn có một số ghe hút cát xuất hiện và hoạt động quanh quẩn khu vực xáng cạp này.

* Kiểm tra lòi ra sai phạm

Báo cáo của PC68 cho biết, ở Đồng Nai hiện có 5 mỏ cát có giấy phép khai thác, gồm 2 mỏ trên lòng hồ Trị An, 2 mỏ trên sông La Ngà và 1 mỏ trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Trong đó, 2 mỏ trên lòng hồ Trị An tạm ngừng hoạt động vì mực nước lòng hồ còn thấp, 1 mỏ trên sông La Ngà tạm dừng hoạt động vì chưa đủ thủ tục pháp lý và điều kiện an toàn. Trong đợt cao điểm kiểm tra vừa qua, tất cả các mỏ này đều tạm dừng hoạt động. Như vậy, ngoài 5 mỏ cát được UBND tỉnh cho phép khai thác đã nêu, trên sông Đồng Nai, đoạn từ dưới đập Trị An đến hạ nguồn không có mỏ cát nào được phép khai thác. Như vậy, các bến bãi bán cát khai thác từ sông Đồng Nai (hạt cát to, màu vàng và sáng hơn so với cát có nguồn gốc ở miền Tây) ở phía hạ lưu khó thể có nguồn cát hợp pháp. Nhưng từ khi có nguồn cát tận thu từ xáng cạp “nạo vét” nói trên, các bến bãi kinh doanh cát đã lợi dụng để mua bán cát khai thác từ sông Đồng Nai (bất kể từ nguồn nào), vì đã có lý do cát mua từ nguồn tận thu.

Qua đợt cao điểm kiểm tra của PC68 phối hợp với các đơn vị Cảnh sát môi trường, Cảnh sát kinh tế, Thanh tra giao thông tỉnh về hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên đường thủy nội địa Đồng Nai, từ ngày 20-6 đến 20-8, đã phát hiện 26 bến kinh doanh cát có giấy phép nhưng hết thời hạn hoạt động, 24 bến không có giấy phép hoạt động, 8 bến không có giấy phép kinh doanh, 36 bến không có hóa đơn, chứng từ kinh doanh (mua vào, bán ra). Trong đó, các địa phương ven hạ nguồn sông Đồng Nai (bị cấm khai thác cát) có nhiều bến cát vi phạm hóa đơn chứng từ nhất, như: TP.Biên Hòa có 7 bến, huyện Long Thành 8 bến, huyện Nhơn Trạch 9 bến. Các địa phương này cũng là nơi bị phát hiện nhiều phương tiện bơm hút cát trái phép nhất trong các năm qua. Từ đây có thể thấy mối liên hệ nào đó giữa các bến kinh doanh cát vi phạm với nguồn cung cấp cát khai thác trái phép vì mua bán không có chứng từ hóa đơn.

Các ghe bơm hút trộm cát ở huyện Nhơn Trạch bị tạm giữ ở Phòng PC68.
Các ghe bơm hút trộm cát ở huyện Nhơn Trạch bị tạm giữ ở Phòng PC68.

Có ý kiến cho rằng, một số bến kinh doanh mua cát có hóa đơn chứng từ đàng hoàng từ nguồn cát tận thu nạo vét, đồng thời họ mua cát từ các ghe bơm hút trộm. Sau đó, họ lập lờ giữa hai nguồn cát và có thể đàng hoàng bán cát khai thác từ sông Đồng Nai mà không bị coi là tiêu thụ cát trộm. Các ghe trộm cát cũng có thể lập lờ trong việc vận chuyển cát hút trộm và vận chuyển cát mua lại hoặc vét dọn trên các sà lan vận chuyển cát tận thu. Một lãnh đạo ở PC68 cho biết, các xáng cạp nạo vét luồng không phải là phương tiện của quân đội (đơn vị được phép thực hiện nạo vét luồng cho bến thủy nội địa ở phường Bửu Long). Đây là phương tiện tư nhân hợp đồng nên có thể họ đã “luồn lách” để khai thác cát, thay vì lo nạo vét luồng theo hợp đồng. Và hoạt động lập lờ này đã tạo điều kiện cho nạn khai thác và mua bán cát khai thác trộm có cơ hội hoạt động.

Trong tham luận trình bày tại hội nghị do Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an) tổ chức mới đây, thượng tá Lưu Minh Tâm, Phó trưởng Phòng PC68, đã có kiến nghị: UBND các địa phương (cấp xã đến cấp huyện) cần tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản trên các tuyến đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động bơm hút cát trái phép trên sông, rạch thuộc địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm đối với cá nhân, tập thể sống trên sông, vốn chủ yếu dựa vào thu nhập từ việc khai thác cát, sỏi từ lòng sông…

Đây có thể là giải pháp cần được thực hiện triệt để để chấm dứt nạn khai thác cát trái phép hoành hành lâu nay trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh.           

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều