Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng Chăm khởi sắc

08:03, 09/03/2012

Mặc cho trời trút nắng lên người, chị Biyi (ở làng Chăm, ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) vẫn dửng dưng đội nắng ra đồng. Chỉ tay về phía ruộng lúa đang thời kỳ làm đòng của gia đình, chị Biyi nói: “Từ ngày có hệ thống thủy lợi, cây lúa không còn phụ thuộc vào nước trời. Do sản xuất được 3 vụ trong năm nên đồng bào mình không sợ thiếu gạo ăn”.

Mặc cho trời trút nắng lên người, chị Biyi (ở làng Chăm, ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) vẫn dửng dưng đội nắng ra đồng. Chỉ tay về phía ruộng lúa đang thời kỳ làm đòng của gia đình, chị Biyi nói: “Từ ngày có hệ thống thủy lợi, cây lúa không còn phụ thuộc vào nước trời. Do sản xuất được 3 vụ trong năm nên đồng bào mình không sợ thiếu gạo ăn”.

* Đổi thay từ suy nghĩ

Cầm trên tay bản vẽ công trình nhà văn hóa làng Chăm, ông Mohamed Nooru Deer (trưởng ấp 4) tự hào khoe: “Công trình trị giá trên 5 tỷ đồng này tỉnh sẽ đầu tư xây tặng cho làng mình. Từ ngày đồng bào mình định canh - định cư đến nay, Đảng và Nhà nước đã đầu tư rất nhiều công trình bề thế, như: trường tiểu học, trường mầm non; đường giao thông; điện lưới; hệ thống thủy lợi và nước sạch…, giúp cho đời sống đồng bào mình thêm văn minh, tiến bộ”.

Ông Deer  nhìn ngắm bản vẽ nhà văn hóa làng Chăm với sự hãnh diện.
Ông Deer nhìn ngắm bản vẽ nhà văn hóa làng Chăm với sự hãnh diện.

Sau đó, ông Deer dắt xe máy ra chở chúng tôi đi thăm cảnh làng. Đi qua một con đường bụi, ông Deer lại khoe tiếp, đoạn này đang trong quá trình san mặt bằng để bê tông hóa, toàn bộ kinh phí làm đường đều do huyện và tỉnh đầu tư. Rồi ông phóng thẳng xe máy ra đồng để chúng tôi nhìn ngắm những ruộng lúa xanh tốt, những rẫy điều trĩu quả và mì phơi trắng mặt đất.

Tấp xe máy vào một bụi cây ven đường, ông Deer nói một tràng tiếng Chăm. Ngay lập tức, một nông dân đang rải phân dưới ruộng leo lên bờ tiếp chuyện chúng tôi. Người đàn ông này (tên Chau Cooc) cho biết, nhờ hệ thống thủy lợi, các cánh đồng lúa ở đây đều trồng được 3 vụ lúa trong năm. “Năng suất lúa ở đây chỉ hơn 6 tấn/hécta, tuy không bằng các nơi khác nhưng đồng bào mình vẫn ưng cái bụng, vì trồng lúa không còn phụ thuộc vào nước trời. Cây điều, cà phê, mì, bắp, con bò… mùa nắng vẫn không bị khát nước. Làng Chăm mình được như hôm nay, bản thân mình vui mừng lắm và luôn khắc ghi trong lòng sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương”- ông Chau Cooc bộc bạch.

Chúng tôi cứ vậy theo sau ông Deer thăm hết đồng này đến rẫy khác. Ngoài đồng, mặc cho nắng trưa tháng 3 gay gắt, phụ nữ Chăm vẫn chăm chỉ đội nắng hái điều, chặt mì, dặm lúa. Bên bờ ruộng lúa vụ 3, chị Biyi thổ lộ, nhờ ơn Đảng đồng ruộng luôn no nước, về đến nhà mọi người có sẵn nước máy để tắm giặt. Đồng bào của chị, ai cũng hăng hái cấy cày để lo lương thực, làm giàu. Chuyện trường lớp, đường đi, văn hóa đã có Nhà nước chăm lo nên đồng bào ai cũng vui cái bụng”- chị Biyi cho hay.

Trốn nắng dưới bóng cây bên đường, ông Deer chỉ tay về phía làng, nơi có thánh đường Chăm uy nghi cho biết, hiện trong làng có trên 15 con em theo học đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Nhiều con em sau khi ra trường về địa phương công tác, như: cô giáo giữ trẻ Hap Sgoh, dược tá Mari Yah… “Đảng và Nhà nước đã lo cho đồng bào Chăm rất nhiều thứ. Nay bà con chỉ việc động viên con em ham học, học giỏi để lên tỉnh, khu công nghiệp làm công nhân hoặc làm thợ lành nghề. Do đất đai trong làng không sinh sản thêm nên chúng tôi luôn khuyên dạy con cháu phải gắng sức học văn hóa. Ngoài ra, con em trong làng còn được các thầy: Ipro Him, Man Sour, Abdo Hamit… dạy chữ và truyền thống Chăm nữa”- ông Deer tự hào nói.

* Nhộn nhịp làng Chăm

Làng Chăm của người già Youso, trưởng ấp Deer có 289 hộ/1.900 nhân khẩu. Dân cư trong làng sinh sống tập trung dọc theo các tuyến đường bàn cờ, tại 11 tổ nhân dân trên địa bàn ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Theo những người già trong làng Chăm ấp 4, làng được thành lập vào những năm 1973, cư dân của làng được quy tụ từ các nơi, như: Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Campuchia. Những ngày đầu, cuộc sống của đồng bào Chăm chủ yếu dựa vào nghề khai thác rừng, trồng lúa rẫy và chăn thả tổng đàn gia súc, như: trâu, bò, dê... “Tuy đồng bào đã được định canh - định cư một chỗ, nhưng tập quán phá rừng làm rẫy dẫn đến rừng mất, nghèo khó vẫn hiện diện khắp làng. Mãi đến năm 1988, Nhà nước xây dựng cho làng hệ thống thủy nông để làm lúa nước 3 vụ, đầu tư các công trình về đường - điện - nhà ở - nước sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo… Từ đó, đời sống trong làng dần khởi sắc, tiến bộ, văn minh, 100% trẻ em đến tuổi được đi học”- già Youso chỉ vào ngôi trường to đẹp đối diện với nhà của già nói.

Cô giáo mầm non Mari Yah đang dạy cho trẻ em Chăm làm quen với nét chữ.
Cô giáo mầm non Mari Yah đang dạy cho trẻ em Chăm làm quen với nét chữ.

Nhìn sân trường phân hiệu Chăm có rất nhiều trẻ em với nước da ngăm đen trong màu áo học trò đùa giỡn cùng chúng bạn, già Youso tiếp lời, ấp 4 có 4 thành phần dân tộc cùng sinh sống, gồm: Kinh, Chăm, S’Tiêng, Nùng. Các công trình hạ tầng Nhà nước đầu tư cho làng Chăm thì các thành phần dân tộc khác cũng được chia sẻ, thụ thưởng. Từ năm 2000 trở đi, thanh niên trong làng phần lớn hướng về thành thị, vùng kinh tế phát triển xin việc làm. Trong phong trào thực hiện nếp sống văn hóa mới, đồng bào người Chăm của già vẫn còn giữ nhiều nếp đẹp trong sinh hoạt, lễ hội, tục cưới xin. “Mình được lên tỉnh, trung ương dự họp, giao lưu cùng các dân tộc anh em rất nhiều lần. Chính vì vậy, mình luôn khuyên dạy con cháu phải ham học, lao động giỏi, chung tay cùng chính quyền địa phương trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới”- già Youso bộc bạch.

Làng Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) hiện còn trên 100 hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới). Ông Deer, trưởng ấp 4 cho hay, số hộ nghèo là do mới tách hộ nên thiếu đất sản xuất. Tuy vậy, trong nay mai những hộ này sẽ sớm thoát nghèo nhờ chính sách cho vay vốn tạo việc làm tại chỗ hoặc giới thiệu về các nhà máy, xí nghiệp để làm công nhân. “Con cháu trong làng ngày càng có nhà to và đẹp hơn cha mẹ. Điều đó chúng tôi luôn tự hào và vững niềm tin vào con cháu của mình”- ông Deer tâm sự.

Là thế hệ định cư thứ hai của làng, ông Deer là người vạm vỡ thể lực, đầu óc minh mẫn và thông thuộc văn hóa Chăm. Do giỏi việc nhà, đảm việc làng nên ông được bà con, chính quyền địa phương cử làm trưởng ấp và phụ trách dạy tiếng Chăm cùng những tri thức khác của làng. Ông Deer cho biết, đồng bào Chăm ở ấp 4 luôn nhớ ơn Đảng, Nhà nước. Cuộc sống bà con trong làng Chăm ngày càng no đủ, sung túc, văn minh, tiến bộ là nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương luôn chung vai sát cánh với bà con.

Rời làng Chăm trong cảnh trẻ em Chăm nô nức trên đường làng để trở về nhà, xa dần những thửa ruộng lúa đang làm đòng, những vườn cây xanh tốt, các nông dân trong trang phục truyền thống ra đồng thu hoạch nông sản ngày mùa…, chúng tôi vẫn nghe vẳng bên tai lời tâm sự của cô giáo mầm non Mari Yah (22 tuổi) trước lúc chia tay: “Mình là cô giáo Chăm duy nhất ở đây. Sau khi đi học, được quay về phục vụ dân làng, mình vui và hạnh phúc lắm”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều