Báo Đồng Nai điện tử
En

Côn Đảo, ngày trở về... (Bài 4)

09:07, 24/07/2012

37 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của những người cựu tù chính trị Côn Đảo không sao quên được niềm vui sướng tột cùng trong ngày hay tin giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn tự do, độc lập.

 Nổi dậy giải phóng Côn Đảo

37 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của những người cựu tù chính trị Côn Đảo không sao quên được niềm vui sướng tột cùng trong ngày hay tin giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn tự do, độc lập.

Với những người đã từng ở Trại 7 vào giờ phút thiêng liêng đó, ý nghĩa này càng tăng lên gấp bội, bởi đây chính là nơi nổi dậy đầu tiên để giải phóng Côn Đảo. Năm 1972, khi bị đưa ra Côn Đảo, ông Nguyễn Thành Thơ (huyện Long Thành) chỉ mới là một cậu bé 17 tuổi, nhưng bị kêu án đến 15 năm khổ sai. Cậu bé chưa qua hết tuổi thiếu niên ấy bị giam ở Trại 7, nơi được mệnh danh là Chuồng cọp Mỹ.

* Từ chuồng cọp pháp đến chuồng cọp Mỹ

Ở Chuồng cọp Mỹ, tính chất khắc nghiệt nhằm hành hạ, tra tấn tinh thần và thể xác tù nhân chính trị tinh vi và độc địa hơn cả khu Chuồng cọp Pháp. Xây dựng vào năm 1971, phía ngoài cổng Trại 7 có dãy bếp ăn tập thể thoáng đãng dành cho tù nhân nên thoạt nhìn có vẻ rất “nhân đạo”, nhưng các phòng dãy phòng giam bên trong rất chật chội, ẩm thấp và ngột ngạt gấp mấy lần Chuồng cọp Pháp.

Ông Nguyễn Thành Thơ kể lại chuyện ngày giải phóng Côn Đảo ở Trại 7.
Ông Nguyễn Thành Thơ kể lại chuyện ngày giải phóng Côn Đảo ở Trại 7.

Trại 7 gồm 4 khu, mỗi khu lại chia ra làm 2 dãy, với mỗi dãy có 48 phòng, phòng nào cũng có 2 lớp cửa sắt nặng nề, mỗi lần đóng cửa là lại vang lên tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc. Tối nào bọn lính cũng kéo cửa các phòng để kiểm tra, sau đó cố tình đóng mạnh cửa để tạo tiếng ồn. Mỗi đêm, những người tù chính trị ở Trại 7 đều phải nghe 192 tiếng đóng cửa ầm ầm tức cả ngực. Đó là một trong những đòn tra tấn tinh thần tinh vi, mà không kém phần độc địa của kẻ thù.[links(right)]

Phòng giam ở Trại 7 cũng không có bục nằm, người tù phải thay phiên nhau nằm trên nền đất ẩm thấp, ngay cạnh thùng phân hôi thối của chính mình. Mùa mưa, nước tràn vào ngập cả nền phòng giam, người tù lúc đó chỉ có thể ngủ ngồi bên cạnh vô số rác rưởi, phân trôi lềnh bềnh. Mùa nắng, những tấm lợp fibrocement trên nóc thấp lè tè cứ phả hơi nóng hừng hực vào các phòng giam, khiến người tù vô cùng khổ sở.

“Tới bữa ăn, tụi cai tù đem cơm để ở trước cửa phòng rồi kêu người tù ra nhận. Không ra thì đói, mà ra nhận thì lần nào tụi nó cũng đấm đá, lên gối hự hự vô mặt, vô bụng người tù. Biết ra lấy sẽ bị đánh, vậy mà anh em ở các phòng thường giành nhau ra nhận cơm để chịu đòn thay cho đồng đội” - ông Thơ nhớ lại. Vén áo chỉ vào vết lõm sâu trên sườn, ông Thơ kể đó là dấu vết của một lần vì khát quá, lúc ra nhận cơm ông nhào đại tới giếng nước nên bị đánh gãy hết 2 chiếc xương sườn, phải mấy tháng sau mới lành lại.

* Từ tù nhân thành chủ nhân Côn Đảo

Bị giam cầm cách biệt nên ngày 30-4-1975, khi Sài Gòn được giải phóng, những người tù ở Côn Đảo vẫn không hề hay biết. Tuy nhiên, các tù nhân đều cảm nhận có sự khác lạ thông qua thái độ nhớn nhác, lo lắng của bọn cai tù.

Ông Nguyễn Nam Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lúc đó ông là Tỉnh đội trưởng của Bà Rịa và là một trong những người được giao nhiệm vụ ra giải phóng Côn Đảo, giải thoát tù chính trị vào ngày 2-5-1975. Thời điểm đó, địch đang giam giữ 4.243 tù chính trị, nhưng trước đó một tuần địch đưa thêm khoảng 3.200 tù thường phạm loại nguy hiểm ra Côn Đảo với ý đồ không tốt. Vì thế, bộ đội giải phóng Côn Đảo trang bị cả pháo, tên lửa đề phòng địch quyết liệt phản công, nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ và đưa tất cả tù chính trị về an toàn. Sau mười mấy giờ vượt biển, trưa 3-5, mọi người đã nhìn thấy Côn Đảo với lá cờ nửa đỏ nửa xanh thấp thoáng trên nóc dinh chúa đảo. Cuộc hội ngộ giữa lực lượng cách mạng từ đất liền và những người tù chính trị Côn Đảo diễn ra trong niềm vui lẫn nước mắt vào sáng 4-5.

Cuộc họp giữa bộ đội với Ủy ban Mặt trận đảo ngay sau đó thống nhất chọn 250 người đưa về đất liền đợt đầu, ưu tiên những người có án tử hình, bị địch giam lâu nhất, những người bị giam ở chuồng cọp, người đau yếu và phụ nữ. Dù ai cũng nôn nóng trở về, nhưng tình đồng đội vẫn mạnh hơn ý chí cá nhân nên những người tù vẫn nhường nhịn nhau, không có một trường hợp tranh giành, so bì nào.

Sáng 6-5, 250 tù chính trị trở về đất liền trên 2 tàu Đại Khánh và Nhật Lệ. Những người tù chính trị lúc bấy giờ đều ốm yếu, nhiều người đi không vững. Thật đau xót, mới nhổ neo được vài chục hải lý, trên tàu Đại Khánh đã có một tù nhân kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng. “Rạng sáng 7-5, đã có thể nhìn thấy Vũng Tàu. Mọi người đổ dồn hết lên boong để nhìn đất liền. Nhìn lá cờ Tổ quốc bay phất phới từ xa, ai cũng bật khóc vì vui sướng và tự hào, đó là thành quả từ một phần máu xương của người tù chính trị. Đến trưa 7-5, tàu cập cảng Chí Linh, chúng tôi được chìm ngập trong vòng tay của đồng đội…” - bà Nguyễn Thị Thoại (huyện Cẩm Mỹ), người 7 năm bị đọa đày trong chuồng cọp Côn Đảo xúc động kể.

Lúc đó, Trại 7 có một tù nhân đặc biệt là ông Lê Câu, trung tá của ta bị địch giam giữ và được bọn chúng mặc nhiên xem là người có “chức sắc” cao nhất trong số các tù nhân Côn Đảo. Vì thế, khoảng 10 giờ đêm 30-4, sau khi tên chúa đảo bỏ trốn cùng vợ con, tên đại tá Kiều Văn Dậu - người chỉ huy 180 lính canh trên đảo, đã đến Khu H, Trại 7 xin gặp ông Lê Câu để thương lượng. Tuy nhiên, các tù nhân chính trị trong phòng không đồng ý để cho ông Lê Câu ra ngoài, vì sợ bọn địch đem ông đi thủ tiêu. Các phòng giam khác nghe la ó phản đối, tưởng rằng địch đang đàn áp nên cũng hò nhau la theo, tên Dậu buộc lòng phải nói rõ sự tình và đề nghị thương lượng. Vẫn còn bán tín bán nghi, các tù nhân đòi phải đưa radio để nghe tin kiểm chứng. Một chiếc radio được cấp tốc đưa đến theo yêu cầu, ông Lê Câu run run đưa tay mở công tắc, rà sóng. Khéo trùng hợp sao, bản tin đầu tiên những người tù Côn Đảo nghe được là bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo chính quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Tất cả mọi người bàng hoàng lặng người đi trong giây lát rồi ôm chầm lấy nhau hoan hô vang dội cả trại, niềm vui sướng òa vỡ không gì kiềm nén được. Lúc đó khoảng 1-2 giờ sáng 1-5-1975.

Rất nhanh chóng, các tù chính trị Côn Đảo lập tức làm chủ tình hình. Đồng chí Lê Câu yêu cầu tên Dậu và toàn bộ lính canh phải giao nộp vũ khí, mở cửa các trại giam giải phóng tù nhân. Tiếng reo hò mừng tự do, hoan hô cách mạng thành công càng lúc nổi lên ầm ầm như sóng dậy.

Rạng sáng 1-5, Đảo ủy được thành lập do đồng chí Trịnh Văn Tư làm Bí thư, đồng chí Lê Câu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận đảo, chỉ huy các tù nhân chính trị thành lập Tiểu đoàn vũ trang cách mạng tiến hành giải phóng và tiếp quản Côn Đảo. Cờ Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam tung bay rực rỡ khắp đảo trong niềm hân hoan, hạnh phúc tột cùng của những người tù chính trị.

“Được tự do, việc đầu tiên các tù nhân Trại 7 làm sau khi ra khỏi phòng giam là… chạy đến giếng để uống nước và tắm một trận cho thỏa thích. Lúc đó, một số chị em tù chính trị cũng vừa ra khỏi phòng giam và chạy đến. Mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy ròng mà tiếng cười thì không dứt. 37 năm trôi qua rồi, nhưng chúng tôi không thể nào quên được cảm giác đời người chỉ có một lần của ngày hôm đó” - ông Thơ nhớ lại mà cảm xúc vẫn rưng rưng.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều