Báo Đồng Nai điện tử
En

Những thương binh làm kinh tế giỏi

08:07, 17/07/2012

Trở về cuộc sống thời bình với phần cơ thể không còn lành lặn, nhưng họ lại là những anh hùng chiến thắng hoàn cảnh, chống lại bệnh tật và cuộc sống khó khăn.

Trở về cuộc sống thời bình với phần cơ thể không còn lành lặn, nhưng họ lại là những anh hùng chiến thắng hoàn cảnh, chống lại bệnh tật và cuộc sống khó khăn. Ngang qua những vườn cây ăn trái trĩu quả, những vườn ươm cây giống, những ao nuôi cá… của những thương binh làm kinh tế giỏi ở huyện Trảng Bom mới thấy hết nghị lực vượt khó của họ. Hàng ngày, họ vẫn vững vàng trên “mặt trận mới” với mong mỏi: Sống trọn cho cuộc đời.

* Làm giàu cùng chương trình “nông thôn mới”

Cùng với những địa phương khác, các xã Hưng Thịnh, Đồi 61, Trung Hòa, Thanh Bình của huyện Trảng Bom được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Tham gia làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương không chỉ có những nông dân chân chất, dung dị, mà còn có các thương - bệnh binh.

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn bên vườn ươm rộng lớn của mình.
Cựu chiến binh Đặng Ngọc Sơn bên vườn ươm rộng lớn của mình.

Với thương tật trên 81%, cơ thể không còn lành lặn, đối mặt với bao khó khăn, vất vả, ông Út Lép (66 tuổi, xã Đồi 61) luôn cố gắng chiến thắng bệnh tật và nghèo khó. Mỗi lần vết thương tái phát, tưởng như đánh gục hết mọi hy vọng trong ông, nhưng tinh thần, nghị lực của người lính Cụ Hồ trở thành sức mạnh để ông và gia đình vươn lên. “Từ chiến trường trở về, hai bàn tay trắng, đất chỉ đủ dựng nhà, thiếu phương tiện sản xuất, sức khỏe yếu, khó khăn chồng chất khó khăn. Mình phải nghĩ, trước hết làm đủ mình ăn, không để mình trở thành gánh nặng của vợ con, xã hội” - ông Út Lép nhớ lại. Đất đã không phụ công người, với 1,8 hécta đất trồng cây lâu năm và cây ăn trái, như: măng cụt, chôm chôm, ổi…, kết hợp với nuôi gà ta thả vườn, hiện mỗi năm ông Út Lép kiếm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Vào quân ngũ khi tuổi vừa 20, 4 năm đi bộ đội giúp ông Đoàn Ngọc Trung (thương binh hạng 3/4, xã Hưng Thịnh) rèn luyện được ý chí, nghị lực của người lính. Để lại một phần xương máu nơi chiến trường, với một bàn tay lành lặn còn lại, ông đã phải làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương cứ thôi thúc ông. Ban đầu, ông vừa trồng các loại cây ngắn ngày, vừa kết hợp chăn nuôi, thả cá theo mô hình V-A-C. Ông không ngừng tích lũy kinh nghiệm qua việc học hỏi từ bạn bè, những người đi trước, từ sách vở…, nhờ đó công việc của ông ngày một thuận lợi.

Không dừng lại ở đó, ông Trung còn quyết định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, đào ao nuôi cá. Ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông gặp khó khăn về nguồn cá giống, thức ăn. Với quyết tâm vượt khó, đến nay gia đình ông đã có gần 5 hécta nuôi cá giống các loại. Qua 2 năm sản xuất - kinh doanh, ông Trung đã trả hết nợ ngân hàng, mỗi tháng trại cá cung cấp 4-5 tấn cá giống cho các bè nuôi ở tỉnh Bình Dương. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông lãi gần 100 triệu đồng từ nuôi cá.

Để tận dụng nông sản phụ, phế thải của cá, ông đã xây chuồng nuôi gần 30 con heo rừng. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn trồng 1,5 hécta cây thanh long ruột đỏ, hiện cây thanh long phát triển tốt và sắp cho thu hoạch. “Chưa dừng ở những gì đã đạt được, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Phong trào xây dựng nông thôn mới là điều kiện thúc đẩy chúng tôi yên tâm làm ăn. Với tôi, bây giờ còn sức khỏe thì còn lao động, góp phần vào phong trào phát triển kinh tế ở địa phương” - ông Trung tâm sự.

* Sống trọn cho đời

Đi sắp hết đời người, dù tuổi cao sức yếu nhưng bản chất người lính Cụ Hồ không cho phép các thương binh thờ ơ với những cảnh đời éo le cần được giúp đỡ. Trong họ, tình yêu dành cho quê hương, đất nước, đồng đội vẫn còn đầy ắp như thời trai trẻ.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ dám nghĩ dám làm, ông Đặng Ngọc Sơn (bệnh binh, xã Quảng Tiến) không chỉ thoát nghèo, mà trở thành người có của ăn, của để sau 5 năm lập nghiệp. Quay về với cuộc sống thường nhật nhưng “chất lính” trong ông vẫn bừng cháy. Trong điều kiện kinh tế gia đình đang khó khăn, đồng vốn ít, ông quyết định làm 3 sào tràm giâm hom. Với giá cây con từ 350-600 đồng/cây, hàng năm ông xuất bán 3-5 triệu cây giống. Trừ chi phí sản xuất, không chỉ thu lãi lớn, ông còn giải quyết việc làm cho 10-15 lao động là con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với công lao động từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. “Từng lâm vào cảnh đói khát, cực khổ vì không kiếm được việc, nên bây giờ giúp được ai thì giúp. Bạn bè trước lúc nằm xuống cũng chỉ ước mong người ở lại hãy giúp con cái họ thành nhân, thành nghiệp nếu có thể” - ông Sơn cho biết.

Là thương binh 4/4, ông Ngô Văn Tăng (63 tuổi, xã Tây Hòa) đã nhiều lần được UBND huyện Trảng Bom tặng giấy khen cựu chiến binh gương mẫu, hộ nông dân sản xuất giỏi. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến ông học cách làm giàu chính đáng. Ông tận tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con làng xóm nên ai cũng nể phục, mến mộ. Không chỉ giỏi làm kinh tế, hăng say lao động sản xuất, ông Tăng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Gia đình ông đã hiến 1.800m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Là một thành viên tích cực tham gia và kết hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương vận động bà con chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng lối sống lành mạnh ở khu dân cư…, nhưng với ông, thành quả lớn nhất mà ông có được là các con thành đạt, bà con xóm giềng đoàn kết, tin yêu.

Có được những thành quả lao động như hôm nay, đó là sự cố gắng không ngừng của những người lính Cụ Hồ. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người, khi kinh tế gia đình ngày càng được ổn định, ngoài việc nuôi con học hành đến nơi đến chốn, ông Út Lép sẵn sàng giúp đỡ đồng đội, cũng như người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách hỗ trợ về cây, con giống để họ tự phát triển kinh tế. Chỉ tay về vườn cây trái trĩu quả đang vào vụ thu hoạch, ông Út Lép tâm sự: “Hồi chiến tranh, đi đến đâu cũng được bà con cưu mang, che chở nên bây giờ tôi càng biết quý cái tình, cái nghĩa ở đời, giúp họ có việc làm ổn định sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Ông Lê Chí Lăng, Phó bí thư Đảng ủy xã Đồi 61 cho biết: “Đồng chí Út Lép là người sống trọn trách nhiệm của một cán bộ đảng viên trước Đảng, trước nhân dân, đồng thời là lao động sản xuất làm giàu chính đáng. Với trách nhiệm địa phương, chúng tôi thấy ông là tấm gương sáng cho lớp cán bộ đảng viên và quần chúng, cũng như thế hệ trẻ cần phải học tập trong nhiệm vụ xây dựng quê hương và xây dựng nông thôn mới ngày nay”.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều