Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt lên bệnh tật

10:07, 15/07/2012

Khi cơn đau trỗi dậy, đầu buốt như búa bổ, thương binh Vũ Đức Miền (ngụ ở ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chỉ biết va đầu vào cột nhà cho đỡ đau. Vậy mà, khi cơn đau vừa hạ, anh đã cầm nông cụ ra rẫy phát cỏ đến tối mịt mới về...

Khi cơn đau trỗi dậy, đầu buốt như búa bổ, thương binh Vũ Đức Miền (ngụ ở ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chỉ biết va đầu vào cột nhà cho đỡ đau. Vậy mà, khi cơn đau vừa hạ, anh đã cầm nông cụ ra rẫy phát cỏ đến tối mịt mới về...

* Ý chí của người lính

Khi rời quân ngũ, ông Vũ Đức Miền (bệnh binh 2/3, thương binh 2/4) khoác ba lô vào Hiếu Liêm lập nghiệp. Hàng ngày, ông theo cánh thợ rừng khai thác gỗ, học nông dân trong vùng khai hoang đất đai trồng lúa, tỉa ngô. Thấy ông Miền hiền hậu, giỏi giang, đơn chiếc một mình nơi đồng vắng, Hồng Minh (con của một nông dân trong vùng) nhận lời “nâng khăn sửa túi”, chia sẻ cùng ông những lúc trái gió trở trời.

Công tác thăm hỏi, động viên thương bệnh binh luôn được Hội  Cựu chiến binh xã  Hiếu Liêm duy trì.
Công tác thăm hỏi, động viên thương bệnh binh luôn được Hội Cựu chiến binh xã Hiếu Liêm duy trì.

Cuộc sống cơ cực của nhà nông đã tạo điều kiện cho các vết thương hành hạ cơ thể ông Miền. Những lúc thiếu thuốc, toàn thân đau đớn khôn tả, đầu đau như búa bổ, ông chỉ còn biết lăn lộn dưới nền nhà, va đầu vào cây cột cho bớt đau. “2-3 tuần tôi mới đạp xe ra thị trấn, hoặc đón xe về TP.Biên Hòa nhận thuốc từ đồng đội tặng. Do không có điều kiện ra thị trấn, đi thành phố điều trị, đồng đội đã dạy tôi cách tiêm thuốc, truyền nước cho bản thân lúc nguy kịch” - ông Miền kéo số dụng cụ y tế để dưới gầm giường ra khoe.

Nơi rừng sâu Hiếu Liêm ấy, các đứa trẻ bụ bẫm của vợ chồng thương bệnh binh Vũ Đức Miền lần lượt ra đời. Những mùa rẫy trôi nhanh, các con ông dần khôn lớn, nhưng di chứng chiến tranh vẫn luôn hành hạ, ngăn cản bước chân ông ra đồng.

Sau bao năm gầy dựng, vợ chồng anh Miền cũng có được vườn cây ăn trái, rừng trồng được 7 hécta. Thế rồi, trận lụt năm 2000 đã cuốn phăng đi tất cả thành quả lao động của gia đình ông. Lúc ấy, ông Miền đã 46 tuổi, 3 con đang tuổi ăn học, bệnh tật vẫn đeo bám bên người. Ông Miền tâm sự, nhớ lại cảnh vợ chồng co ro ngồi trên mái nhà, nhìn nước lũ đục ngầu cuồn cuộn phía dưới mà đau thắt tâm can. Nước lũ vừa rút, cơn bệnh thừa lúc vật ngã ông nằm dài liên tiếp mấy hôm liền. May thay, biết tin lũ về vùng Hiếu Liêm, đồng đội ông Miền ở phương xa, người đã cho thuốc, kẻ cho mượn vốn và động viên vợ chồng ông nỗ lực gầy dựng lại kinh tế gia đình.

Nhờ sự động viên của đồng đội, ông Miền đã cùng vợ con cật lực xới đất, đào hố trồng nhãn, chôm chôm, cà phê… Khi các cây trồng này mất giá, gia đình ông chuyển sang trồng quýt, cam. Đến năm 2005, ông Miền trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã và huyện, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. “Nhờ những viên thuốc đặc trị đắt tiền, những đồng vốn cho mượn và sự động viên từ đồng đội xa gần, tôi không đơn độc trước sự bủa vây của bệnh tật, khó khăn nơi heo hút này”- ông Miền tự hào nói.

* Tàn nhưng không phế

Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hiếu Liêm (thương binh 2/4) cho biết, Hội CCB xã hiện có 19 thương binh và 7 bệnh binh. Trong số đó, có trên 10 thương bệnh binh là nông dân sản xuất giỏi của địa phương, số còn lại hiện có đời sống ổn định, không có thương bệnh binh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. “Với một người bình thường, việc bám trụ được với vùng đất Hiếu Liêm rừng thiêng, nước độc, giao thông cách trở với bên ngoài là cả một nỗ lực. Riêng những thương bệnh binh chúng tôi, việc khai hoang phục hóa vùng đất này từ đôi bàn tay trắng, với cơ thể đầy thương tích là lời thề, ý chí của người lính trước những người đã mất và gia đình khi rời quân ngũ” - ông Sơn bày tỏ.

Vườn cam, quýt cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm của thương bệnh binh Vũ Đức Miền.
Vườn cam, quýt cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm của thương bệnh binh Vũ Đức Miền.

Rời quân ngũ với thương tật 2/4, ông Sơn đã có những tháng năm lặn lội vào rừng bẻ măng đổi gạo, hay đội nắng, dầm mưa nơi góc đường hành nghề chạy xe ôm. Thời kỳ kinh tế vườn phát triển, ông Sơn mua đất, mở dịch vụ phục vụ nông nghiệp và nay đã trở thành thương binh thành đạt. “Đau đớn bệnh tật vẫn âm ỉ, nhưng nó không ngăn được ý chí tự cường, không chịu khuất phục trước khó khăn của người lính. Sau cơn đau, sức khỏe người lính bình phục và họ xông pha nơi rẫy vườn với nghị lực, quyết tâm như thời trai trẻ cầm súng bảo vệ đất nước trước giặc ngoại xâm vậy” - ông Sơn thổ lộ.

Không được “vai u thịt bắp” như những thương bệnh binh khác, ông Nguyễn Tiến Diễn (bệnh binh 2/3, ngụ ở ấp 3, xã Hiếu Liêm) chọn cho mình công việc đồng án, công tác xã hội thích hợp với cánh tay trái teo tóp, hay run giật. Ông Diễn bộc bạch, trong lúc làm đồng, tay trái co giật làm mất cảm giác cầm cuốc của tay phải, người thì run bắn lên. Sau khi ngả lưng vào bụi cây nơi góc rẫy chờ cơn co giật qua đi, ông nắm chặt cây cuốc cùng vợ khai hoang, vỡ đất. Chính ý chí đã giúp ông làm quen với việc đồng áng và chung sức cùng vợ nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt. “Ngoài công việc đồng áng, tôi còn tham gia công tác ấp. Khi phát bệnh, không chạy xe đạp được thì tôi đi bộ, không cầm viết được thì truyền đạt thông tin bằng miệng các kế hoạch của cấp trên đến bà con, để mọi người cùng hành động”- ông Diễn tâm sự.

Sau bao năm bám núi rừng ở Hiếu Liêm lập nghiệp, nay đã bước sang tuổi 59, thương bệnh binh Vũ Đức Miền vẫn khẳng định, ông sẵn sàng khoác ba lô chuyển đi nơi khác tạo lập lại vườn quýt, cam khi khu vực ấp 4 di dời. Tuy vậy, điều ông muốn nhắn gửi đến các cấp, ngành là: “Phải có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho những người dân, những tâm huyết của họ khi phục hồi lại màu xanh cho Hiếu Liêm”.

Bên chuồng hươu của bệnh binh Diễn, Chủ tịch CCB  Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch CCB Hồ Sĩ Quý hãnh diện nói về những tấm gương thương bệnh binh vượt khó, làm giàu của xã Hiếu Liêm, như: Nguyễn Văn Nhiên (bệnh binh 2/3), Phạm Đình Phúc (thương binh 4/4), Lê Văn Các (thương binh 2/4), Nguyễn Đình Khóa (thương binh 4/4)… “Mỗi người mang trong mình vết thương chiến tranh khác nhau. Tuy vậy, tất cả đều chung ý chí, quyết tâm “tàn nhưng không phế” và đóng góp cho vùng núi rừng Hiếu Liêm những gương sáng về lao động sản xuất, vượt lên bệnh tật của Bộ đội Cụ Hồ hôm nay” - ông Quý bày tỏ.

Đoàn Phú

                                                                                                                     

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều