Báo Đồng Nai điện tử
En

Côn Đảo, ngày trở về... (Bài cuối)

09:07, 26/07/2012

Có những cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng, ôm chầm nhau thắm thiết, nhắc mãi những chuyện ngày xưa. Nhưng cũng có những cuộc hội ngộ chỉ còn một phía lên tiếng, nhìn nhau qua những bức ảnh đã nhạt màu, gặp nhau qua làn hương khói rưng rưng.

 

Niềm vui hội ngộ

Có những cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng, ôm chầm nhau thắm thiết, nhắc mãi những chuyện ngày xưa. Nhưng cũng có những cuộc hội ngộ chỉ còn một phía lên tiếng, nhìn nhau qua những bức ảnh đã nhạt màu, gặp nhau qua làn hương khói rưng rưng.

Nghĩa trang Hàng Dương buổi chiều nắng nhẹ, Đoàn cựu tù chính trị Đồng Nai lặng lẽ cúi đầu mặc niệm trước anh linh 1.912 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang, cùng hàng chục ngàn hương hồn liệt sĩ đã vĩnh viễn hòa thân thể mình vào lòng đất Côn Đảo.

* “Các chị ơi, em đã về đây”

Thật lặng lẽ, các bà: Trần Thị Hòa, Lê Thị Đức, Nguyễn Thị Thoại, Nguyễn Thị Hoa, Lưu Thị Na thắp hương cho những ngôi mộ trong nghĩa trang và trong khu mộ nữ tù chính trị. Bắt gặp một cái tên quen, các cô lại ngồi thần người ra, vuốt ve từng tấm bia, lần tay theo từng nét khắc: liệt sĩ Võ Thị Bé, liệt sĩ Trần Thị Thanh, liệt sĩ Nguyễn Thị Hoa…

Nước mắt và niềm vui các nữ cựu tù chính trị khi tình cờ hội ngộ ở  Côn Đảo.
Nước mắt và niềm vui các nữ cựu tù chính trị khi tình cờ hội ngộ ở Côn Đảo.

Ngồi bệt bên mộ liệt sĩ Trần Thị Thanh (quê ở huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Trần Thị Hòa cứ nức nở theo dòng hồi ức. Năm 1969, bà Hòa, bà Thanh bị đày ra Côn Đảo và bị đưa thẳng vào Chuồng cọp Pháp vì tội tham gia đấu tranh nổi dậy, phản đối bọn địch tra tấn 3 chị nữ tù đến chết ở trại giam Thủ Đức. Chuồng cọp Pháp là dãy 120 phòng biệt giam nhỏ hẹp, phía trên là song sắt kiên cố để bọn cai tù đi lại quan sát, kiểm tra tù nhân. Ở lối đi, chúng còn để các thùng vôi bột, nước bẩn để bất cứ lúc nào cũng có thể thẳng tay ném xuống đầu những người tù bên dưới. Không chỉ thế, chúng xem người tù như súc vật, khạc nhổ, ném tàn thuốc lá xuống những thân hình lở loét, ốm yếu của họ để hành hạ. Bữa cơm của người tù ở đây chỉ có gạo mục và thứ mắm lúc nhúc dòi bọ, chỉ nhìn thôi đã thấy nhợn, muốn ói.[links(right)]

Mỗi phòng giam ở Chuồng cọp Pháp chỉ khoảng hơn 10m2, nhưng thường xuyên chứa từ 5-11 người. Tù nhân ngày đêm bị còng chân vào cùm, vệ sinh ngay tại chỗ, điều kiện ăn ở tồi tệ và thường xuyên bị đánh đập bằng chày vồ, dùi cui, bị quăng vôi bột vào các vết thương nên ai nấy đều bị lở loét, chỉ còn da bọc xương, khắp người đầy sẹo, thương tật. Riêng chị em tù nữ còn thêm nỗi khổ hàng tháng khi đến kỳ không có đồ đạc để thay, phải xé gấu áo, gấu quần để lót, sau đó giặt bằng nước tiểu, chờ khô dùng tiếp. Ấy vậy mà nữ tù chính trị vẫn có những cuộc đấu tranh rất quyết liệt, mạnh mẽ. Bà Lưu Thị Na (TP.Biên Hòa) 3 lần bị đày ra Côn Đảo, suốt 15 năm trải qua khắp các trại giam vẫn kiên quyết không một lần chịu chào cờ; bà Nguyễn Thị Thoại (huyện Cẩm Mỹ) 7 năm ở Côn Đảo thì hết nửa thời gian ở Chuồng cọp Pháp, vì tham gia chống ly khai, cương quyết không chịu đạp lên cờ Tổ quốc; bà Trần Thị Hòa bị kêu án 5 năm nhưng ở tù đến… 10 năm vì luôn là một trong những người cầm đầu các phong trào đấu tranh.

 So với các bạn tù, bà Thanh vừa ốm yếu hơn, vừa bị tật chân đi lại khó khăn. Ít ai biết rằng, mới 15 tuổi, người con gái cùng quê Đất Đỏ với chị Võ Thị Sáu ấy đã tham gia cách mạng. Tuổi 18, bà bị bắt vì “tội” ném lựu đạn giết bọn tề ngụy ác ôn, bị treo ngược lên cây đánh đến hộc máu ngay tại chỗ, sau đó trải 8 năm gian khổ qua khắp các nhà tù đế quốc. Lúc ra Côn Đảo, bà chỉ còn như bộ xương khô. Vậy mà, cùng với chị em bạn tù, bà tham gia nhiều phong trào đấu tranh của tù chính trị, bị bọn cai tù chích thuốc độc giết chết đúng vào ngày 30-4-1974, vì không khuất phục được ý chí của người con gái ấy. “Gặp được mộ các chị, tôi không sao cầm được nước mắt. Nhớ quá những ngày trong chốn lao tù, chị em chia sẻ nhau từng cọng rau, hớp nước, những đêm nằm rù rì xoa bóp vết thương, động viên tinh thần lẫn nhau để giữ gìn khí tiết trước kẻ thù, vững niềm tin vào ngày toàn thắng. Các chị ơi, em đã về đây…” - bà Trần Thị Hòa thủ thỉ với anh linh đồng đội.

Trước ngày trở về Đồng Nai, một cuộc hội ngộ tình cờ đầy nước mắt và nụ cười giữa các nữ tù cũng đã diễn ra tại nhà bà Nguyễn Thị Ni, người cựu tù tình nguyện ở lại sau ngày giải phóng để phục vụ cho công tác xây dựng di tích nhà tù Côn Đảo. Các bà tuy không chung phòng giam, nhưng những lần bị dẫn giải ra vào khám đều tranh thủ nhìn để biết mặt và động viên nhau. Ngày gặp lại, cảm xúc xưa cứ trào về, những câu chuyện xưa được miên man kể mãi như chẳng bao giờ dứt.

* “Sẽ không bao giờ quên Côn Đảo”

Những đêm về thăm lại Côn Đảo, dường như những người cựu tù chính trị chẳng thể nào ngủ yên. Ký ức xưa như hiện lại sống động hơn trong tâm trí và trái tim người cựu tù. Họ cứ hết ra lại vào, hết quây quần nhắc chuyện xưa bên ấm trà trong khuôn viên nhà chúa đảo, lại lang thang ngoài Cầu tàu 914. Những căn phòng lúc nào cũng sáng đèn, cũng vang tiếng chuyện trò, cố nhớ lại người bạn tù chung phòng năm xưa quê quán ở đâu, gia đình thế nào, tranh cãi nhau người nào là trưởng phòng giam, bao kỷ niệm vui buồn có dịp đem ra cùng nhau ôn lại...

Bà Trần Thị Hòa ôn chuyện xưa bên mộ liệt sĩ Trần Thị Thanh.
Bà Trần Thị Hòa ôn chuyện xưa bên mộ liệt sĩ Trần Thị Thanh.

Ông Phan Hồng Oanh (huyện Xuân Lộc) thì nhất quyết phải thăm lại cho bằng được tất cả trại mà ông đã từng bị giam cầm trong 5 năm ở Côn Đảo. Sau khi thăm các Trại 2, Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ, Chuồng bò, Trại 6, Trại 7, ông vẫn còn ấm ức, vì hết giờ nên không kịp đến Trại 5. Trở về nơi ở, ngồi bần thần hồi lâu, ông quyết định bỏ cả cơm chiều, thuê xe ôm quay trở lại Trại 5. Trại đã đóng cửa vì hết giờ tham quan. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai để có thể “năn nỉ” được, ông… trèo tường vào để nhìn lại cho thỏa, khỏi mang nỗi tiếc nuối khi trở về. “Hồi đó, các trại đâu có cỏ mọc đầy như bây giờ, vì lú lên cọng cỏ nào là người tù bứt sạch, không đủ để ăn lấy đâu mà mọc?” - ông Oanh kể, giọng đầy cảm khái.

Trong những câu chuyện riêng, chung của những người cựu tù, có một điểm rất chung là niềm tự hào được trở về với tư cách người chiến thắng. “Ngày trước, chúng tôi ra đây là dân của một nước nô lệ, bị đối xử tàn tệ như súc vật, không có quyền tối thiểu của một con người. Dù trong hoàn cảnh đau thương, khắc nghiệt nhất nhưng chúng tôi luôn vững một niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, tin rằng cách mạng sẽ thắng lợi, đất nước sẽ được tự do. Giờ chúng tôi đã chứng minh niềm tin đó là đúng, hạnh phúc nào bằng? Lần trở về hôm nay thấy lại được một Côn Đảo tự do, giàu đẹp, phát triển, nhà tù đã trở thành một di tích lịch sử được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ, niềm tự hào, hạnh phúc đó càng được nhân lên gấp bội” - bà Nguyễn Thị Thoại nhẹ nhàng cho biết.

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều