Báo Đồng Nai điện tử
Hotline: 0915.73.44.73 Quảng cáo: 0919118616 - 0912174545
Thứ 4, 09/07/2025, 18:26 En

Giành thế chủ động trên chiến trường, buộc Mỹ đàm phán (Bài 2)

11:01, 25/01/2013

Trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Mỹ - ngụy và quân chư hầu đã liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược trên chiến trường miền Nam nhằm “tìm diệt” quân chủ lực của ta để giành lại thế chủ động chiến lược đã mất, nhanh chóng bình định miền Nam, đồng thời mở rộng và tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn nguồn chi viện từ hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Mỹ - ngụy và quân chư hầu đã liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược trên chiến trường miền Nam nhằm “tìm diệt” quân chủ lực của ta để giành lại thế chủ động chiến lược đã mất, nhanh chóng bình định miền Nam, đồng thời mở rộng và tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn nguồn chi viện từ hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam.[links(right)]

Quân và dân hai miền Nam - Bắc đã từng bước đánh bại các bước leo thang chiến tranh của Mỹ, giữ vững thế chủ động chiến lược, đẩy cho Mỹ - ngụy rơi vào thế bị động, nội bộ mâu thuẫn. Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam dâng cao mạnh mẽ khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ.

* Lập vành đai diệt Mỹ ở Biên Hòa

Tại chiến trường Biên Hòa, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu được bố trí ngày càng đông, tạo thế áp đảo, hòng đánh phá, tiêu diệt phong trào cách mạng. Trước tình hình nêu trên, Trung ương Cục miền Nam xác định: “Khống chế, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ ở Biên Hòa sẽ có tác dụng to lớn, hỗ trợ tích cực cho chiến trường toàn miền”.

Trên cơ sở đó, tháng 9-1965, Trung ương Cục và Quân ủy miền quyết định thành lập vành đai diệt Mỹ ở Biên Hòa. Kế hoạch bố trí lại chiến trường được triển khai, một đơn vị chiến trường tương đương cấp tỉnh lấy tên U1 được thành lập. Nhiệm vụ của U1 là nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng, huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật chiến đấu, xây dựng bàn đạp tiến công các cơ quan chỉ huy đầu não của địch, tập trung đánh gây thiệt hại nặng hai mục tiêu sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình, đồng thời hỗ trợ phong trào quần chúng đánh phá kế hoạch bình định, phát triển chiến tranh nhân dân ở các địa phương.

Bên cạnh sự phát triển với quy mô ngày càng lớn về tổ chức của bộ đội chủ lực miền và quân khu, đến cuối năm 1965, tỉnh Biên Hòa thành lập Đại đội 240 chủ lực đứng chân ở khu vực Suối Cả; Tỉnh đội Long Khánh và Tỉnh đội U1 cũng thành lập các đại đội đặc công bố trí đánh vào sân bay và tổng kho Long Bình. Các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, huyện cao su Bình Sơn cũng xây dựng được một trung đội bộ đội tập trung. Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh, huyện đều được trang bị vũ khí đầy đủ với hỏa lực chiến đấu tốt, trình độ kỹ chiến thuật tác chiến ngày càng nâng cao. Lực lượng du kích các xã, các đồn điền cao su, du kích mật và tự vệ mật cũng phát triển nhanh. Mỗi xã đều xây dựng ít nhất một bán đội du kích mật và tự vệ mật. Ngoài các đơn vị chủ lực của miền, quân khu và lực lượng vũ trang địa phương, lúc này ở Biên Hòa, Long Khánh còn có các căn cứ của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đoàn 81, 84 hậu cần miền và Đoàn đặc công rừng Sác.

* Góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”

Được sự phối hợp, hỗ trợ của bộ đội chủ lực miền và bộ đội quân khu, phong trào chiến tranh nhân dân ở Biên Hòa, Long Khánh tiếp tục phát triển. Trên chiến trường Biên Hòa, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã dấy lên phong trào thi đua tìm Mỹ mà diệt, tìm ngụy mà đánh, vùng giải phóng được mở rộng, bộ đội ta làm chủ được nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, diệt nhiều đồn, bót địch, phát triển nhiều hình thức chiến đấu, đạt hiệu quả cao.

Đêm 23-8-1965, được sự hỗ trợ tích cực của Đội biệt động thị xã Biên Hòa, Đoàn pháo binh miền kết hợp với pháo binh thị xã tổ chức tấn công sân bay Biên Hòa lần thứ hai, phá hủy 68 máy bay các loại, 8 giàn hỏa tiễn, 30 xe quân sự, 22 bồn dầu, diệt và làm bị thương 300 quân Mỹ - ngụy.

Tiếp đến, liên tục trong 3 tháng 10, 11 và 12-1966, các Đại đội 1 và Đặc công U1 đã mưu trí, sáng tạo đánh vào tổng kho Long Bình 3 lần, phá hủy 353 ngàn quả bom, pháo các loại. Phối hợp với Đặc công U1, bộ đội địa phương Trảng Bom cùng với bộ đội chủ lực miền tấn công Chi khu Trảng Bom, diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt là trận đánh phục kích địch ở Hưng Nghĩa ngày 21-11-1966, bộ đội ta diệt 140 tên địch, bắn cháy 25 xe quân sự, trong đó có 12 xe thiết giáp.

Tại rừng Sác, ngày 20-7-1966, Đội 4 đặc công thủy đã chặn đánh, bẻ gãy trận càn của một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 199 quân viễn chinh Mỹ vào căn cứ, diệt và làm bị thương 155 tên. Ngày 28-8-1966, bằng một quả thủy lôi K5 (còn gọi là thủy lôi sừng chạm), Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã đánh chìm chiếc tàu hàng quân sự 10 ngàn tấn của Sư đoàn 4 Mỹ. Trên tàu có 45 thủy thủ, 100 xe thiết giáp M113, nhiều kiện hàng linh kiện, phụ kiện của máy bay phản lực và nhiều lương thực, thực phẩm đủ cho một sư đoàn Mỹ ăn trong một tháng. Đây là chiến công lớn, mở màn cho hàng loạt trận đánh thắng lợi sau này của Đoàn 10 đặc công rừng Sác vào các kho tàng, bến cảng, căn cứ quân sự Mỹ.

Bước sang năm 1967, để làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch, quân dân Biên Hòa tiếp tục ghi thêm nhiều chiến công mới. Đêm 3-2-1967, Đặc công U1 tiếp tục đánh vào kho Đồi 53 Long Bình, làm nổ tung 40 dãy nhà kho, 800 ngàn quả đạn pháo các loại. Cùng lúc, một tổ đặc công khác của U1 từ chốt Bình Trị, Hóa An đột nhập vào sân bay quân sự Biên Hòa đặt mìn, làm nổ tung kho chứa nhiên liệu, đốt cháy 10 triệu lít xăng dầu.

Hòa chung khí thế tiến công địch của lực lượng vũ trang Biên Hòa, đêm 11 rạng sáng 12-5-1967, Trung đoàn pháo ĐKB 274 thuộc Đoàn pháo binh miền phối hợp với Tiểu đoàn 3 bộ binh và Tiểu đoàn Phú Lợi và bộ đội địa phương đã dùng pháo ĐKB, súng cối 82 ly và ĐKZ 75 bắn cấp tập vào sân bay Biên Hòa, phá hủy 150 máy bay các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ.

Bị thiệt hại nặng trong 2 chiến dịch phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 trên khắp các chiến trường cả nước, đặc biệt là nếm đòn chí tử trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam mùa xuân 1968 của quân và dân ta, ý chí xâm lược của Mỹ lung lay, buộc phải xuống thang chiến tranh, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Tổng thống Mỹ Johnson phải công khai tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 và nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều