Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt cua ở Phước An

07:06, 15/06/2013

Vùng sông nước Phước An (huyện Nhơn Trạch) chứa đựng nhiều sản vật giá trị, mà cua biển là loại hải sản ngon số một. Về miền sông nước Phước An ngày cuối tuần, chúng tôi ai nấy đều hăm hở thử một lần cái thú bắt cua đầy thú vị…

Vùng sông nước Phước An (huyện Nhơn Trạch) chứa đựng nhiều sản vật giá trị, mà cua biển là loại hải sản ngon số một. Về miền sông nước Phước An ngày cuối tuần, chúng tôi ai nấy đều hăm hở thử một lần cái thú bắt cua đầy thú vị…

Vào buổi nước lớn, vùng sông nước Phước An khắp nơi toàn một màu trắng xóa. Khi nước cạn, những lớp bùn đen trương lên, để lộ những hang cua nước lợ sâu đến nửa thân người.

* Nhiều cách bắt cua

Tầm 9 giờ sáng, anh Lê Văn Thảo (ngụ ấp Bàu Bông, xã Phước An) thu dọn dụng cụ đi bắt cua biển. Tiến về phía rừng đước, vạt mắm rộng mênh mông trơ lên những đám rễ chằng chịt khi nước rút, anh Thảo cho biết đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt cua. Vừa xé rừng, băng qua những nơi không có lối mòn, anh Thảo vừa phải quan sát tìm dấu vết của cua. Công việc bắt cua nhìn thế mà lại không đơn giản chút nào.

Bắt cua ở những rừng đước thu hút nhiều người tham gia.
Bắt cua ở những rừng đước thu hút nhiều người tham gia.

Địa điểm bắt cua là những bãi đất ít bùn, nền cứng, đôi khi hang cua nằm sâu hun hút trong từng gốc cây. “Hang cua sâu lắm, có khi đưa hết cánh tay, dùng chân chọc xuống cũng không bắt được. Lúc này, chỉ còn cách duy nhất là lấy móc câu đưa vào hang kéo cua ra thôi. Nói không phải giấu nghề, chứ bao nhiêu năm đi bắt cua, chuyện phân biệt hang có cua hay không khó lắm, vì chỉ cần nước rút là chúng chui lên kiếm thức ăn rồi lặn mất tăm. Chúng dùng chiến thuật “vườn không nhà trống”, nên có khi đào hang mệt bở hơi tai mà bên trong không có con nào” -  anh Thảo tâm sự.

Với những thao tác thuần thục, hết dùng tay đến lấy cuốc móc bùn, cầm móc câu dụ cua, phải mất gần chục phút như vậy anh Thảo mới bắt được con cua to bằng nửa gang tay. “Nói là móc câu, thực ra đây chỉ là thanh sắt nhỏ bằng ngón tay út, dài gần 1m, hai đầu được uốn cong thành cái móc. Khi đưa vào hang, cua tưởng kẻ thù nên dùng càng kẹp cứng, lúc đó mình mới nhẹ nhàng kéo ra” - anh Thảo nói thêm.

Anh Lê Văn Thảo (ngụ ấp Bàu Bông, xã Phước An) cho biết mùa cua gạch bắt đầu từ cuối tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, rộ vào rằm tháng 8 đến tháng 9. Cua biển tự nhiên thịt săn chắc vào những ngày mùng 10, 25 âm lịch hàng tháng, những ngày tối trời cua nhiều và mập.

Cùng hành nghề bắt cua, nhưng anh Thìn (ngụ ấp Vũng Gấm, xã Phước An) thường đi câu lúc nước lớn. Đó là kiểu câu dùng mồi nhử, người đi câu vừa mưu sinh vừa có cảm giác thư giãn, hồi hộp và hứng thú. Nhưng bây giờ, ít còn ai mưu sinh theo kiểu câu này nữa, vì mất thời gian, cua thu được cũng ít, cả buổi câu có khi chẳng có con nào. Khắp vùng này, người ta đào cua là chủ yếu, nhưng nhược điểm là gặp hang cua ở trong rễ đước thì không làm gì được.

Và có lẽ thú câu cua hiếm người theo nên chúng tôi chỉ được nghe anh Thìn kể lại: “Ngồi hàng giờ trên chiếc xuồng ba lá, ngóng chờ những con cua háu ăn, đói mồi cắn câu không gì thích thú bằng. Đám cua rất tham ăn nhưng cũng rất khôn ngoan, nếu người câu giật cần câu vội vàng, không kiên nhẫn sẽ khó tóm được chúng. Khi cua đã ăn mồi, người câu phải đợi 5-10 phút để chúng mê ăn, mất đề phòng rồi mới kéo lên nhẹ nhàng. Mồi câu rất đơn giản, có thể là tôm sú, con cá bống bằng ngón tay út là được”.

* Nghề mưu sinh

Nước cạn, chúng tôi theo chân cậu bé Huỳnh Thanh Phúc (15 tuổi, ngụ xã Long Thọ, Nhơn Trạch) tay cuốc, tay xô cùng thanh sắt đã uốn cong hai đầu đi bắt cua. Học hết lớp 8, Phúc bỏ học bắt cua biển mưu sinh. Vậy nên, công việc bắt cua với em từ lâu đã thành thục và không gặp khó khăn nào. Trên nền đất sình, bắt đầu lộ ra những cái hang to bằng nắm tay người, xung quanh mép hang có nhiều dấu chân cua, chứng tỏ cua đã rời nơi trú ẩn đi tìm thức ăn. Kìa, một con cua vừa chui vào hang. Nó vào rọ rồi! Phúc nhẹ nhàng cúi người xuống thọc cánh tay vào dò tìm.

Một lát sau, em dùng cuốc xới toang miệng hang, rồi đưa móc câu thọc vào phía trong. Một chú cua tầm 3 lạng đang gắn chặt càng vào thanh sắt đã bị lôi ra khỏi hang. “Giống này khôn cực kỳ, chỉ nghe tiếng động nhẹ là trốn ngay. Tranh thủ nước rút, chúng bò lên kiếm đám sinh vật nhỏ làm thức ăn. Mình không nhanh là mất dấu như chơi” - Phúc vừa gỡ cua bỏ vào xô vừa nói.

Người bắt phải dùng cuốc đào hang rồi dùng thanh sắt móc sâu vào trong để bắt cua.
Người bắt phải dùng cuốc đào hang rồi dùng thanh sắt móc sâu vào trong để bắt cua.

Sau một hồi lần mò ở khu bãi cạn của rừng đước, trong xô nhựa chúng tôi mang theo đã có 2 con cua biển nặng gần nửa ký. Nhìn lại Phúc, từ đầu đến chân lấm lem bùn đất, khuôn mặt rạng rỡ với đôi mắt tinh anh cũng đã vấy bẩn. “Cua khỏe lắm, nếu không cẩn thận bị nó kẹp thì chảy máu, đứt tay như chơi. Muốn dứt ra chỉ có cách bẻ càng, mà như thế thì bán giá thấp lắm” - Phúc kể.

Cứ mỗi buổi sáng, anh Sáu Dĩ (47 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phước An) cùng đám bạn trong ấp rủ nhau đi bắt cua. Loay hoay một hồi mới thò móc câu xuống hang và kéo được một con cua nhỏ ẩn nấp sâu bên dưới lớp bùn, anh nhanh nhẹn thả vào giỏ. Sáu Dĩ bảo: “Chỗ nào có dấu bùn trồi lên thành đụn nhỏ là mình dùng móc sắt thọc xuống để lôi cổ chúng lên. Đi bắt cua mà không bẩn thì làm sao mà có tiền được. Chưa hết, khi phát hiện những hang cua lớn, sâu trong lòng đất, mình phải dùng chân móc cua, bị cua kẹp sứt thịt, máu đổ là chuyện thường. Trên chân tay những người đi bắt cua, sẹo nối sẹo bởi gai đâm, cua kẹp không có gì lạ”.

Anh Sáu Dĩ kể rằng, những tháng biển động, cua từ nhiều nơi đua nhau bò vào những khu rừng đước đào hang tránh nạn. Đây cũng là cơ hội mưu sinh của không ít người dân vùng sông nước Phước An - Long Thọ. Tuy nhiên, bây giờ người bắt cua nhiều nên cua càng hiếm, người bắt phải lang thang cả ngày trong rừng đước mới thu được “chiến lợi phẩm” kha khá.

Trong chuyến đi về miền sông nước Phước An, rong ruổi theo những người bắt cua, băng mình đi qua những vạt rừng đước, câu chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng bị cắt ngang giữa chừng bởi tiếng cuốc, tiếng người thở hổn hển mỗi khi đào sâu, phá nơi ẩn náu của loài cua biển. Quả thật, cái thú đi săn sản vật nơi đây hấp dẫn không thua gì ở những vùng rừng rú hoang vu, cây cối um tùm.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều