Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô Ba Tui gieo chữ

10:06, 10/06/2013

23 năm qua, lớp học tình thương trong ngôi nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Hoàng (còn gọi là cô Ba Tui, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ nhỏ xóm bè Long Bình Tân và những gia đình nhập cư nghèo. “Tôi sẽ duy trì lớp học tình thương này cho đến khi con tim ngừng đập” - cô Ba Tui khẳng định.

23 năm qua, lớp học tình thương trong ngôi nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Hoàng (còn gọi là cô Ba Tui, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ nhỏ xóm bè Long Bình Tân và những gia đình nhập cư nghèo. “Tôi sẽ duy trì lớp học tình thương này cho đến khi con tim ngừng đập” - cô Ba Tui khẳng định.

Các trò nhỏ háo hức với lớp học tình thương của cô Ba Tui.

Nhờ có lớp học tình thương của cô Ba Tui, các em nhập cư từ các tỉnh miền Tây, con em Việt kiều Campuchia hồi hương biết đọc, biết viết.

Năm rồi, cô Ba Tui cứ tưởng lớp học tình thương của mình vơi đi một học sinh ham học như Võ Hải Đảo. Cô Ba Tui cho biết, đến 10 tuổi em Đảo mới được mẹ xin vào học lớp 1. Ngày đầu đến lớp, em tỏ ra lầm lì, ít nói, ít giao tiếp với bạn bè. “Tất cả học sinh của tôi đều đặc biệt, mỗi em mỗi cảnh nghèo khác nhau. Em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, em có cha thì không mẹ và ngược lại. Hàng ngày, các em quen lăn lóc ngoài đường phố, kênh rạch để mưu sinh nên lớp học là môi trường mới cần có quá trình làm quen” - cô Ba Tui nói.

* Khát khao con chữ

Cũng theo cô Ba Tui, khi các em đã quen với con chữ, phép tính thì rất ham học. Hải Đảo cũng vậy, ngày phụ mẹ bán vé số, tối đến lớp tình thương học chữ. Từ năm lớp 1 đến nay (lớp 5), Đảo luôn là học sinh giỏi của lớp. Sau đó, chị Út Hết (mẹ của Đảo) chuyển về khu tạm cư làm nghề ván lạng ở phường Long Bình sinh sống. Nhưng mỗi tuần 3 buổi, Đảo vẫn vượt trên 10km đến đây học.

Chuyện Đảo được học lớp tình thương của cô Ba Tui là niềm vui lớn với chị Út Hết. Chị cho biết, đến năm 10 tuổi Đảo vẫn chưa biết chữ. Hôm dắt con đi bán vé số ngang qua lớp học tình thương của cô Ba Tui, chị thấy con tần ngần đứng nhìn không chịu đi và nói mẹ xin cho con được đi học. “Tôi sợ tốn tiền nên không dám xin, may mà chị hàng xóm nói học miễn phí nên tui mới mạnh dạn đem con lại gửi. Tôi mừng hết biết khi nghe cô giáo nói thằng Đảo học giỏi và ngoan” - chị Út Hết khoe.

Vốn là người giàu lòng từ tâm, những năm 1990, khi nhìn thấy xóm bè Long Bình Tân có nhiều người không biết chữ, cô Ba Tui đã tự đứng ra tổ chức lớp xóa mù chữ cho người lớn và trẻ nhỏ trong vùng. Cô Ba Tui nhớ lại, mấy đứa trẻ trong xóm nghèo đi mò cua bắt ốc, mỗi lần ngang qua nhà thấy cô dạy học cho người lớn, chúng thích thú đứng xem hàng giờ. Một lần, có đứa trẻ chạy đến hỏi: “Tụi con rất muốn học chữ, cô Ba mần ơn dạy tụi con học chung với cha mẹ nghe” - cô Ba Tui kể lại.

Cũng từ đó, ngoài lớp xóa mù chữ cho người lớn, cô Ba Tui phải kiêm luôn vai trò cô giáo phổ cập tiểu học cho lũ trẻ. Thời gian cứ vậy trôi qua, hết khóa này đến khóa khác, lớp học của cô lúc nào cũng vang tiếng trẻ nhỏ. “Tôi không sao quên được lúc tụi nhỏ đến học. Cầm những bàn tay chai sần của lũ trẻ do suốt ngày mò cua, kéo lưới để rèn từ nét chữ mà lòng xót xa. Lớp học thì thiếu thốn đủ bề; sách, vở, tập viết đều do tôi đi xin về phát cho các em học. Tuy vậy, lòng tôi vẫn vui vì lũ trẻ ham học. Mưa cũng như nắng, không ngày nào chúng bỏ lớp” - cô Ba Tui xúc động tâm sự.

* Tâm huyết với trẻ nghèo

23 năm dạy chữ không lương, cô Ba Tui đã xóa mù chữ cho hàng trăm trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường ở xóm bè Long Bình Tân và những cư dân Việt kiều Campuchia về đây tá túc. Em Nguyễn Chí Tiến (15 tuổi, học lớp 5), cho biết: “Nhà quá nghèo nên đến lúc 15 tuổi, em vẫn không có điều kiện tới trường, dù em rất ham học chữ. Nhờ ơn cô Ba Tui dạy dỗ, 4 tháng qua em đã biết chữ, đọc thông viết thạo”.

Trong số các học trò của cô Ba Tui, em Nguyễn Thị Thoa (9 tuổi) là một trường hợp khá đặc biệt. Trước đây, Thoa đi học 3 năm liền mà chưa biết đọc, biết viết. Cha mẹ giận quá, đã cho Thoa nghỉ học. Được cô Ba Tui mở rộng vòng tay, sau 3 tháng được cô kèm cặp, Thoa không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn giải toán thành thạo.

Nhờ có lớp học tình thương của cô Ba Tui, các em nhập cư từ các tỉnh miền Tây, con em Việt kiều Campuchia hồi hương biết đọc, biết viết.
Các trò nhỏ háo hức với lớp học tình thương của cô Ba Tui.

Nay đã 67 tuổi, cô Ba Tui vẫn đầy nhiệt huyết với công việc “gõ đầu trẻ” không lương. Dù tuổi cao, sức khỏe mỗi ngày một kém, công tác Hội Chữ thập đỏ ở phường cũng bộn bề công việc, nhưng cô Ba Tui vẫn không chịu buông lớp học. Cô cho hay, vào các ngày thứ 3-5-7, cô dạy một lúc 3 lớp, từ lớp 1-3. Còn những ngày thứ 2-4-6, cô dạy lớp 4-5. Cô Ba Tui tâm sự: “Chỉ cần thấy tụi nhỏ vui là tôi mãn nguyện rồi”.

Quý trọng tấm lòng của cô Ba Tui, các mạnh thường quân xa gần đã giúp cô tiền để mở rộng lớp học tình thương ngày càng khang trang. “Nay lớp học đã có điện, nhà vệ sinh, bể nước và nơi để các em nhỏ tắm gội. Ngoài ra, các mạnh thường quân còn hỗ trợ bàn ghế, sách vở, áo quần, học bổng… để động viên các trò nghèo đừng bỏ lớp” - cô Ba Tui cho hay.

Năm rồi, cô Ba Tui thường đau bệnh, các trò trưởng thành thấy vậy quay lại phụ cô đứng lớp (có em đã tốt nghiệp Trường đại học Đồng Nai). “Cô đừng nghỉ dạy, nếu cô nghỉ dạy các em nhỏ sẽ ra sao, suốt đời sẽ dốt mãi. Nghe tụi nhỏ nói vậy, tôi không sao kìm được xúc động. Tôi nghĩ, mình phải gắng sức duy trì lớp học chừng nào chết mới chịu buông ra” - cô Ba Tui cay sè mắt bày tỏ.

Bằng tấm lòng cảm thương với những đứa trẻ nhà nghèo, cô Ba Tui xem học trò như con cháu trong nhà. Mỗi bài giảng là những trăn trở thấm đẫm tình yêu thương mà cô dành cho lũ trẻ.

Ngoài việc nhận dạy chữ cho con em làng bè Long Bình Tân, những năm gần đây, cô Ba Tui phải gồng gánh dạy chữ cho số trẻ em là dân nhập cư từ các tỉnh miền Tây và Việt kiều từ Campuchia hồi hương mới đến. Cô Ba Tui tỏ bày, mỗi em học sinh trong cuộc mưu sinh trên bè cá là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là việc học của các em gặp nhiều trở ngại, tuy ham học nhưng việc học hết lớp 5 đã là một cố gắng lớn. Nhưng cũng có em ham học và được cô liên hệ với các trường để học tiếp THCS, THPT và cả cao đẳng...

Riêng các em từ các tỉnh miền Tây và Việt kiều Campuchia mới đến thì háo hức khi được tiếp cận với nét chữ, con số. “Hiện tại, địa phương vẫn còn những trẻ em nghèo theo cha mẹ về đây sinh sống và các em hiện đang khát khao biết đọc, biết viết, làm phép tính. Chính vì vậy, tôi luôn động viên mình phải kiên trì giữ lớp, giữ vững niềm tin cho các em” - cô Ba Tui thổ lộ.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều