Báo Đồng Nai điện tử
En

Bổng, trầm đời tài tử...

10:08, 09/08/2013

Mưa chiều bất chợt, trong ngôi nhà yến ríu rít tiếng chim, ông Võ Kiện Toàn (thành viên Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) suy tư trước bản thảo bài vọng cổ Nỗi nhớ quê hương. Sau bao lần chỉnh sửa, câu vọng cổ của ông càng da diết lòng: “Ai có đi xa mới hiểu được nỗi nhớ quê hương, nhớ người yêu cùng ta san sẻ, nhớ canh cá rô đồng nấu bằng cơm mẻ...”.

Mưa chiều bất chợt, trong ngôi nhà yến ríu rít tiếng chim, ông Võ Kiện Toàn (thành viên Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) suy tư trước bản thảo bài vọng cổ Nỗi nhớ quê hương. Sau bao lần chỉnh sửa, câu vọng cổ của ông càng da diết lòng: “Ai có đi xa mới hiểu được nỗi nhớ quê hương, nhớ người yêu cùng ta san sẻ, nhớ canh cá rô đồng nấu bằng cơm mẻ...”.

Tác giả Võ Kiện Toàn.
Tác giả Võ Kiện Toàn.

Mặc cho mưa gió trút lên đầu, “tài tử” Hoàng Long (ấp Rạch Mới, xã Phước An) mải mê trầm mình dưới dòng nước lạnh của con rạch Mới, khua đôi tay nghệ sĩ dưới lớp bùn cát tìm ốc. “Ban ngày tui ở nhà coi con cho vợ đi làm công nhân, hoặc gửi mấy đứa nhỏ cho bà nội để ra các con lạch mò cua bắt ốc về bán. Tối về nếu nhận được sô đám ma, đám giỗ thì tui mới đi ca để kiếm bông”- tài tử Hoàng Long run bần bật vì lạnh, trải lòng.

* Tài tử miệt vườn

Bông mà “tài tử” ấp Rạch Mới Hoàng Long nói qua hai hàm răng khua lụp cụp, chính là những đóa hồng, vạn thọ, cúc được khán giả nhét vào nhị 10 hay 20 ngàn đồng, tưởng thưởng cho giọng ca mùi mẫn của ông khi biểu diễn trên sân khấu đám ma, đám giỗ. “Tiền bông sau mỗi buổi biểu diễn được nhóm trưởng gom lại chia đều cho công sức đóng góp của từng người trong nhóm, gồm: tay đờn, người hát, MC. Riêng tui, thường được nhét riêng vào túi vài chục ngàn đồng vì mọi người thương cảnh tui nghèo, bần hàn như nhân vật trong khúc hát. Ở Phước An, tui là người được nhận nhiều bông nhất khi biểu diễn đó” -  “tài tử” miệt vườn Hoàng Long hồn nhiên tâm sự dưới làn nước lạnh cóng của con rạch Mới. Rồi anh bì bõm leo lên bờ, cắp nách rổ ốc gạo phóng lên xe máy của đứa em vợ đợi sẵn. Người anh rỉ nước suốt dọc đường như “làm dấu”.

Tiếng đàn của nghệ nhân Dứt dạt dào theo các giọng ca tài tử miệt vườn Phước An.
Tiếng đàn của nghệ nhân Dứt dạt dào theo các giọng ca tài tử miệt vườn Phước An.

Tại căn nhà lợp lá dừa ẩm thấp của “tài tử” Hoàng Long, các thành viên trong CLB đàn ca tài tử Phước An, như: Tám Nhịn, Tám Diệt, Năm Củ Sắn, Thanh Tâm, Kim Phượng... đang quây quần nhau đợi chúng tôi và Hoàng Long về. Sau khi tắm gội và thay bộ đồ vía cho tươm tất, “tài tử” Hoàng Long cùng mọi người ra căn chòi lá nơi Cảng Phước An để biểu diễn ngón đờn, tiếng hát. “Mỗi tháng tụi tui tổ chức sinh hoạt CLB một lần tại trung tâm học tập cộng đồng xã hoặc nhà hội viên. Mỗi lần họp mặt, tụi tui góp mỗi người vài chục ngàn đồng để làm quỹ thăm hỏi nhau và chi phí trà nước cho sinh hoạt. Phụ nữ thì dùng trà, bánh, cánh đàn ông thì có thêm chai rượu, dĩa mồi để tiếng đàn, giọng ca thêm mùi mẫn” - ông Tư Sủng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử xã Phước An, cho hay.

Là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật của tỉnh, ông Võ Kiện Toàn có trên 20 bài ca vọng cổ làm vốn liếng cho riêng mình. Trong đó có tác phẩm đoạt giải 3 cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học  - nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2011 của tỉnh. Nhiều bài khác cũng được các thành viên trong câu lạc bộ ưa thích, biểu diễn trong các hội diễn văn nghệ xã, huyện và đoạt giải.

Vốn là tài tử chuyên nghiệp xuất thân từ Đoàn cải lương, ca múa nhạc tổng hợp Đồng Nai và là đào cưng của các đoàn hát tên tuổi, như: Hương Mùa Thu, Hướng Dương, Khánh Linh, Sài Gòn 3... bà Tám Nhịn tâm sự, đời nghệ sĩ cũng như cung nhạc, lúc bổng lúc trầm. 17 tuổi, bà đã theo đoàn hát lưu diễn từ Nam chí Bắc. Những ngày ấy, bà luôn hóa thân dưới ánh đèn sân khấu là tiểu thư con nhà giàu, công chúa, hoàng hậu. Đến lúc rời đoàn, vợ chồng bà (chồng là nghệ sĩ Đặng Dũng) trở về với hiện thực hình ảnh người con sông nước Phước An, vốn liếng duy nhất là chiếc xe hon đa đam làm phương tiện chạy xe ôm và làm chân chạy chợ trời. “Không có sân khấu lớn để diễn, tụi tui vẫn tụ tập nhau diễn tại các sân khấu nhỏ, như: cúng miễu, đám cưới, đám tang, các phong trào văn hóa - văn nghệ của xã. Đây là lúc người nghệ sĩ biểu diễn trải lòng mình và bày tỏ sự ái mộ tình yêu vọng cổ của người dân sông nước Phước An”- bà Tám Nhịn thổ lộ.

* Hò - xự - xang - xê - cống

Bên chiếc chòi lá hữu tình, đưa nhẹ mắt nhìn ra cánh rừng ngập mặn Rạch Mới, bà Tám Nhịn lại bâng khuâng trải lòng, nghệ nhân đàn kềm Đặng Dũng mấy ngày nay chạy xe ôm không ai thèm ngồi, về nhà buồn thỉu, buồn thiu ôm chiếc đờn tự sự mãi, vợ hỏi không thèm trả lời. Thương chồng, bà Tám Nhịn phải nách rổ rá ra chợ buôn rau, bán cá. Lúc nhà hết gạo thì chạy sang nhà chồng xin gạo về thổi cơm. “Lúc còn theo đoàn hát thì vợ chồng tui còn có ít tiền gửi về cho ông bà nội, ngoại nuôi con. Đến khi rã đoàn thì cơm không có mà ăn, làm việc gì cũng đổ bể ráo trọi. Mãi đến năm 1997, bà xã tui mới quên được ánh đèn sân khấu khi tham gia công tác xã, huyện với các chức danh Trưởng công an, Giám đốc Trung tâm văn hóa xã, rồi Chủ tịch Hội phụ nữ xã...”.  

Các thành viên trong Câu lạc bộ đàn ca tài tử xã Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Các thành viên trong Câu lạc bộ đàn ca tài tử xã Phước An (huyện Nhơn Trạch).

Sợ nói quá nhiều về đời tư mà quên đi dòng máu hò - xự - xang - xê - cống đang rạo rực trong lòng, bà Tám Nhịn xung phong mở màn bài vọng cổ Làm theo li Bác (tác giả Võ Kiện Toàn) làm ngả nghiêng tiếng đờn của nghệ nhân Trương Văn Dứt. Đến câu 5 thì giọng bà Tám Nhịn nghẹn ngào chùng xuống và tiếng đờn của nghệ nhân Dứt gãy nhịp. “Đâu rồi giọng ca mượt mà của đào Tám Nhịn mê lòng người thuở nào. Có lẽ vì thiếu tiếng đàn mùi mẫn của nghệ nhân Đặng Dũng nên đào Tám Nhịn mới bị thiếu hơi, đành bỏ lửng bài vọng cổ giữa chừng khi sắp đến hồi kết...” - nghệ nhân Dứt ôm đờn tự biên tự diễn khúc vọng cổ còn sót lại để cứu nguy cho đào Tám Nhịn.

Câu lạc bộ đàn ca tài tử xã Phước An hiện có 59 thành viên. Ngoài vợ chồng nghệ sĩ Tám Nhịn, Đặng Dũng là dân chuyên nghiệp, các thành viên còn lại là tài tử miệt vườn đúng nghĩa. Họ đến với lời ca, tiếng đàn xuất phát từ lòng đam mê, tự học.

Nhấp ngụm trà đá thay rượu cho mềm chất giọng, “tài tử” Hoàng Long xung phong ca bài vọng cổ Tình anh bán chiếu. Ánh mắt anh say mê nhìn sông nước như đợi mong điều gì không thực. “Khi hát, nghệ sĩ luôn hóa thân thành nhân vật. Vì vậy, đừng nhầm tưởng ánh mắt họ nhìn mình đắm đuối, đong đưa là phát tín hiệu yêu thương, hẹn hò. Với nghệ sĩ, khán giả là điểm tựa cho ánh mắt chứ không phải là nhân vật mà người nghệ sĩ đang hướng về mình. Nói ra quả thật dễ mích lòng, nhưng đó là sự nhầm tưởng đáng yêu để khán giả đến với sân khấu vì ái mộ nghệ sĩ” - bà Tám Nhịn giải thích trước ánh nhìn mê mẩn sông nước của “tài tử” Hoàng Long khi trình diễn bài vọng cổ.

Thấy chất giọng nghệ sĩ miệt vườn của mình thiếu lửa, anh Hai Phụng lẳng lặng bỏ đi ra ngoài tìm chai đế với mấy con khô mực, đậu phộng rang nơi đầu ngõ. Quả thật, chỉ qua vài ly rượu, khúc vọng cổ của Hoàng Long, Kim Hồng, Thanh Tâm thăng hoa, mùi mẫn, ngả nghiêng theo tiếng đờn của nghệ nhân Dứt và kéo dài mãi khi trời đổ mưa mịt mù mới chịu chấm dứt.

Đoàn Phú

 

 
 

 

Tin xem nhiều