Báo Đồng Nai điện tử
En

Gập ghềnh bước hoàn lương (Bài 1)

09:08, 07/08/2013

Hoàn lương, tìm một nẻo về để trở thành người lương thiện không chỉ là khát vọng của những mảnh đời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng. Bởi không chỉ góp phần mang lại bình yên cho xã hội, mà việc mỗi người lầm lỗi hoàn lương, trở về với đường ngay nẻo sáng còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hoàn lương, tìm một nẻo về để trở thành người lương thiện không chỉ là khát vọng của những mảnh đời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng. Bởi không chỉ góp phần mang lại bình yên cho xã hội, mà việc mỗi người lầm lỗi hoàn lương, trở về với đường ngay nẻo sáng còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đường trở về nẻo sáng với nhiều người lầm lỗi luôn gập ghềnh, chông chênh, nên họ cần có nhiều yếu tố, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của xã hội, cho đến tấm lòng yêu thương của người thân, sự bao dung, nhân ái của cộng đồng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm làm lại cuộc đời, hướng đến điều thiện của những người mà cuộc đời đã trót nhúng chàm.

* Bước chân chông chênh

Mẹ mất sớm, 8 anh chị em của N.V.T. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chỉ còn biết bấu víu vào người cha làm thợ mộc. Nhà nghèo, cha luôn vắng nhà, quanh năm tất bật kiếm tiền nuôi đàn con đông đúc, không ai khuyên dạy, lại thêm tính ham chơi, T. đã bỏ học khi chưa hết lớp 6. Những tháng ngày nghỉ học, T. dùng để tụ tập, đàn đúm với đám bạn bè lêu lổng như mình.

Phạm nhân Trại giam Huy Khiêm sinh hoạt chuyên đề do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 21-7.
Phạm nhân Trại giam Huy Khiêm sinh hoạt chuyên đề do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 21-7.

Bước vào tuổi 20, bắt chước đám bạn xấu, T. thử chơi ma túy. Ban đầu, T. chỉ nghĩ “thử một lần cho biết”, nhưng không ngờ anh đã trở thành con nghiện sau cái lần dại dột ấy. Biết bao nhiêu lần nghe cha khuyên nhủ, T. cũng muốn lánh xa “cái chết trắng” ấy, nhưng anh không đủ nghị lực vượt qua. Đồng lương công nhân không đủ để thỏa mãn cơn nghiện ngày một tăng, T. bắt đầu tìm cách kiếm thêm tiền bất kể thủ đoạn. Đám bạn xấu rủ rê đi cướp giật, anh cũng gật đầu mà chẳng suy nghĩ nhiều.

Năm 2008, trong lúc đi cướp giật trên địa bàn phường An Bình, T. bị bắt. 27 tuổi, T. bước vào trại giam với cái án 3 năm 6 tháng tù vì tội cướp giật. Hay tin T. bị bắt vì tội cướp giật, bạn gái anh đã lẳng lặng cắt đứt quan hệ.

Cứ vài tháng, chắt mót đủ tiền, cha T. lại đến trại giam thăm nuôi con. Mỗi lần nhìn thấy gương mặt khắc khổ, mái tóc ngày càng bạc của cha, sự hối hận lại dâng lên trong lòng T. Từ đó, anh tự hứa sẽ sống lương thiện.

Hơn 3 năm trong trại giam, lánh xa được ma túy và đám bạn xấu, ngày trở về, T. tràn trề quyết tâm làm lại cuộc đời. Thế nhưng, với tiền án cướp giật, đơn xin việc của anh T. gửi đi nhiều nơi đã bị từ chối.

Không có tiền, phải sống dựa vào người cha già, ngày ngày đối mặt với những cái nhìn nghi kỵ, dò xét của láng giềng, mỗi lần trong xóm mất mát thứ gì là bao nhiêu ánh mắt nghi ngờ lại đổ vào anh, khiến T. ngày càng bức bối. Trong lúc đó, đám bạn hư hỏng cứ liên tục lôi kéo anh vào con đường xấu. Kìm lòng không được, T. lại theo chúng đi cướp giật. Một năm sau khi ra tù, T. lại bị công an bắt khi đang cướp giật dây chuyền. Lần này, anh vào Trại giam Huy Khiêm (tỉnh Bình Thuận) thụ án 4 năm 6 tháng tù.

“Tôi đã 32 tuổi mà chưa có bạn gái, vì còn có cô gái nào dám thương một kẻ tiền án, tiền sự đầy mình. Mỗi lần thấy cha đến thăm nuôi, tôi lại khóc vì thương cha cực khổ, giận mình không đủ quyết tâm từ bỏ thói xấu. Tôi hối hận lắm rồi, thụ án xong trở về, tôi quyết tâm tránh xa đám bạn xấu, làm ăn đàng hoàng để còn cưới vợ, có con, ổn định cuộc sống cho cha tôi vui lúc tuổi già” - T. thổ lộ ước mơ giản dị, nhưng cũng đầy khó khăn đối với anh.

* Gian nan nẻo về

N.C.B. (ngụ phường Long Bình) vướng vào ma túy từ rất sớm, lúc mới 16 tuổi. Gia đình khá giả, có xưởng sản xuất mộc, nếu quyết chí thì sẵn tay nghề, sẵn cơ ngơi gia đình, chuyện B. có cuộc sống ổn định như các anh chị mình là điều trong tầm tay. Thế nhưng, ma túy đã hủy hoại tương lai của chàng trai trẻ ấy. Biết bao nhiêu lần cai nghiện và cũng biết bao nhiêu lần B. cam kết sẽ từ bỏ ma túy, nhưng cứ gặp lại đám bạn xấu là anh quay về con đường nghiện ngập. 62 tuổi, mái tóc của bà N.T.Đ. (mẹ B.) bạc trắng vì buồn phiền, vì nỗi lo con đi vào đường hư hỏng.

Rồi cũng có một cô gái đẹp người, đẹp nết đem lòng thương B. Cô bảo, chỉ cần B. quyết tâm cai nghiện, tránh xa ma túy, cả hai sẽ tiến tới hôn nhân. Gia đình cô cũng sẽ cho đất đai, nhà cửa ở tỉnh Lâm Đồng để đôi vợ chồng son làm trang trại, gầy dựng cuộc sống lứa đôi. Ấy vậy mà, chỉ vì thiếu ý chí từ bỏ ma túy, B. đã đánh mất tất cả.

“May mắn khi được ở tù” - đó là suy nghĩ của L.H.P. (ngụ phường Long Bình). Gia đình nghèo khó lại đông anh em, P. lớn lên trong sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, suốt ngày tụ tập với đám bạn lêu lổng. Trong một cuộc nhậu, đám bạn rủ đi cướp, P. xách dao đi ngay. 18 tuổi, P. lãnh án 5 năm tù, thụ án tại Trại giam Huy Khiêm. “Vô đây, em được rèn luyện tính kỷ luật, được hiểu thế nào là đúng, sai, được nghe những điều mà trước đây chưa có ai dạy mình. Phải chi hồi trước có người bảo ban như vậy, em đã không phạm tội” - P. bộc bạch.

Ngày biết chắc B. tái nghiện, bà Đ. đã khóc, bảo cô con dâu tương lai: “Thôi, quên thằng B. đi. Nó không xứng đáng với tình yêu của con đâu. Đến với nó, con sẽ khổ cả đời. Mẹ thà bỏ con mẹ, chứ không nỡ thấy người tốt như con phải khổ”. Câu chuyện cổ tích tình yêu đã không xảy ra. B. lại tiếp tục sống vất vưởng bên lề cuộc đời.

Tự bản thân, B. cũng biết cuộc sống vô nghĩa của mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không đủ dũng cảm từ bỏ ma túy để làm người đàng hoàng, trong lúc tuyệt vọng, anh đã tìm đến cái chết. Một buổi tối, B. và một bạn nghiện đã nằm vắt ngang đường rầy. Xe lửa đến, người bạn bị cán chết, nhưng B. chỉ bị văng xuống đường, mất một mảnh sọ và một bàn tay. Khi lành thương tích, anh lại nghiện ngập bên những dòng nước mắt của mẹ.

Năm 2012, trong một lần lên cơn nghiện mà không xoay ra tiền, anh cướp luôn ma túy của kẻ bán “hàng”. Thế là B. bị bắt, thụ án 6 năm ở Trại giam Huy Khiêm. “B. là đứa không có ý chí, nên có khi ở tù lại là cái may cho nó, vì chỉ ở đó nó mới cai được ma túy. Hàng tháng, tôi lên thăm con, dù có vất vả nhưng lại rất an tâm, vì một năm nay con không còn nghiện ngập. Giờ nó lên cân, có da thịt, hồng hào hơn hồi ở nhà. Thà con ở trong tù mà còn con, hơn là con ở ngoài rồi mất con vì ma túy” - bà Đ. tâm sự.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều