Báo Đồng Nai điện tử
En

Không hợp đồng với người lao động là vi phạm (Bài cuối)

10:10, 01/10/2013

Do không đủ điều kiện về sức khỏe, hay lớn tuổi nhiều “công nhân” vệ sinh bị công ty từ chối tuyển dụng. Tuy nhiên, chính những người bị loại đó, thông qua trung gian lại trở thành người lao động trực tiếp cho đơn vị từ chối nhận mình.

Do không đủ điều kiện về sức khỏe, hay lớn tuổi nhiều “công nhân” vệ sinh bị công ty từ chối tuyển dụng. Tuy nhiên, chính những người bị loại đó, thông qua trung gian lại trở thành người lao động trực tiếp cho đơn vị từ chối nhận mình.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân vệ sinh cho biết, họ không đủ điều kiện để được Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai ký hợp đồng. Nhưng trên thực tế, những người “không đủ điều kiện” này vẫn nai lưng làm việc cho công ty đã từ chối mình thông qua người trung gian. Và như vậy, những lao động bị công ty loại ra vẫn làm việc hàng ngày cho công ty.

* Những công nhân bị… loại

Anh V.T. cho biết, trước đây cha mẹ anh làm trong công ty môi trường. Sau khi cha mẹ “giải nghệ”, cùng với một số người trong gia đình, anh cũng nối nghiệp cha mẹ để mưu sinh. Được một thời gian, do sức khỏe không đảm bảo, anh không được công ty ký hợp đồng lao động chính thức. Kể từ đó, anh phải xin thầu lại công việc của người khác để kiếm sống. Hàng ngày phải lăn lộn với rác nhưng một người “không đủ điều kiện” như anh lại phải chấp nhận “làm ké” người khác, để rồi đã thiệt thòi lại càng phải thiệt thòi hơn.

Dù không được nhận vào làm việc chính thức nhưng anh V.T. vẫn làm công việc vệ sinh môi trường.
Dù không được nhận vào làm việc chính thức nhưng anh V.T. vẫn làm công việc vệ sinh môi trường.

Cũng như anh V.T., do tuổi cao, mắt lại mờ, ông M. không thể xin vào làm công nhân chính thức để đi quét rác đêm. Được người quen nhận thêm đường (gom rác vào ban ngày) cho làm, ông vẫn bám trụ với công việc để kiếm sống.

Không chỉ có anh V.T., ông M. không đủ điều kiện ký hợp đồng lao động với công ty sử dụng lao động, mà trên thực tế, đã có không ít công nhân lao động kiểu này phải chấp nhận làm việc “ngoài luồng” để kiếm sống. Như vậy, dù không được công ty ký kết hợp đồng nhưng qua trung gian, họ lại trở thành “công nhân” của chính công ty đã từ chối mình. Một khoản lớn tiền bảo hiểm, bảo hộ và trách nhiệm đối với người lao động được công ty “tiết kiệm”, trong khi những người đang ngày đêm trực tiếp lao động phải chấp nhận thiệt thòi.

* Không ký hợp đồng là vi phạm

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, một số người cần có việc làm để kiếm thu nhập, nên khi kiếm được bất kỳ công việc gì, họ đều chấp nhận làm mà không cần đòi hỏi thêm chế độ khác (ngoài tiền lương ít ỏi) từ người sử dụng lao động. Lợi dụng nhu cầu này, những người có điều kiện và kể cả doanh nghiệp đã “tuyển” những “công nhân” này vào làm việc để giảm bớt chi phí cho các khoản trợ cấp khác. Trong trường hợp này, người trực tiếp lao động không có bất kỳ ràng buộc nào với công ty, mà chỉ là “hợp đồng miệng” với người thuê lại mình mà thôi. Đây cũng chính là thực trạng mà những người lao động trực tiếp đang tự đánh mất quyền lợi của mình khi chấp nhận làm việc mà không ký kết hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động.

Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai hiện đang quản lý 132 lao động chuyên xúc, vận chuyển rác thải; 61 công nhân quét đường; 36 công nhân rác phố; 39 công nhân xử lý chất thải… Qua thống kê cho thấy, mức lương bình quân của công nhân xúc, vận chuyển chất thải hơn 12 triệu đồng/tháng; công nhân quét đường gần 6 triệu đồng/tháng; công nhân rác phố hơn 6,6 triệu đồng/tháng… Riêng tiền lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban giám đốc cao nhất là 21,6 triệu đồng/người, thấp nhất 18,4 triệu đồng/người.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Danh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai, cho biết việc quét đường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện công ty đã giao cho Xí nghiệp môi trường Biên Hòa chịu trách nhiệm quản lý và điều hành. Trên cơ sở đơn “đặt hàng” của UBND TP.Biên Hòa về việc quét dọn, thu gom và vận chuyển rác tại những tuyến đường, khu vực cụ thể, Xí nghiệp môi trường Biên Hòa sẽ dựa trên cơ sở định mức, cân đối giá thành khối lượng công việc rồi giao khoán cho các công nhân từng đoạn đường để làm. Sau khi nhận khoán, các công nhân này tự bố trí lực lượng để hoàn thành công việc theo yêu cầu xí nghiệp đề ra. Theo ông Danh, do đặc thù công việc nên để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro có thể xảy ra, hoặc để rút ngắn thời gian làm việc, nhiều công nhân nhận thầu đã cho người nhà theo phụ. Đối với những người theo phụ, phía xí nghiệp không chịu trách nhiệm quản lý, cũng như việc chi trả tiền công và các chế độ khác. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ công việc và an toàn lao động, hàng đêm xí nghiệp vẫn bố trí người theo dõi và quan sát công việc của những người này. Trường hợp những công nhân chính thức muốn cho người theo phụ thì phải có đơn cam kết với xí nghiệp trong việc chấp thuận các chính sách, chế độ.

Trong khi đó, ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết trường hợp giữa công nhân và đơn vị sử dụng lao động không ký kết hợp đồng với nhau, nếu lỡ xảy ra tai nạn hay sự cố rủi ro thì mọi thiệt thòi người lao động phải gánh chịu. Trường hợp công ty không ký hợp đồng với người lao động, người lao động khi làm việc phải thông qua một người cai thầu, hoặc một người trung gian khác của công ty. Khi đó, mặc dù không trực tiếp ký hợp đồng với người lao động, nhưng đơn vị sử dụng lao động phải nắm danh sách những người làm việc cho mình.

Ông Tín cũng cho biết, những trường hợp lao động thông qua cai thầu, hoặc người trung gian (theo Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2013) làm việc cho công ty mà người cai thầu, hoặc người có vai trò trung gian không trả lương, hoặc trả lương không đầy đủ, không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.

Để nắm bắt việc quản lý và các chế độ chi trả cho người lao động tại một số công ty nhà nước, ông Tín cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các công ty, xí nghiệp thuộc Nhà nước quản lý về công tác quản lý tiền lương, chính sách và chế độ cho người lao động. Qua kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm về công tác quản lý lao động, chế độ chi trả tiền lương cho công nhân, Sở sẽ kiến nghị các cơ quan thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều