Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện vợ chồng vé số

11:01, 10/01/2014

Sinh ra với đôi mắt tật nguyền, anh Nguyễn Xuân Thể (27 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) luôn khát khao có được cuộc sống như bao người bình thường khác.

Sinh ra với đôi mắt tật nguyền, anh Nguyễn Xuân Thể (27 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) luôn khát khao có được cuộc sống như bao người bình thường khác. Vượt qua quãng đời tuổi thơ trong tăm tối, Thể đã tìm được “nửa yêu thương” là một cô gái tật nguyền. Tình yêu đã chắp thêm nghị lực sống cho anh vượt qua nghịch cảnh cuộc đời.

Sau những ngày rong ruổi bán vé số, chị Nguyễn ThỊ Duyên vẫn luôn chăm sóc từng bữa ăn cho chồng.
Sau những ngày rong ruổi bán vé số, chị Nguyễn Thị Duyên vẫn luôn chăm sóc từng bữa ăn cho chồng.

Câu chuyện về cuộc đời của cặp vợ chồng tật nguyền Nguyễn Xuân Thể  - Nguyễn Thị Duyên (bị tật bẩm sinh cả tay và chân) như một “câu chuyện cổ tích” giữa đời thường.

* Tuổi thơ tăm tối

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng ven biển thuộc huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Thể lớn lên trong bóng tối cuộc đời, khi đôi mắt của anh ngày một tối dần. Quãng đời thơ ấu của Thể trôi qua trong chát mặn, như chính vị mặn chát của những hạt muối mà cha mẹ anh làm ra. Anh Thể kể: “Lúc hơn một tháng tuổi, đôi mắt của tôi cứ dần khép lại. Do gia đình quá nghèo, không có tiền chạy chữa cho con, cha mẹ tôi đành xót xa nhìn mắt con tối dần đi. Thế là, tuổi thơ của tôi đã trôi qua trong bóng tối”.

Không được đến trường, phút chơi đùa cùng bạn bè đồng trang lứa cũng chỉ có trong tưởng tượng, tuổi thơ của Thể đã trôi qua trong tối tăm và buồn tủi. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mỗi ngày quần quật bám mặt trên cánh đồng muối mới kiếm đủ tiền lo cho 5 đứa con (Thể là con thứ 2), nên anh không dám đòi hỏi gì ở cha mẹ. Tuy vậy, Thể vẫn nuôi hy vọng có ngày điều kỳ diệu sẽ đến với mình, đó là được nhìn thấy ánh sáng.

Anh Thể nhớ lại, một ngày nọ, anh được một tổ chức y tế đến hỗ trợ mổ mắt nhân đạo (thuộc diện gia đình hộ nghèo). Nhưng khi thăm khám mắt anh, bác sĩ bảo không còn khả năng cứu chữa. Hết hy vọng, Thể buồn lắm! Lúc ấy, mọi người trong nhà ai cũng buồn, nhưng lại phải động viên anh quên đi mặc cảm thân phận mù lòa mà tiếp tục sống.

Sự động viên của tình thân đã là nguồn động lực to lớn giúp anh Thể vượt qua giai đoạn tuổi thơ đầy mặc cảm. Để rồi một ngày, anh nhận ra mình còn chân tay lành lặn, nên không thể cứ mãi sống bám vào những hạt muối mặn mòi được kết tinh từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn của cha mẹ.

* “Cổ tích” giữa đời thường

Biết mình không thể làm những công việc của người bình thường, anh Thể đã tìm mọi cách có thể để phụ giúp gia đình. Từ những việc lặt vặt, như: quét nhà, nấu ăn, rửa chén…,  dần dần anh đã làm được những việc khó hơn, như: nuôi gà, chăn vịt, chăm sóc vườn rau…

Chị Trần Thị Ngọc (sống cùng dãy trọ với vợ chồng anh Thể) cho biết: “Tôi chưa thấy vợ chồng nào có hoàn cảnh đặc biệt như vợ chồng anh Thể. Chồng mù lòa, vợ tàn tật, nhưng họ sống rất lạc quan, yêu đời. Đều đặn mỗi sáng, vợ chồng họ lại dắt tay nhau đi bán vé số mưu sinh”.

Thấy đứa cháu mù lòa đã biết chăm lo cho cuộc sống, lại ham học hỏi, bà Ngọc (cô ruột của Thể) đã tính chuyện mai mối cho anh một cô gái trong làng. Lúc ấy, nghĩ phận mình mù lòa, “thân chưa lo nổi thì sao dám tính chuyện lấy vợ”, nên Thể đã gạt phắt đi chuyện hôn nhân. Thế nhưng, sau những lần trò chuyện với cô gái (chị Duyên) được người cô mai mối, giữa hai người đã cảm thông hoàn cảnh của nhau.

Cũng mang thân phận tật nguyền, nhưng đôi mắt chị Duyên vẫn còn sáng. Chị Duyên kể: “Một cơn sốt nặng lúc 10 tuổi đã khiến tôi bị liệt nửa người. Kể từ đó, chân và tay phải của tôi không còn cử động được”. Sau nhiều nỗ lực chạy chữa của gia đình, chân chị Duyên đã có thể đi lại, nhưng cánh tay thì hoàn toàn bất động.

Nhớ lại những ngày gặp tai biến, chị Duyên buồn bã tâm sự: “Thấy tôi bệnh tật cha mẹ rất buồn. Nhưng gia đình nghèo, con lại đông, nên cha mẹ không còn đủ điều kiện cho tôi chữa trị tiếp. Là con gái, lại mang tật, nên tôi không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình”.

Hàng ngày, chị vẫn đều đặn gánh từng bó rau ra chợ bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thấy cảnh cô gái tật nguyền, nhưng vẫn chịu khó vươn lên bằng nghị lực, nhiều người rất cảm phục. Cùng bán rau với chị Duyên, bà Ngọc biết chị có thể đồng cảm với hoàn cảnh của anh Thể, nên đã đứng ra làm mối. “Cứ gặp mẹ tôi là cô Ngọc đưa chuyện làm mai ra bàn và thúc giục chuyện cưới xin” - chị Duyên kể lại.

Cảm mến được cái tình và sự chân thành của anh Thể sau những lần tiếp xúc với anh, cuối cùng chị Duyên đã quyết định chấp nhận tình cảm của Thể. “Biết sẽ gặp nhiều khó khăn khi cả hai nên nghĩa vợ chồng, nhưng vì cảm thông hoàn cảnh của nhau, chúng tôi đã quyết định đến với nhau” - chị Duyên bộc bạch.

* Dìu dắt nhau đi giữa cuộc đời

Sau ngày cưới, chị Duyên về ở nhà chồng, nhưng hàng ngày vẫn ra chợ với gánh rau quen thuộc của mình. Thấy vợ phải tần tảo sớm hôm, anh Thể đã quyết định bước chân ra khỏi ngôi nhà quen thuộc để cùng vợ kiếm sống.

Đôi mắt mù lòa, nhưng mỗi ngày anh Nguyễn Xuân Thể vẫn đi khắp nơi bán vé số.
Đôi mắt mù lòa, nhưng mỗi ngày anh Nguyễn Xuân Thể vẫn đi khắp nơi bán vé số.

Ngồi trong căn phòng trọ nhỏ vừa mới thuê ở KP.5, phường An Bình (TP.Biên Hòa), anh Thể tâm sự: “Cưới nhau được 2 tháng, vợ chồng tôi quyết định dắt nhau vào Nam kiếm sống. Sau một chuyến xe dài, khi hai vợ chồng vừa đặt chân đến TP.Biên Hòa thì trong túi chỉ còn lại 100 ngàn đồng. Khó khăn chồng chất, nhưng chúng tôi may mắn được người bạn cùng quê cho tá túc trong thời gian kiếm việc làm”.

Những ngày đầu chưa tìm được việc làm, có lúc vợ chồng anh Thể phải dắt nhau ăn xin để cầm cự qua ngày. Vừa xin ăn, anh Thể vừa cố gắng tìm kiếm một công việc phù hợp để kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. May mắn cũng đã đến, khi vợ chồng anh được một chủ đại lý vé số cho lấy thiếu vé số đi bán kiếm tiền lời. Kể từ đó, mỗi ngày vợ chồng anh lao ra khắp các ngả đường lăn lộn với cuộc mưu sinh. Mắt mù, đường không quen, không ít lần anh trở về phòng trọ với đôi chân chằng chịt những vết thương do va phải gốc cây, cột điện, chậu cây cảnh… dọc hai bên đường. 

Không khó khăn phải tìm đường như anh Thể, nhưng với một chân bị tật, việc đi lại của chị Duyên cũng không mấy dễ dàng. Mỗi ngày, dù cố gắng lắm, chị cũng chỉ đi được vài tuyến đường để rao bán vé số. Ngày nào may mắn bán hết xấp vé số 100 tờ, vợ chồng chị cũng kiếm được 100 ngàn đồng.

Tâm sự về cuộc đời gian truân của mình, anh Thể cho biết: “Sinh ra không may mắn như bao người khác, nhưng tôi vẫn còn chân tay lành lặn, nên phải đi kiếm sống. May mắn trời cho làm ăn thuận lợi, vợ chồng tôi sẽ dành dụm ít tiền vốn để về quê tìm công việc ổn định cuộc sống”.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều