Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về ấp Thuận Trường

09:02, 07/02/2014

Xuân đến, đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Hoa, Nùng, Sán Dìu… ở ấp Thuận Trường (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) tạm gác lại việc đồng áng, dành nhiều thời gian trang trí lại nếp nhà đón tết. "Tết mà, phải dọn nhà thật đẹp để rước xuân vào, đón con cháu, người thân về chơi chứ"- ông Sàn Ngọc Thành, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thuận Trường, thổ lộ.

Xuân đến, đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Hoa, Nùng, Sán Dìu… ở ấp Thuận Trường (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) tạm gác lại việc đồng áng, dành nhiều thời gian trang trí lại nếp nhà đón tết. “Tết mà, phải dọn nhà thật đẹp để rước xuân vào, đón con cháu, người thân về chơi chứ”- ông Sàn Ngọc Thành, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thuận Trường, thổ lộ.

* Đưa ấp thoát nghèo

Bụi hoa móng tay trước hiên nhà nở đỏ rực, ông Thành hoan hỉ tưới cho nó gàu nước mát để những nụ hoa giữ được bền lâu. Ông Thành khoe: “Từ ngày tui xây nhà mới, trong vườn lúc nào cũng có hoa nở. Hoa không chỉ báo mùa xuân đến, mà nó trang trí cho ngôi nhà của tui thêm rực rỡ và có cảnh trí để cho con cháu làm dáng chụp ảnh ngày tết”.

Ông Sàn Ngọc Thành (trái), Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thuận Trường, thăm ruộng bắp vụ đông - xuân hứa hẹn bội thu.
Ông Sàn Ngọc Thành (trái), Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thuận Trường, thăm ruộng bắp vụ đông - xuân hứa hẹn bội thu.

Cũng theo ông Thành, tháng 9-2013, ấp Thuận Trường đã ra khỏi danh sách ấp khó khăn của địa phương. “Vừa rồi, gia đình tui và 6 hộ dân khác bỏ ra 240 triệu đồng để kéo đường hạ thế dài gần 1km vào tổ 8 để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Trước đó, bà con trong ấp đã góp sức cùng ngành điện, địa phương kéo thêm 2,8km đường hạ thế và làm 830m đường giao thông kinh phí trên 450 triệu đồng” - ông Thành nói.

Từ một hộ nghèo, gia đình ông Thành được địa phương hỗ trợ một con bò giống. Qua 8 năm chăm sóc, ông đã có đàn bò 8 con. Sau khi bán bò, ông Thành chuyển sang nuôi heo và khoan giếng, kéo điện để cải tạo 9 sào ruộng từ 2 vụ lúa bấp bênh thành 2 vụ lúa và một vụ bắp ăn chắc. “Nhờ chính quyền quan tâm, kinh tế gia đình tui thay đổi theo từng cái tết. Sau khi cất được nhà đẹp và kinh tế gia đình dư dả, gia đình tui cùng các hộ dân khác trong ấp góp tiền làm đường, kéo điện đón năm mới và từng bước góp phần đưa ấp ra khỏi danh sách khó khăn của xã, huyện” - ông Thành tâm sự.

Là người có trên 20 năm làm trưởng ấp, ông Trần Văn Đạo cho biết, ấp Thuận Trường có 678 hộ dân, trong đó đồng bào các dân tộc: Tày, Hoa, Nùng, Sán Dìu… chiếm trên 80%. Từ một ấp thuộc diện khó khăn, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu… đã biết đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền, ban điều hành ấp trong việc đầu tư hạ tầng, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế…

Những hạt bắp đông - xuân sớm
Những hạt bắp đông - xuân sớm

Đến 9-2013, ấp Thuận Trường tự hào ghi tên vào danh sách thoát nghèo. “Dù ấp Thuận Trường thoát nghèo, nhưng chính quyền các cấp vẫn không ngừng quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, chăm sóc y tế, học tập, khuyến nông cho ấp. Những năm đời sống còn khó khăn, bà con ấp Thuận Trường mải lo kiếm kế sinh nhai nên thường quên mất ngày xuân ấm áp, tụ họp bên con cháu, cộng đồng. 5 năm trở lại đây, người dân ấp Thuận Trường thật sự khá lên qua các vụ mùa bội thu, chăn nuôi thắng lợi. Họ thi nhau xây nhà kiên cố, kéo điện, mở đường, đưa con lên thành thị học đại học… Vì vậy, ngày xuân ở Thuận Trường càng thêm rộn rã tiếng nói cười, lời chúc nhau năm mới, mùa màng bội thu” - ông Đạo bày tỏ.

* Xuân đoàn kết

Xuân này, ấp Thuận Trường chỉ còn 30 hộ diện nghèo, khó khăn. Ông Trần Văn Đạo cho hay, Tết Giáp Ngọ 2014, ấp vận động được trên 50 phần quà (mỗi phần trị giá trên 200 ngàn đồng) để chia sẻ cho những hộ nghèo, khó khăn và người có công, người uy tín trong ấp. “Năm ngoái, ấp tui vận động được 150 phần quà, nhưng số hộ nghèo, khó khăn của ấp chỉ có 50 hộ. Vì vậy, ấp phải mang quà lên xã nhờ địa phương chia sẻ cho các ấp khác” - ông Đạo nói.

Vốn là người nhiệt tình với các phong trào của ấp, anh Trần Thanh Hải cho hay, ngày tết cũng là dịp nông dân các anh có dịp tụ họp bên mâm cơm ngày tết bàn chuyện xóm làng, sẻ chia kinh nghiệm làm kinh tế. “Bao năm qua, người Kinh, Tày, Nùng, Hoa… ở ấp Thuận Trường đã quen ngồi chung nhau mâm cỗ, bàn chuyện tốt của xóm làng và đến từng nhà thăm hỏi nhau. Ở đây, dù người Kinh hay người Tày, Nùng, Hoa…, chúng tôi luôn đoàn kết, một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ, chính quyền” - vừa nói, anh Hải vừa chỉ tay về tuyến đường, nơi có đường dây điện hạ thế thẳng tắp mà anh và người dân trong ấp đóng góp mở rộng và kéo điện sinh hoạt, tưới tiêu.

Tuy còn khó khăn, nhưng từ những năm trước, Thuận Trường đã có nhiều tuyến đường giao thông, lưới điện hạ thế làm bằng 100% sức dân
Tuy còn khó khăn, nhưng từ những năm trước, Thuận Trường đã có nhiều tuyến đường giao thông, lưới điện hạ thế làm bằng 100% sức dân

Còn anh Sán A Hùng thì nở nụ cười thật tươi bên ruộng bắp phơi phới dưới nắng xuân tỏ bày, năm nay gia đình anh đón năm mới tưng bừng hơn mọi năm khi 5 sào ruộng cao trồng bắp vụ đông - xuân sớm thu hoạch được trên 25 tấn. Ra tết là anh Hùng có thêm vài chục tấn bắp nữa, khi ruộng bắp 3 sào của mình đang trổ cờ rất đều.

Trưởng ấp Thuận Trường Trần Văn Đạo nhấn mạnh, ngoài tết riêng của dân tộc mình, đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… trên địa bàn ấp Thuận Trường còn có Tết Nguyên đán. Đó là cái tết đoàn kết, thể hiện tấm lòng của người dân hướng về tổ tiên, về Đảng và Bác Hồ.

Trao đổi với chúng tôi bên ngôi nhà tình thương vừa được bàn giao cho hộ nghèo Vòng Văn Hùng, bà Huỳnh Thị Ngọc Mai, cán bộ phụ trách tôn giáo - dân tộc xã, cho hay xã Sông Thao có 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất xen kẽ nhau tại 3 ấp: Thuận Trường, Thuận Hòa và Thuận An. Đồng bào dân tộc ở ấp Thuận An hiện khá hơn các ấp Thuận Trường và Thuận Hòa. “Đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã mấy năm nay sống rất đoàn kết, một lòng tin tưởng vào Đảng và chính quyền địa phương. Nhờ các chương trình ưu đãi đầu tư điện - đường - trường - trạm - khuyến nông - giáo dục… của Trung ương, địa phương mà đời sống, hạ tầng ở đây ngày thêm khởi sắc, phát triển” - bà Mai cho biết.

Kinh tế phát triển đồng nghĩa với trình độ dân trí trong dân ngày càng cao và người dân ngày càng khát vọng lớn hơn trong việc làm giàu, đưa con em lên thành thị học đại học, làm nghề. Điều đó được nhìn thấy qua cảnh mua sắm tất bật, vui xuân hớn hở của bà con trong những ngày tết vùng nông thôn” - bà Mai nhấn mạnh.  

Thành Nhân

 

 

 

Tin xem nhiều