Báo Đồng Nai điện tử
En

Gà trống nuôi con

03:04, 12/04/2014

Vừa tan ca chiều, anh Nguyễn Phi Hùng (quê tỉnh Nghệ An) vội ra đầu ngõ mua bao cám về cho chị Huyền chăm heo. Về tới trại thì trời lất phất mưa. Đặt bao cám dưới đầu gường, anh đảo mắt tìm vợ nhưng chỉ thấy nồi nước tắm đang sôi sùng sục trên bếp.

Vừa tan ca chiều, anh Nguyễn Phi Hùng (quê tỉnh Nghệ An) vội ra đầu ngõ mua bao cám về cho chị Huyền chăm heo. Về tới trại thì trời lất phất mưa. Đặt bao cám dưới đầu gường, anh đảo mắt tìm vợ nhưng chỉ thấy nồi nước tắm đang sôi sùng sục trên bếp. Linh tính báo điềm không may, anh Hùng liền gọi con trai đang trông nom các em tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) quay lại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) cùng cha tìm mẹ. Sau nửa giờ tìm kiếm thì cả hai sững sờ, đau xót khi vớt được  xác chị Huyền bị đuối nước dưới ao sâu.

Sự cô đơn, vất vả nơi đất khách vẫn không làm anh Nguyễn Phi Hùng nản chí, bỏ bê đàn con ngoan của mình. Ảnh:  Đ.PHÚ
Sự cô đơn, vất vả nơi đất khách vẫn không làm anh Nguyễn Phi Hùng nản chí, bỏ bê đàn con ngoan của mình. Ảnh: Đ.PHÚ

Từ ngày chị Huyền mất, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai của anh Hùng. Để các con ấm lòng, an toàn với mưa nắng khi thiếu mẹ, anh Hùng lại di chuyển đàn con từ KP.5, phường Thống Nhất sang KP.1, phường Quyết Thắng tá túc. “2 giờ sáng là tôi thức giấc ra trước cửa nhà trọ ngồi một mình thẫn thờ hút thuốc để chờ sáng. Nghe tiếng tàu xình xịch qua ga Biên Hòa, lòng tôi càng da diết nhớ vợ, nhớ quãng đời cơ cực mà vợ chồng chúng tôi chung vai gánh vác cưu mang đàn con, các em của nhau” - anh Hùng cay xòe mắt tâm sự.

* Bôn ba

Ga Biên Hòa lặng lẽ khi về chiều, những thanh ray láng bóng qua ánh điện hắt ra từ căn phòng trọ lụp xụp càng khó nhận biết đâu là chỗ trọ mới của 5 cha con anh Hùng vừa chuyển đến. Sau vài lần gõ cửa tìm nhà, cánh cổng sắt cót két mở ra và người đàn ông góa vợ Nguyễn Phi Hùng (54 tuổi) mở cửa đón tiếp chúng tôi vào nhà. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, anh Hùng bắt đầu hé lộ với chúng tôi về quãng đời phiêu bạt của mình từ năm 1987 đến nay. 

Thầy Nguyễn Huy Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa), cho biết 3 người con của anh Hùng gồm: Châu, Ngọc, Nguyên đều là học sinh giỏi của trường và nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để động viên các em. “Các em luôn là tấm gương sáng trước bạn bè về nghị lực vượt khó, tính tự lập trong cuộc sống và tinh thần ham học, yêu thương nhau” - thầy Nguyên chia sẻ.

Trải qua 30 lần di chuyển chỗ ở và nay 5 cha con anh Hùng tá túc tại khu nhà trọ ở KP.1, phường Quyết Thắng. Tuy vậy, 4 đứa con của anh, gồm: Toàn (26 tuổi), Châu (27 tuổi), Ngọc (14 tuổi), Nguyên (11 tuổi) vẫn không một ngày thất học, liên tục đạt học sinh giỏi các cấp. “Tôi và vợ tôi đều là con cả trong gia đình có 7 chị em, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác nên phải đứng ra lo cho các em. Cũng vì chữ tình, chữ nghĩa mà chúng tôi bôn ba khắp nơi mưu tìm cuộc sống. Vậy mà, cô ấy đã bỏ tôi ra đi khi con Châu học lớp 10, Ngọc lớp 5, Nguyên lớp 3, còn thằng Toàn thì vừa làm, vừa học đại học” - anh Hùng thổ lộ trong tiếng rầm rập của đoàn tàu ngang qua.

Một điếu thuốc mới được kê vào môi khi điếu kia vừa tàn. Anh Hùng bồi hồi nhớ về quá khứ: Năm 1981, sau khi học xong phổ thông, anh tình nguyện nhập ngũ. Đến năm 1984 thì anh xuất ngũ về phụ chị gái nuôi 5 đứa em nhỏ khi mẹ mất, cha đi bước nữa. Năm 1987, anh lập gia đình với chị Huyền và dẫn theo 5 em từ vùng quê Tường Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về vùng Con Cuông (Nghệ An) lập nghiệp. Chờ cho 5 người em lần lượt yên bề gia thất ở vùng đất mới, anh lập tức làm một chuyến đi dài, hết vùng đất này đến vùng đất khác tìm kiếm cuộc sống sung túc cho đàn con. “Từ Con Cuông tôi dẫn vợ con vào TP.Vinh, rồi các tỉnh Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh. Năm 2008 thì gia đình tôi về TP.Biên Hòa. Mỗi lần di chuyển chỗ ở là thêm một lần cơ cực, trắng tay. Tuy vậy, có 2 điều tôi luôn khắc nhớ trong lòng là tôi phải tháo khớp 2 ngón tay vì tai nạn lao động, và năm 2010 mất đi người vợ cùng kham chịu khổ với mình tại vùng đất Biên Hòa này” - giọng anh Hùng đứt quãng và những giọt nước nhỏ rịn ra từ hai hốc mắt sâu thẳm càng làm anh già hơn, tiều tụy hơn.

* Bảo bọc đàn con

Cuộc sống khó nghèo có vùi dập, làm nhụt chí người đàn ông góa vợ Nguyễn Phi Hùng với những nghịch cảnh đời thường cơm, áo, gạo, tiền. “Dù vợ chồng tôi bôn ba nhiều nơi, hết vùng sâu xa đến thành thị, nhưng vẫn không để 4 con một ngày thất học. Đi đến đâu cũng vậy, điều đầu tiên tôi dừng chân là nơi ở phải luôn gần trường, thuận tiện cho các con đi học. Còn công việc làm thì tùy nghi ứng phó, không công nhân thì thợ hồ, thợ sắt, thu mua ve chai hoặc bán hàng rong trên các vỉa hè… Vợ chồng không ngại khó việc gì, miễn sao hàng ngày kiếm đủ tiền chi phí cho sinh hoạt, phòng trọ và học hành của các con” - anh Hùng cho hay.

Chỉ có ngày chủ nhật, cha con anh Nguyễn Phi Hùng mới có mặt đầy đủ tại khu nhà trọ ở KP.1, phường Quyết Thắng.
Chỉ có ngày chủ nhật, cha con anh Nguyễn Phi Hùng mới có mặt đầy đủ tại khu nhà trọ ở KP.1, phường Quyết Thắng.

Rồi anh lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về 4 niềm tự hào của anh, gồm: Toàn (hiện đang ôn thi cao học ngành quản trị kinh doanh), Châu (sinh viên năm nhất Truờng đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), Ngọc lớp 9 và Nguyên lớp 7 (Truờng THCS Thống Nhất) các em đều là học sinh, sinh viên khá giỏi và liên tục nhận học bổng. “Hôm hay tin mẹ mất, 3 chị em cháu chỉ biết ôm nhau nơi nhà trọ mà khóc suốt đêm. Hôm ấy, trời mưa lớn lắm, vì xót mẹ chúng cháu quên cả việc lấy thau hứng nước nên nhà lai láng nước ngập, giờ nhớ lại cảnh ấy cha con cháu không cầm được nước mắt” - em Châu bồi hồi nhắc lại chuyện buồn xảy ra 4 năm trước với gia đình em. Lúc ấy, Châu đang học lớp 10, còn em Ngọc lớp 5, Nguyên mới lớp 3.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Châu (con gái anh Hùng) tâm sự, mẹ mất, cha và anh phải tăng ca liên tục, nên ngoài việc học em phải có trách nhiệm chăm sóc 2 em Ngọc và Nguyên và lo cơm nước cho cả gia đình hàng ngày. “Trong 3 năm học THPT, hè nào con cũng tranh thủ đi phụ quán. Nay về TP.Hồ Chí Minh học đại học, con vẫn tìm việc làm thêm để chia sẻ với cha, anh trai phần chi phí học tập, nhà trọ, sinh hoạt” - em Châu tỏ bày.

Không còn người bạn đời cùng cam cộng khổ, anh Hùng vẫn kiên cường vai trò người trụ cột dù cơ thể chỉ còn 50 kg, mắt thâm sâu và gò má đọng trũng nước mắt khi đêm dài nằm bó gối trằn trọc. Từ ngày chị Huyền mất, trách nhiệm làm cha và kiêm luôn vai trò làm mẹ của anh càng làm cho anh để ý tiếng những chuyến tàu Bắc Nam chạy qua nhà khi về đêm. Bởi trong anh, những chuyến tàu ấy thỉnh thoảng lại có anh trở về quê thăm ông bà nội, ngoại già yếu và rước các em, cháu bên anh, phía vợ vào Biên Hòa cưu mang, tìm việc làm. “Số tiền hai vợ chồng tôi và cháu Toàn lao động trong tháng không đủ trang trải cho các khoản sinh hoạt gia đình, các con học hành và lễ nghĩa ngoài quê. Mỗi lần ra quê lo chuyện họ hàng, khi trở về là vợ tôi gầy và xanh xao hơn” - anh Hùng tỏ bày.

Thêm một chuyến tàu nữa qua ga và ngôi nhà trọ nhỏ của cha con anh  Hùng lại rung rinh vì sức mạnh của đoàn tàu. Bữa cơm tối đạm bạc của gia đình được dọn ra nền gạch và các con anh Hùng không quên bới một chén cơm đầy mời mẹ về cùng ăn. “Đời tôi rồi sẽ có một ngày sung sướng khi các con khôn lớn thành tài. Để chờ ngày ấy, tôi phải tiếp tục hy sinh vì con và không ngừng động viên các cháu dù bụng đói, điều kiện kinh tế khó khăn cũng không được một ngày vắng lớp” - anh Hùng chỉ tay vào vách tường phòng trọ treo chi chít giấy khen, chứng nhận học bổng của các con và trải lòng.

    Đoàn Phú     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều