Báo Đồng Nai điện tử
En

Người phục dựng chân dung liệt sĩ qua lời kể

09:07, 26/07/2014

Gần 200 bức ký họa về chân dung của các liệt sĩ thông qua lời kể của người thân, đồng đội đã được họa sĩ Võ Tấn Thành (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thực hiện bằng các nét vẽ chân thực, giàu tính nhân văn.

Gần 200 bức ký họa về chân dung của các liệt sĩ thông qua lời kể của người thân, đồng đội đã được họa sĩ Võ Tấn Thành (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thực hiện bằng các nét vẽ chân thực, giàu tính nhân văn. Với biệt tài khôi phục hình ảnh của những liệt sĩ từ lời kể hay tấm ảnh chụp hộp sọ, họa sĩ đã góp phần tri ân công lao to lớn của những người đã khuất. Trong công việc, bao giờ ông cũng dành tình cảm đặc biệt cho những tác phẩm vẽ về chân dung các liệt sĩ. Nếu bức ảnh hoàn thành có vài điểm sai sót, ông lại cảm thấy có lỗi với những thân nhân đang ngóng chờ, mong mỏi có được một tấm di ảnh.

Bà Điểu Thị Cúc xem chân dung đồng đội của mình là anh hùng liệt sĩ Điểu Cải do họa sĩ Võ Tấn Thành phục dựng. Ảnh:  T.Hải
Bà Điểu Thị Cúc xem chân dung đồng đội của mình là anh hùng liệt sĩ Điểu Cải do họa sĩ Võ Tấn Thành phục dựng. Ảnh: T.Hải

Anh hùng liệt sĩ Điểu Cải (1949-1969) là người con ưu tú của dân tộc Chơro tại xã Túc Trưng (huyện Định Quán) đã dũng cảm bắn rơi máy bay giặc và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. 45 năm sau ngày ông hy sinh, bà con nơi đây chưa có tấm ảnh nào của liệt sĩ nên địa phương đã đưa ra ý tưởng phục dựng lại chân dung liệt sĩ để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống.

* “Hồi sinh” chân dung liệt sĩ Điểu Cải

 “Ngay khi nhận được lời đề nghị phục dựng lại chân dung liệt sĩ Điểu Cải từ Ban Tuyên giáo huyện Định Quán, tôi liền bắt tay ngay vào công việc. Ðó là niềm tự hào, là hạnh phúc đối với tôi, bởi không dễ gì được vẽ lại bức chân dung người anh hùng mà từ lâu đồng bào dân tộc Chơro đã xem ông là tấm gương hy sinh cho quê hương. Cảm xúc hoàn toàn khác với những tấm chân dung tôi đã vẽ trước đây” - họa sĩ  Thành nói.

So với những bức ký họa trước, lần thực hiện này ông vẽ không phải chỉ thông qua lời kể của người thân gia đình liệt sĩ mà còn từ những đồng đội đã nhiều năm từng tham gia chiến đấu. Ông cất công lặn lội nhiều ngày khắp xã Túc Trưng, tìm gặp các nhân chứng để thu thập tư liệu. Trong số này, nhiều người bây giờ đã già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng một vài chi tiết họ đưa ra cũng là “chất liệu” quý để ông hoàn thành bức ảnh.

Hơn 20 năm vẽ chân dung những người đã khuất (đa số không kịp để lại di ảnh), đây cũng là lần đầu ông được mời vẽ cho nhân vật là người dân tộc Chơro. Nhìn bề ngoài, thể trạng của người Kinh có nhiều nét tương đồng với người Chơro, nhưng đi sâu phân tích bố cục khuôn mặt lại có sự khác biệt rõ rệt. Hơn nữa, không phải nhân chứng nào cũng có nhận xét, lời kể giống nhau nên người vẽ phải tỉnh táo chọn lọc từng chi tiết.

Qua nét cọ của mình, họa sĩ Võ Tấn Thành đã tham gia cộng tác với cơ quan công an khám phá được hàng chục vụ án. Với thành tích trên, năm 2007 Bộ Công an tặng ông kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng lao động sáng tạo trong 2 năm liền (2007-2008). Tại hội thi Sáng tạo công nghệ - khoa học toàn quốc lần thứ 9 (7-2008), công trình nghiên cứu giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung của ông đoạt giải 3...

“Vẽ một người bình thường đã khó, vẽ người anh hùng mà cả dân tộc Chơro coi trọng còn áp lực hơn. Ai cũng kỳ vọng có tấm ảnh giống như mình đã từng thấy trước đây. Ngoài việc tham khảo ý kiến của người em gái, các đồng đội của liệt sĩ Điểu Cải, đến khi có thông tin liệt sĩ còn người chú ruột tôi liền tức tốc đi tìm gặp ngay. Cứ có thêm một lời nhận xét thì bức ảnh mới hoàn thiện, chỉn chu hơn, dù đó là lời kể của ông già hơn 90 tuổi” - họa sĩ phân trần.

Với “vốn” dắt lưng dày dạn sau nhiều năm vẽ tranh qua lời kể của các nhân chứng, sau thời gian hơn 1 tháng, ông đã hoàn thành bức chân dung này. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa, bức ảnh được nhiều người đón nhận, bày tỏ cảm xúc như gặp lại chính người anh hùng lúc sinh thời qua bức chân dung mà họa sĩ Thành đã vẽ. Bà Điểu Thị Cúc, đồng đội của liệt sĩ, cho biết: “Sau 45 năm anh Điểu Cải hy sinh, bây giờ mới có thể tìm lại hình ảnh người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, mưu trí mà tôi và các bạn của mình nhìn thấy ngày xưa”.

* Vẽ chân dung các liệt sĩ

Nhiều người biết đến ông với vai trò là người họa sĩ có biệt tài vẽ tranh ngược trên chai lọ, mảnh thủy tinh; phác họa chân dung các nghi can tội phạm trong các vụ án mất dấu thủ phạm đã giúp cơ quan điều tra tìm ra kẻ thủ ác. Gần 20 năm qua, ông gắn bó với công việc vẽ chân dung qua lời kể bằng kỹ thuật chuyên sâu của ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học hình sự. Ông còn tìm tòi nghiên cứu, tự sáng tạo cả phần mềm để phục vụ trong việc phác họa chân dung.

Họa sĩ Võ Tấn Thành chỉnh sửa lại chân dung anh hùng liệt sĩ Điểu Cải trên máy vi tính.
Họa sĩ Võ Tấn Thành chỉnh sửa lại chân dung anh hùng liệt sĩ Điểu Cải trên máy vi tính.

Với khả năng tạo chân dung bằng cách phác họa ảnh bán diện (thông thường các họa sĩ vẽ ảnh trực diện) nên khi hoàn thành bức ảnh đạt độ giống cao từ 80-90%. Và từ những ý tưởng sáng tạo ấy, ông đã phác thảo thành công gần 200 bức chân dung liệt sĩ qua lời kể của thân nhân gia đình, đồng đội.

“Đối với tôi vẽ không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn thể hiện sự khác biệt của mình để không bị lẫn với bất cứ ai khác. Muốn có một tác phẩm đẹp theo đúng nghĩa, người vẽ phải có cái tâm, luôn tìm sự sáng tạo. Khi vẽ chân dung qua lời kể của nhân chứng, mình phải làm thế nào để họ hồi tưởng lại một cách chân thực quá khứ đã qua” - họa sĩ Thành nói.

Trong căn nhà của họa sĩ, khắp tường nhà đều treo kín các bức ảnh với đủ nội dung, chủ đề. Bên cửa nhà lại có chiếc bàn đặt lư hương, bình hoa tươi. Hỏi ra mới biết đó chính là nơi mà thân nhân những liệt sĩ đã khuất đến thắp nén nhang gửi hy vọng có được tấm ảnh phục dựng thành công để đưa về thờ. “Cách đây mấy năm, có gia đình tìm đến tôi, họ chỉ đưa tấm ảnh chụp hộp sọ của một liệt sĩ khi cải táng. Nếu dùng lời kể để vẽ lại thì không vấn đề gì nhưng hình như gia đình neo người, không ai nhớ rõ nên tôi chấp nhận vẽ qua ảnh” - họa sĩ tâm sự.

Ông phải mất nhiều thời gian đo đạc, kiểm tra thật kỹ lưỡng cấu tạo xương đầu theo tỷ lệ của người Việt để áp dụng. Khi hoàn thành bức chân dung, mời gia đình đến nhận diện, vừa nhìn thấy bức chân dung của cha, người con trai rất xúc động cứ ôm lấy bức ảnh mà khóc nức nở như nhìn thấy cha mình lúc sinh thời. Những lúc như thế, họa sĩ Thành lại thấy đam mê, yêu cái nghiệp cầm cọ, lọ sơn hơn bao giờ hết. Ở tuổi 65, ông muốn có thể hành trình khắp nơi để giúp đỡ những gia đình liệt sĩ chẳng may không giữ lại bức di ảnh của người thân trước khi mất.

“Mỗi tấm chân dung được hoàn thành, tôi xem đó là cách trả ơn cho công lao to lớn của các anh đã hy sinh mà không kịp để lại tấm ảnh cho gia đình để người thân tưởng nhớ mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết. Và mỗi lần như thế, tôi không chỉ tập trung sức nặng vào giá vẽ, cây bút, mà thẳm sâu từ trái tim mình, mong cho người ra đi và ở lại đều được thanh thản, ấm lòng” - ông trầm ngâm chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều