Báo Đồng Nai điện tử
En

Bới rác mưu sinh

10:08, 25/08/2014

Mùi tanh hôi bao trùm cả đống rác, con bé Thúy cứ vậy lẽo đẽo theo sau chúng tôi. Chúng tôi cứ ngỡ có cô bé làm bạn sẽ dễ dàng bắt chuyện làm quen với những người nhặt rác tại bãi rác tạm tổ 5, KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), vậy mà chị Ba Thy (mẹ bé Thúy) tỏ ra bực bội đến mức đuổi chúng tôi đi chỗ khác. "Mấy chú đi nơi khác mà chụp hình, cứ lảng vảng ở đây làm tụi tui không làm ăn gì được" - chị Ba Thy cộc cằn nói.

Mùi tanh hôi bao trùm cả đống rác, con bé Thúy cứ vậy lẽo đẽo theo sau chúng tôi. Chúng tôi cứ ngỡ có cô bé làm bạn sẽ dễ dàng bắt chuyện làm quen với những người nhặt rác tại bãi rác tạm tổ 5, KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), vậy mà chị Ba Thy (mẹ bé Thúy) tỏ ra bực bội đến mức đuổi chúng tôi đi chỗ khác. “Mấy chú đi nơi khác mà chụp hình, cứ lảng vảng ở đây làm tụi tui không làm ăn gì được” - chị Ba Thy cộc cằn nói.

Mưu sinh tại bãi rác tạm tổ 5, KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.
Mưu sinh tại bãi rác tạm tổ 5, KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.

Thái độ của chị Ba Thy còn lây sang những người nhặt rác khác. Tệ đến mức, khi chúng tôi hỏi chuyện, họ cụt ngủn trả lời qua quýt không nể nang. Cuối cùng, chúng tôi mới vỡ ra điều này, chị Ba Thy là người dẫn dắt mọi người về đây nhặt rác mưu sinh, nên chị thật sự “quyền lực” tại bãi rác tạm này.

* Từ quê lên... bãi rác

Ăn qua quýt bữa cơm sáng, rồi bới đầy cơm vào chiếc cà mèn để dùng bữa trưa, chị Sáu Hạnh hối thúc anh Năm Tuấn (chồng chị) uống nhanh ly cà phê để đi làm. Chị Sáu Hạnh cho hay, quê chị ở tận mũi Cà Mau. Do ở quê không có việc làm, vợ chồng chị phải gửi con cho nội, ngoại trông coi để lên thị trấn Vĩnh An thuê nhà trọ nhặt rác mưu sinh. Đến nay, vợ chồng chị đã có một năm nhặt rác và cũng dư dả được chút đỉnh. “Đồ dùng trong nhà trọ của vợ chồng tui toàn đồ nhặt được từ bãi rác. Thứ mà người ta bỏ đi, vợ chồng tui đem về sửa chữa, giặt giũ sạch sẽ để dùng” - chị Sáu Hạnh nói.

Rời khu nhà trọ ở thị trấn Vĩnh An, vợ chồng chị Sáu Hạnh với lỉnh kỉnh bao, cào, đồ ăn nước uống đèo nhau trên xe máy đi làm. Anh Năm Tuấn thể hiện cử chỉ thương vợ bằng cách lót mấy cái bao đựng rác trên yên xe để chị Sáu Hạnh ngồi cho êm mông.

Anh Năm Tuấn nói: “Vợ chồng tui biết đến đống rác này là nhờ chị Ba Thy chỉ đó. Lúc còn ở quê, vợ chồng tui chỉ quen với việc làm ruộng thuê. Mà ở quê, công việc làm thuê bữa được, bữa mất nên bí bách lắm”.

Vợ chồng chị Sáu Hạnh hỉ hả đón nhận ngày làm việc mới nơi bãi rác tanh mùi, ruồi xanh bay đầy xung quanh. Tuy vậy, vợ chồng chị không mang khẩu trang, bởi lý do ngồ ngộ: “Làm riết quen mùi rác nên không còn nhận ra mùi tanh hôi. Hơn nữa, đeo khẩu trang vào bị ngộp, không thở được”.

Thấy chúng tôi ra vẻ chưa hiểu chuyện, anh Năm Tuấn giải thích thêm, lúc mới vào nhặt rác, vợ chồng anh cũng sợ hôi nên mang khẩu trang, nhưng được vài tiếng thì mùi rác hút hết không khí trong lành nên anh chị không thở được. Được người làm trước bày cách, anh chị không đeo khẩu trang nữa và thật sự thấy dễ thở hơn. “Làm nghề này mà sợ đen, sợ hôi và dơ bẩn thì khó làm. Vợ chồng tui chỉ nghĩ đến cách làm sao nhặt được nhiều rác thì áp dụng” - anh Năm Tuấn bộc bạch.

* Phận người nơi bãi rác

Nắng trưa bắt đầu rọi xuống bãi rác, đống rác hôi thối, tanh tưởi được cào xới liên tục bởi những người nhặt rác càng thêm nồng nặc mùi. Chúng tôi vào các bụi cây, nơi những người nhặt rác chọn làm chỗ nghỉ trưa, tìm không khí tốt hơn để thở và quan sát mọi người đang lúi húi bới tìm cuộc sống nơi đống rác. Bé Thúy vẫn cứ tò tò theo chúng tôi hỏi chuyện này nọ của trẻ con.

Thấy bé Thúy thân thiện với chúng tôi, chị Ba Thy tỏ thái độ khó chịu và đuổi chúng tôi đi nơi khác hỏi chuyện, chụp hình. Lời chị Ba Thy thật sự có “quyền lực” tại bãi rác này, vì chị là người nhặt rác thâm niên, có công rủ nhiều người khác về đây cùng nhặt rác mưu sinh.

Những thứ thu nhặt từ bãi rác sẽ giúp vợ chồng anh Năm Tuấn có tiền gửi về quê nuôi con.
Những thứ thu nhặt từ bãi rác sẽ giúp vợ chồng anh Năm Tuấn có tiền gửi về quê nuôi con.

Trước thái độ của chị Ba Thy, chúng tôi không chơi với bé Thúy nữa, mà lân la đến những người nhặt rác hỏi chuyện. Trừ sự xởi lởi, thân thiện của vợ chồng anh Năm Tuấn, những người khác chỉ trả lời qua quýt, hoặc không nói chuyện mà chỉ trố mắt nhìn. Cuối cùng, chúng tôi cũng được chị Ba Thy thôi nặng lời xua đuổi, mà ra tín hiệu cấm chụp hình chị đăng báo. “Người ta nhặt rác khổ cực, dơ bẩn thì có gì đâu mà hỏi han, chụp hình. Chụp hình đăng báo để bà con ở quê biết tụi tui lên đây nhặt rác khổ cực thì làm sao mà sống” - chị Ba Thy thẳng thừng tỏ bày điều khó chịu trong lòng.

Thấy chị Ba Thy xuống nước, những người nhặt rác cùng chị bớt ngại tiếp xúc với chúng tôi. Lê Hữu Tuấn (18 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) nhát gừng cho biết, gia đình Tuấn ở quê nghèo lắm, nhà đông anh chị em nhưng không có ruộng, nên Tuấn bỏ chăn vịt thuê, theo chị Ba Thy lên đây nhặt rác. Một ngày, Tuấn nhặt được khoảng 200kg bịch ny-lông và một ít chai lọ nhựa, nhôm, sắt vụn…, kiếm được khoảng 200 ngàn đồng. Số tiền kiếm được, một phần nhỏ Tuấn chi dùng vào việc trả tiền thuê phòng trọ, ăn uống, phần còn lại gửi về quê phụ cha mẹ nuôi em ăn học. “Cả ngày làm việc ngoài bãi rác nên em không tiêu xài gì hết. Vì vậy, tháng nào em cũng để dành được 3 triệu đồng gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi em” - Tuấn tỏ bày.

Mặc dù bị người dân địa phương phản đối dữ dội suốt bao năm qua vì mùi hôi thối khó chịu, nhưng bãi rác tạm ở tổ 5, KP.4, thị trấn Vĩnh An lại là cứu cánh của rất nhiều người thất nghiệp, nghèo khó trôi dạt về đây mưu sinh. “Bãi rác còn thì tụi tui còn cơ hội kiếm ra tiền gửi về quê nuôi con” - anh Năm Tuấn bày tỏ.

Còn chị Chín Ngọc (38 tuổi, ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, trong một lần đi mua ve chai dạo, chị biết được bãi rác này. Từ đó, chị bỏ nghề mua ve chai và chuyển sang nhặt rác để mong kiếm được nhiều tiền hơn. Chị Chín Ngọc nói: “Nhặt rác vất vả lắm. Cả ngày phải ăn, nghỉ ngay trên bãi rác, nên tui phải mang luôn cả mùi hôi hám về nhà. Nhiều lúc bị chồng con chê vì người lúc nào cũng có mùi thum thủm mà tủi thân. Nhưng khi nghĩ đến 2 đứa con nhỏ đang còn đi học, công việc làm rừng của chồng ít hơn đi nhậu, nên tui ráng làm”.

Ít lời và cũng là người nhặt rác nhanh nhất trong hơn 10 con người ở bãi rác tạm là đôi bạn lớn tuổi Hai Hỉ và Bảy Thi (quê tỉnh Bến Tre). Chị Hai Hỉ cho biết, chị và chị Bảy Thi cùng thuê chung phòng trọ, ăn chung, ngủ chung và làm việc chung. Mỗi tháng, 2 người dư được 8 triệu đồng để chia nhau. “Tui và chị Bảy đều không có chồng con nên tiền kiếm được tụi tui giữ lại một ít phòng thân, còn lại gửi về quê nuôi cha mẹ già yếu. Niềm vui của tụi tui là trong đống rác càng nhiều bịch ny-lông, chai nhựa và mưa nhiều hơn nắng để rác bớt mùi hôi” - chị Hai Hỉ bộc bạch.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều