Báo Đồng Nai điện tử
En

Những lời khen vô giá

03:08, 08/08/2015

13 năm làm công tác thi đua - khen thưởng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, đúc rút được rất nhiều điều lý thú. Ông Dũng tỏ bày, người làm công tác thi đua - khen thưởng cần phải có cái tâm, năng lực và kỹ năng công tác phong trào.

13 năm làm công tác thi đua - khen thưởng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, đúc rút được rất nhiều điều lý thú. Ông Dũng tỏ bày, người làm công tác thi đua - khen thưởng cần phải có cái tâm, năng lực và kỹ năng công tác phong trào.

Nông dân Lê Công Thành ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) được UBND tỉnh tuyên dương với sáng kiến “Xe sạ rau các loại”.
Nông dân Lê Công Thành ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) được UBND tỉnh tuyên dương với sáng kiến “Xe sạ rau các loại”.

Lắng lòng một lúc để kìm nén cảm xúc, ông Dũng bắt đầu dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện đầy xúc động về những người dân hết sức bình thường nhưng tràn đầy tinh thần trượng nghĩa, nhân văn, làm bao điều tốt thầm lặng giữa đời thường, như: cụ Túc (huyện Tân Phú), cô giáo Sáng (TP.Hồ Chí Minh), anh Phước (TP.Biên Hòa), ông Chữ (huyện Thống Nhất)… Khi nhận được những lời khen, động viên kịp thời từ xã hội, các cấp chính quyền, trái tim họ như thăng hoa, nghĩa cử thêm cao cả, hiến dâng không dừng.

* Động lực và niềm tin

Năm 2005, ở tổ 4, ấp Phú Lâm 6, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú), nơi xa tít so với trụ sở làm việc của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, cụ Trần Văn Túc - một công dân được mệnh danh là “Người vần đá vá đường”, đã về với tổ tiên khi chưa kịp nhận tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp của cụ với xã hội. Để không phụ tấm lòng của người quá cố, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh đã kịp thời có mặt tại linh cữu cụ Túc, thực hiện nghi thức truy tặng, khiến mọi người xung quanh đều xúc động. Ông Dũng nhớ lại, thấy đoàn thi đua - khen thưởng của tỉnh, huyện, xã đến, bà con giáo dân tạm dừng lễ cầu nguyện, nhường thời khắc quan trọng cho đoàn thực hiện nghi thức truy tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho cụ Túc.

Khi tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được đoàn long trọng đặt trước quan tài người quá cố, mọi người như vỡ òa cảm xúc trước nghĩa cử “nghĩa tử là nghĩa tận” của đoàn. Để nhận được sự tri ân đặc biệt đó, khi còn sống, cụ Túc một mình dặm vá tuyến đường làng “liên tỉnh”: Tân Phú - Bình Thuận mà trước đó xe bò cũng không bò qua được vì nó như một bãi lầy. Nhờ sự kiên trì của cụ Túc, đoạn đường trên đã từng bằng phẳng thêm từng ngày, không còn những hục nước, bãi lầy, ngay cả xe ô tô qua lại cũng rất thuận tiện. Công sức, tiền của của cụ Túc bỏ ra để làm đường không chỉ được bà con trong vùng biết tới, mà xã, huyện, tỉnh, Bộ Giao thông - vận tải và Thủ tướng Chính phủ cũng biết tin.

Muốn làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, theo ông Dũng, cần phải có cái tâm, năng lực, kinh nghiệm tổ chức phát động phong trào và tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Ông Dũng ví von: thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái, muốn gặt hái nhiều thì phải gieo trồng nhiều.

Lo xong danh hiệu cho cụ Túc, ông Dũng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tri ân tấm lòng của cô giáo nghèo tên Sáng (cư ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) qua đề nghị của ông Phạm Văn Ngữ (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất). Ông Dũng kể, ông Ngữ vốn quý tấm lòng hào hiệp của cô giáo Sáng nên điện thoại xin phép được gặp ông. Tiếp chuyện với ông Ngữ, ông Dũng bất ngờ khi nghe câu chuyện cổ tích về một cô giáo lặng thầm giúp những trẻ em nghèo tại tỉnh Đồng Nai bị bệnh tim được phẫu thuật miễn phí. Do cô giáo Sáng từ chối được khen thưởng nên ông Dũng và ông Ngữ đã nghĩ ra kế vẹn toàn, mời được cô Sáng lên Đồng Nai. Lúc này, lãnh đạo tỉnh, Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh và ông Ngữ đã chuẩn bị hoa, bằng khen bọc khung đợi sẵn. Xúc động trước nghĩa cử tri ân ấy, cô giáo Sáng thêm động lực để giúp thêm nhiều trẻ có được trái tim khỏe mạnh.

 Ông Trần Văn Phước (tổ 2, KP.1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) thay đổi nhờ được biểu dương kịp thời hành động cứu người bị đuối nước.
Ông Trần Văn Phước (tổ 2, KP.1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) thay đổi nhờ được biểu dương kịp thời hành động cứu người bị đuối nước.

Câu chuyện về ông Trần Văn Phước (tổ 2, KP.1, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) với thành tích cứu trẻ em bị đuối nước được UBND phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), UBND tỉnh khen thưởng kịp thời lại là câu chuyện kết thúc “có hậu”. Từ một người trước đó tối ngày say xỉn, sau khi được khen thưởng vì hành vi cứu người, ông Phước lập tức trở thành một con người khác hẳn xưa, sống mẫu mực và chăm chỉ lao động nuôi con ăn học. “Mỗi con người ai cũng có khát vọng. Một khi chúng ta động viên, biểu dương kịp thời họ sẽ tích cực hơn, trách nhiệm hơn với xã hội, bản thân. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và cái tâm của người làm công tác thi đua - khen thưởng khi được cấp trên giao” - ông Dũng tâm sự.

* Người chăm vườn

Trong năm 2014, từ các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khen thưởng và tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị, địa phương… ngành thi đua - khen thưởng các cấp đã kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác, lao động, cuộc sống. Trong đó, công tác khen thưởng và tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy những ưu điểm, việc xử lý hồ sơ công nhận các danh hiệu thi đua - khen thưởng luôn được thực hiện với tinh thần khẩn trương, kịp thời, đúng tiêu chuẩn, quy trình thủ tục. Ông Dũng ví von, người làm công tác thi đua - khen thưởng như người chăm vườn vậy. Trong cuộc sống, lao động, học tập… luôn xuất hiện những gương điển hình tiên tiến, hạt nhân tiêu biểu của phong trào. Cho nên, người chăm vườn càng nhiệt huyết, chăm chỉ, trách nhiệm thì hoa thơm càng nẩy nở, sinh sôi.

Cụ Lê Văn Một (78 tuổi, ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) bán vé số, báo để có tiền giúp đỡ người nghèo.
Cụ Lê Văn Một (78 tuổi, ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) bán vé số, báo để có tiền giúp đỡ người nghèo.

Cũng theo ông Dũng, trong năm 2014, tỉnh đã kịp thời đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước, như: phong tặng 514 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4 tập thể và 17 cá nhân được tặng huân chương lao động các loại; 16 tập thể được nhận cờ thi đua Chính phủ; 49 tập thể và 141 cá nhân được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Khen thưởng cấp tỉnh, gồm: 103 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; 453 tập thể nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 340 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 227 tập thể, 986 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen. “Trong năm tỉnh đã tổ chức 2 lần lễ trao thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng, bảo vệ đất nước. Công tác tổ chức đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng Nhà nước được UBND tỉnh tổ chức trao tặng tập trung nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương” - ông Dũng nhấn mạnh.

Trong vườn hoa thi đua, ông Dũng tâm đắc nhất vẫn là những mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt từ cơ sở. Để minh chứng cho điều này, ông Dũng trân trọng đưa cho chúng tôi bản báo cáo với rất nhiều những hạt nhân thi đua xuất hiện từ cơ sở được UBND tỉnh tôn vinh trong những năm qua. “Công tác thi đua - khen thưởng cần kịp thời đánh giá đúng con người, sự việc và không ngừng tìm kiếm, phát hiện các hạt nhân tiêu biểu từ cuộc sống để kịp thời biểu dương tôn vinh. Có như vậy, người làm công tác thi đua - khen thưởng rất dễ nói, thuyết phục các đơn vị, sở, ngành, nhân dân…” - ông Dũng tâm đắc nói.

Đoàn Phú

 
 

 

Tin xem nhiều