Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấm lòng những người vắn số

11:09, 09/09/2015

Theo thời gian, vụ lật tàu hỏa gần ga Bàu Cá (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) làm hơn 200 người chết và bị thương ngày 17-3-1982 đã dần đi vào quên lãng.

Theo thời gian, vụ lật tàu hỏa gần ga Bàu Cá (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) làm hơn 200 người chết và bị thương ngày 17-3-1982 đã dần đi vào quên lãng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Hoạt (79 tuổi, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) vẫn còn nhớ không khí tang thương năm ấy khi ông có mặt tại hiện trường cùng thanh niên trong xã đào huyệt chôn cất những người xấu số.

* Chuyến tàu định mệnh

Khoảng 5 giờ ngày 17-3-1982, người dân ấp Hưng Lộc và các vùng lân cận chợt bừng tỉnh giấc khi nghe những tiếng động ầm ầm phát ra gần khu vực ga Bàu Cá. Nghi có chuyện chẳng lành, mọi người chạy đến nơi phát ra tiếng động thì hoảng hốt chứng kiến đoàn tàu gặp nạn, các toa tàu gãy khúc nằm lăn lóc 2 bên đường ray, đầu máy tàu nằm chỏng chơ trên đồi cao.

Khu nghĩa trang đường sắt đang được ông Nguyễn Kim Hoạt chăm sóc.
Khu nghĩa trang đường sắt đang được ông Nguyễn Kim Hoạt chăm sóc.

Ông Hoạt nhớ lại, lúc ông đến hiện trường vụ tai nạn thì thấy lực lượng công an, dân quân, chính quyền xã Hưng Thịnh và người dân địa phương đến cứu nạn. Những người bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, người chết thì nằm đắp chiếu chờ thân nhân đến nhận xác.

Trước hình ảnh tang tóc của vụ tai nạn, ông Hoạt đứng nhìn một lúc thì ra về nhằm đảm bảo trật tự hiện trường cho cơ quan chức năng giải quyết vụ tai nạn. Đầu giờ chiều, ông Hoạt và người dân trong ấp được xã huy động ra khu rẫy đất ông Thư (ấp Bàu Cá, xã Tây Hòa) đào huyệt mộ. Khoảng 16 giờ, xe tải chở quan tài những người xấu số đến. Tuy ông Hoạt và người dân đào tới 200 huyệt mộ, nhưng chỉ có 100 quan tài được chôn cất, số huyệt mộ còn lại sau đó được lấp lại. “Tôi nghe người ta nói có khoảng 200 người chết và bị thương trong vụ tai nạn lật tàu năm đó. Số người được chôn ở đây phần lớn không xác định được thân nhân, hoặc chưa có thân nhân đến nhận” - ông Hoạt kể lại.

Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết, nguyên nhân của vụ tai nạn đường sắt vào ngày 17-3-1982 là do đoạn nối giữa các toa tàu bị ai đó phá hoại. “Chuyện người đi tàu lậu kéo các ống hơi nối giữa các toa để buộc lái tàu phải dừng nối lại. Nhân cơ hội đó những người đi tàu lậu tranh thủ lên hàng, xuống hàng”- ông Sơn nói.

Để chúng tôi biết thêm thông tin về vụ tai nạn, ông Hoạt chỉ cho chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Thành Sơn (ngụ ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh). Ông Sơn là nhân viên tuần đường cung đường Bàu Cá năm đó, nay ông đã nghỉ hưu và làm nhà ở ngay khu vực tàu gặp nạn.

Chỉ vào cái miếu thờ trước nhà, ông Sơn cho biết, cái miếu đó do một người dân trúng số bỏ tiền cho nhân viên đường sắt dựng lên để nhang khói cho những người xấu số trong vụ tai nạn lật tàu. Cũng nhờ cái miếu đó mà sau này thân nhân những người xấu số tìm đến nhà ông hỏi thăm tin tức người thân, đốt cho họ nén nhang. Sau đó, họ được ông chỉ dẫn đến khu nghĩa trang ấp Bàu Cá (cách nơi đoàn tàu bị nạn 3km) để tìm mộ người thân.

Thông tin về vụ tai nạn năm xưa, ông Sơn thông thể nào nhớ hết các chi tiết để cung cấp cho thân nhân người bị nạn. Phần vì ông nay đã lớn tuổi, phần lúc đó ông đã hoàn thành xong ca trực và không muốn nhắc lại những nỗi đau trong quá khứ. Ông Sơn chỉ kể vắn tắt rằng, lúc đoàn tàu gặp nạn, ông đang ở nhà và được thủ trưởng lệnh ra hiện trường cứu người, hỗ trợ các bộ phận khác để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu khác qua ga Bàu Cá. Mấy tháng sau, cung đường nơi xảy ra tai nạn mới được ngành đường sắt sửa chữa xong. Đến năm 1993 thì ngành đường sắt dời cung đường ra hướng khác, cách hiện trường vụ tai nạn 500m.

* Tấm lòng của 2 người già

Sau khi ngành đường sắt dời cung đường ra hướng khác, ông Sơn được đơn vị giao cho khu đất từng xảy ra vụ tai nạn năm xưa để ở cho đến nay. Từ đó, ông có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc ngôi miếu thờ.

Ông Sơn kể lại, người dân trong vùng thỉnh thoảng đem nhang đèn, bánh trái đến ngôi miếu cúng để an ủi linh hồn những người bị nạn. “Nhờ ngôi miếu đó mà thân nhân những người bị nạn biết nơi tìm đến hỏi thăm tin tức, hoặc đốt nén nhang chung cho tất cả những người bị nạn” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Kim Hoạt cho biết, trong số 80 ngôi mộ vô danh, có một ngôi mộ ghi rõ tên tuổi người đã khuất, nhưng không thấy thân nhân đến bốc mộ.
Ông Nguyễn Kim Hoạt cho biết, trong số 80 ngôi mộ vô danh, có một ngôi mộ ghi rõ tên tuổi người đã khuất, nhưng không thấy thân nhân đến bốc mộ.

Theo thời gian, vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại ga Bàu Cá dần đi vào quên lãng. Ông Sơn vẫn hàng ngày chăm sóc ngôi miếu thờ, còn ông Hoạt thì đứng ra coi sóc khu nghĩa trang đường sắt.

Ông Hoạt kể, thấy khu nghĩa trang đường sắt bỏ hoang phế một thời gian dài, cây cối rậm rạp phủ kín như rừng hoang, một nữ sơ già xót lòng nên hàng năm thuê người phát dọn cây cỏ. Khi nữ sơ ấy chuyển đi nơi khác sinh sống, khu nghĩa trang tiếp tục bỏ hoang tàn, để mặc cỏ cây xâm lấn vì thiếu người chăm sóc. Vì vậy, trong số 100 ngôi mộ của những người chết vô danh trong vụ tai nạn lật tàu đã được cất bốc 20 mộ lúc nào không ai hay biết.

Năm 2013, thân nhân của các nạn nhân vụ tai nạn lật tàu bắt đầu tìm đến Hưng Thịnh, Tây Hòa hỏi thăm tin tức người nhà bị nạn ngày càng nhiều. Nhìn thấy khu nghĩa trang thiếu người chăm sóc, ông Hoạt vận động người dân có rẫy gần đó phát dọn toàn bộ khu nghĩa trang, vun tạo lại các nấm mồ, đúc bia và đắp hàng chữ “Nghĩa trang đường sắt” ở cổng vào; đồng thời thường xuyên đến thắp nhang để sưởi ấm những linh hồn đang côi cút. “Thấy tôi tự nguyện chăm sóc khu nghĩa trang, bà con ở đây rất ủng hộ. Họ cùng với tôi sơn quét vôi lại các tấm bia mộ đã lập trước đó, xây lại các đoạn tường rào đã sập. Thân nhân những người nằm ở đây thấy vậy rất phấn khởi nên đến thăm mộ người thân nhiều hơn” - ông Hoạt bày tỏ.

Ngoài việc cùng mọi người chăm sóc khu nghĩa trang, ông Hoạt kiêm thêm nhiệm vụ ngăn cản thân nhân những người đã khuất đến cất bốc mộ. Lý do ông Hoạt ngăn cản là vì toàn bộ những ngôi mộ trong khu nghĩa trang này đều vô danh, người nhà của họ không thể đào hết mộ này đến mộ khác để tìm hài cốt người thân. “Làm như vậy sẽ có lỗi với người đã khuất nên tôi mạnh dạn ngăn cản” - ông Hoạt bùi ngùi cho hay.

Thành Nhân      

 

 

 

Tin xem nhiều